Hoàng Xuân Hãn, “Câu chuyện Bích Câu”




Chuyện Bích Câu (...) là một chuyện tiên thuần túy Việt Nam, mà địa giới không ra ngoài đất Thăng Long. Tôi không biết chuyện tiên Trung Quốc nào tương tự (in đậm do người trích). Nhưng ta muốn biết: chuyện Tú Uyên có chỉ bởi Ðặng Trần Côn tưởng tượng ra mà thôi chăng? hay là chuyện đã có từ trước và ông chỉ thêu dệt cho văn hoa mà thôi? Nay ta không thấy có bút tích gì trước bài ký này kể chuyện Tú Uyên hoặc nói đến đền Tú Uyên cả. Tôi tiếc rằng không chép lại được thần tích và bia đền. Các sách có nói đến hồ Tú Uyên đều soạn sau Bích Câu kỳ ngộ ký. Ví như Hoàng Việt địa dư chí có chép: “Hồ Tú Uyên ở ngoài cửa tây nam thành Hà Nội, tức là phường Bích Câu. Giữa hồ có chùa, tên chùa là An Quốc (bản khắc năm Minh Mạng thứ 14, 1833, lầm ra Nam Quốc). Thế truyền có một thư sinh tên Tú Uyên gặp tiên nữ ở đó. Vì đó đặt tên hồ” (quyển thượng trang 21a). Hai chữ “thế truyền” nghĩa là đời này kể cho đời khác nghe, cũng như tục truyền. Nhưng không biết có tự đời nào. Trong đoạn nói về chùa Bà Ngô, sách ấy lại chép: “... tên cũ là chùa Ngọc Hồ... Bích Câu kỳ ngộ chép rằng thư sinh tên Uyên gặp Tiên xu cũng ở chỗ này” (quyển thượng trang 26a).

Theo đoạn cuối Bích Câu kỳ ngộ ký thì đền Tú Uyên có tự đời Hồng Ðức sau khi Tú Uyên lên tiên. Ðặng Trần Côn lại kể chuyện người học trò năm đầu Vĩnh Hựu (1735) tới nằm mộng ở đền ấy. Nhưng ta không biết chuyện này có thật hay là cũng thuộc tiểu thuyết mà thôi.

Tuy chưa có chứng cứ chắc chắn, nhưng ta cũng có thể nhận rằng chuyện Tú Uyên kết duyên cùng tiên nữ nhờ một bức họa (là chuyện đã) có (từ) trước đời Ðặng Trần Côn. Ông theo cốt chuyện mà bày đặt những thi, từ để thành văn chương (...)


(
Bích Câu Kỳ Ngộ, Hoàng Xuân Hãn hiệu đính và chú giải, nxb. Ðại Học, Huế, 1964. Nhan đề phần trích trích tạm đặt.)