Chế Lan Viên nói về quê Bình Định




Tôi không bao giờ quên cái số vốn đầu tiên, mà tuổi thơ, mà gia đình, mà bè bạn, nói tóm lại, là Bình Định thuở ấy đã cấp cho tôi.(1) Không có cái vốn đầu tiên để đi đường xa ấy, làm sao tôi có số thành này. Cho tôi nói lên lòng biết ơn với quê - dù đấy không phải là quê mẹ. Quê cha mẹ tôi ở ngoài Quảng Trị. Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong gió Lào và khoai sắn Bình Trị Thiên. Nhưng sau đó, khi tôi lên bảy thì cả gia đình chuyển vào Bình Định:

Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ
Cái giếng vườn rau căn nhà nho nhỏ
(...)

Tôi làm thơ lúc 12, 13 tuổi ở huyện lỵ An Nhơn. Lủi thủi làm và cũng không ý thức đó là thơ (...) Phải (...) gặp Yến Lan, có bạn thơ soi vào nhau, thì tôi mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ, và có danh hiệu của mình: Lan Viên. Chắc là bị ảnh hưởng bởi tên Lan của bạn, và vườn của nhà bạn có nhiều hoa ấy (...)

Nhưng phải chờ 16, 17 tuổi xuống Qui Nhơn theo trung học, thì tôi mới thành một người làm thơ thực sự (...) Tôi đã gặp một người anh về thơ: Hàn Mặc Tử (...) Tôi đã gặp cả một vùng, một trung tâm thơ, trung tâm văn học là Qui Nhơn. Cũng từ đấy trước chữ Lan Viên, bỗng thêm chữ Chế. Vì sao có chữ Chế ấy? Chỉ biết rằng trong tập Nắng xuân do hai chị Mai Đình và Hoàng Cúc, hai người bạn gái của Hàn Mặc Tử vừa đây gửi cho tôi mượn, một tập giai phẩm in năm 1936 ở Qui Nhơn biên tập bởi nhà thơ lãng mạn Hàn Mặc Tử (...) có một bài Hàn Mặc Tử tặng cho tôi. Bài “Thi sĩ Chàm” tặng Chế Bồng Hoan.(2) À, thì ra còn cả tên đó nữa. Có lẽ Tử đặt ra chăng? (...)

Mỗi miền đất nước ta đều có sắc thái riêng của nó và Bình Định cố nhiên có màu sắc riêng rất đậm của mình (...)

Tuồng Bình Định. Võ Phú Phong. Nón Gò Găng (...) Theo tôi kiểu nhà lá mái có cửa bàn khoa ở Bình Định là kiểu nhà đẹp nhất Việt Nam (...) Bình Định có một cái gì riêng biệt trong phong cảnh, trong văn hóa, trong lịch sử của vùng mình. Và cái ấy xui giục, hỗ trợ cho các nhà thơ ở đấy (...) khẳng định một bản lĩnh (...)


(Trích lời tựa sách
Chế Lan Viên - Thơ văn chọn lọc, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1992)











___________________
(1) Hầu hết những chữ “Bình Định” trong nguyên văn in là “Nghĩa Bình”, vì lúc ấy hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định nhập lại làm một. Chế Lan Viên lớn lên hoàn toàn trong tỉnh Bình Định.
(2) Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan.