“Cung oán ngâm” mà. Người cung nữ đã ngâm nga trách móc một thôi rồi (từ câu 189 đến câu 244), đến đây lại ngâm nga trách móc thêm một thôi nữa. “Sinh ly đòi rất thời Ngâu / Một năm còn thấy mặt nhau một lần”... Ấy bởi chàng Ngưu chỉ có nàng Chức, trong khi “chàng Vua” có vô số nàng. Khi hoàn cảnh bất lợi như thế thì thực tế không thể có “thắm nào nhuộm lại tơ hồng cho tươi” đâu. Mệnh là “được” tiếp tục “phòng không” khao khát “mây mưa”, “được” tha hồ “chiêm bao những đêm xưa” mà mơ “giọt mưa cửu hạn” cho đến khi không còn một chút xuân nào! Lần trước “khách quần thoa” bị “để lạnh lùng” oán, rồi “bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”. Lần này, phản ứng có dịu hơn: “Chống tay ngồi ngẫm sự đời / Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm”. Kêu dù dài vẫn nhẹ hơn đạp nhiều, và cũng “thương” hơn nhiều. (Thu Tứ)



Nguyễn Gia Thiều, Cung oán (c. 309-336)




Trong gang tấc mặt trời xa mấy (309)
Phận hẩm hiu nhường ấy vì đâu
Sinh ly đòi rất thời Ngâu
Một năm còn thấy mặt nhau một lần.

Huống chi cũng lạm phần son phấn (313)
Luống năm năm chực phận buồng không
Khéo vô duyên với cửu trùng
Thắm nào nhuộm lại tơ hồng cho tươi.

Vườn Thượng uyển hoa cười với nắng (317)
Lối đi về ai chẳng chiều ong
Doành Nhâm một giải nông nông
Bóng dương bên ấy đứng trông bên này.

Tình rầu rĩ khôn khuây nhĩ mục (321)
Chốn phòng không như giục mây mưa
Giấc chiêm bao những đêm xưa
Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày.

Trên chín bệ có hay chăng nhẻ (325)
Khách quần thoa mà để lạnh lùng
Thù nhau chi hỡi đông phong
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào.

Tay Tạo hóa cớ sao mà độc (329)
Buộc người vào Kim ốc mà chơi
Chống tay ngồi ngẫm sự đời
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm.

Nơi lạnh lẽo nơi xem gần gặn (333)
Há phai son nhạt phấn ru mà
Trêu ngươi chi bấy trăng già
Sao cho chỉ thắm mà ra tơ mành.