Thơ, hay cảm nhận thơ, không phải làm bằng không khí. Mà bằng thịt bò, cá quả, cá trê, thịt chó, nước cam vắt, trứng gà v.v. Ít nhất thì cũng phải bằng cơm và nước mắm. (TT)



“Xuân Diệu trong đời thường”



Xuân Diệu (...) nhà thơ, diễn giả về thơ, nhà phê bình nghiên cứu thơ và dịch giả về thơ (...) Ông thường đi nói chuyện (thơ) (...) Ngoài những buổi tham dự ở hội trường Xuân Diệu tranh thủ buổi trưa xuống bếp đọc thơ cho các chị cấp dưỡng (...) Xuân Diệu thích ăn những món ăn tươi, có nhiều năng lượng và (ăn) không cầu kỳ. Sau giải phóng ông về Qui Nhơn thăm quê ngoại. Bà mợ đãi ông món thịt bò xào (...) Ông (kể): "Thịt bò Qui Nhơn tươi, mềm, mình ăn hết cả xuất và nói với bà mợ: Chiều mợ lại cho cháu ăn món thịt bò xào" (...) Ông đi nói chuyện ở trường cấp ba ở Hà Tây vùng đồng chiêm trũng. Bữa ăn thết ông là món cá quả om, cá tươi nặng trên một cân (...) Một giáo viên nói: Chiều mời anh ăn cơm trước khi ra về. Anh gật đầu và bảo: Lại cho mình ăn cá. Không cần món gì khác (...) Xuân Diệu thích cá nấu theo kiểu truyền thống. Cá tươi to con đem luộc hoặc om, không cầu kỳ (...) Trong các thức ăn hàng ngày Xuân Diệu thích món thịt chó luộc. Ông thường tự đi mua ở chợ gần nhà (...) Ông bảo: "Thịt chó nhiều chất đạm, ăn đậm (...) giàu năng lượng (...)" (...) Một lần chị Phong Lan ở Viện Văn học đến thăm ông và thấy nhà thơ đang cầm bát thịt sắp xếp theo một chủ định nào đó. Chị hỏi: Anh làm gì đấy? Xuân Diệu trả lời là mình đang soạn thịt (...) Ông chú ý giữ sức khoẻ, nhất là trong các chuyến đi nói chuyện (...) Ông thích nước cam vắt, bia... nhưng những năm tháng này chất lượng của đồ uống rất kém nhất là ở các huyện và tỉnh nhỏ. Xuân Diệu lưu ý đến chất lượng của nước uống trong giờ nghỉ. Nhiều lần ông tỏ ý nghi ngại những chai bia, chai nước ngọt mua vội ngoài quán về cho diễn giả. Phải đảm bảo cho bụng dạ diễn giả được an toàn. Ông nói với tôi: "Tốt nhất là đánh bốn năm lòng đỏ trứng gà, pha với nước sôi và đường mà uống để bồi dưỡng sức. Nó giữ cho dây tơ ở họng khỏi rát và căng ra" (...) Trong những năm sau chiến tranh (...) cũng khó khăn. Một lần Xuân Diệu và chị Thiếu Mai đi thăm Hung-ga-ri (...) khi về chị Thiếu Mai kể (...) Về sinh hoạt, bạn đề nghị chọn một trong hai chế độ, một là chi cho đoàn một khoản tiền rồi đoàn tự túc trong chuyện ăn uống. Hai là đoàn có thể ăn uống thoải mái khi ở khách sạn. Khách sạn ghi sổ và Hội Nhà văn chi trả. Chị Thiếu Mai nói với tôi là chị thích chọn cách thứ nhất, tự do hơn và có thể dành chút ít tiền để mua sắm quà. Anh Xuân Diệu lại thích cách thứ hai. Anh bảo (...) "ở nhà ăn uống cần kiệm mãi rồi, sang đây bạn đãi (...) thím nên theo ý tôi, chúng ta cứ ăn uống cho thoải mái (...)" (...)

Ông sống tiết kiệm nhưng sẵn sàng giúp đỡ những người thân. Có lần ông phổ biến kinh nghiệm cho tôi. Với bạn bè và người thân gặp khó khăn, nếu ai hỏi vay không nên cho vay mà nên tùy tình hình tặng hắn một nửa hoặc một phần số tiền. Nếu cho vay mà họ không trả được thì mất cả tiền lẫn bạn (...)

Ông quý sách (...) Xuân Diệu nói: "Mình và Huy Cận có một nguyên tắc là: những cuốn sách đã vào nhà này sẽ không đi ra nữa" (...)


12-2003


(Hà Minh Đức, "Thi nhân và cuộc sống đời thường", phụ trương Thơ của báo
Văn Nghệ, 6-2004)