Làm hay đọc một bài thơ hay, đều được sướng. Nhưng người làm thơ sướng nhiều hơn người đọc thơ. Vì ngoài cái sướng trong tư cách một người đọc bài thơ đã làm xong (thi sĩ cũng là một độc giả của thơ mình), người làm thơ trước tiên có cái sướng trong khi sáng tạo. Ồ, được sống cái quá trình biện chứng ấy, trải nghiệm cái diễn biến nhờ năng khiếu và sự cố gắng của mình mà một tứ “phôi thai” bắt đầu hiện ra thành lời, lời và tứ tương tác, hoàn chỉnh cho nhau, cùng lớn dần lên, để rút cuộc một bài thơ giá trị ra đời, sướng để đâu cho hết! Kẻ trồng cây sướng hơn người chỉ ăn quả, như thế cũng là lẽ công bằng. (Thu Tứ)



Huy Cận, “Thơ ca di dưỡng tinh thần”




Các cụ ta ngày xưa thường nói “thơ ca di dưỡng tinh thần”. Ðúng lắm! (...) (Thơ giá trị chứa) một trạng thái tâm hồn, hơn thế nữa, một trạng thái tâm thần (...) cởi mở, thư thái mà sôi nổi, hào hứng mà lắng trong, một trạng thái toàn diện trong đó ý và tình đều như đang sinh ra, đang nhú lên, tình đang đọng thành ý, ý còn mang tất cả cái rung động của tình, một trạng thái tinh khôi, sáng tạo. Tâm thần được nuôi nhiều bằng (thứ) trạng thái ấy. Ðúng là một chất di dưỡng cho tâm hồn. Có cái gì giống như là trái đang chín cây, chứ không phải chín dú. Trạng thái đang chín đó đã truyền từ tâm hồn người làm thơ, qua cơ thể bài thơ, câu thơ. Bởi một bài thơ hay là một cơ thể sống trong đó ý và tình, cảm giác và cảm tưởng, chữ và nhịp, hình tượng và nhạc điệu, tất cả đều tồn tại trong một thể thống nhất, gây thành một xúc động thống nhất, toàn diện. Tóm lại là một hiện tượng của sự sống, không phải là một sơ đồ. Hiện tượng ấy là một hiện tượng cởi mở, đón chờ, đang chín, thuận cho mọi sự thai nghén, tụ thành.

Cho nên có những điều kỳ lạ, tưởng như mâu thuẫn, lúc nhà thơ đang làm thơ và lúc độc giả đang đọc thơ, đang hưởng thơ. Ví dụ: làm hoặc đọc một bài thơ về đau khổ, về nỗi dằn vặt của tâm hồn, hay nung cháy tâm can. Theo lý luận thông thường thì lúc đó nhà thơ hay người đọc thơ phải ở trạng thái đau khổ, dằn vặt. Nhưng không! Nhà thơ làm thơ về đau khổ trong một trạng thái tâm hồn hào hứng, trong một trạng thái trái đang chín cây. Người đọc thơ được di dưỡng tinh thần với trạng thái ấy, mặc dù người làm thơ có thể mang nỗi đau khổ trong đáy tâm hồn mình.


(Trích
Tuyển tập Huy Cận II - Thơ và văn xuôi, như đăng trong phụ trang Thơ của báo Văn Nghệ tháng 3-2005 dưới nhan đề “Huy Cận suy nghĩ về nghệ thuật”)