Võ Phiến viết tác phẩm này hình như vào đầu thập kỷ 1960. Lúc đó hình như đã rất hiếm rồi những trường hợp thấy ma nghe ma...

Cách nay nửa thập kỷ ma coi như đã thôi hiện ngoài đời, nhưng vẫn còn tiếp tục hiện trong truyện trong phim thêm một thời gian nữa mới chịu lìa hẳn trí óc người (xem Nhớ Ma của TT).

Rốt cục, chuyện là thế nào nhỉ? Tất cả chỉ là ảo giác hoặc sản phẩm của trí tưởng tượng của tổ tiên ta, hay quả có một thế giới khác từng “thông” với thế giới này mà nay hết thông vì loài người trở nên quá đông đảo và sinh hoạt quá rộn ràng?...

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Đến khi ma chết” (3)




Chạng vạng tối hôm đó con ma hiện lên trước Hải Thọ dược phòng. Từ hết sức bỡ ngỡ, nó dần cảm thấy hồi hộp, lo sợ, chơi vơi, đến mức không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện báo thù nữa. Linh tính báo cho nó biết nó đang sa vào tử địa. Nó đứng ngất nghểu trên nóc Hải Thọ dược phòng đảo mắt nhìn thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn nhộn nhịp như Nã-phá-luân xưa kia nhìn đất đai tuyết phủ mênh mông của Nga hoàng.

Đêm đô thị không tỏa âm khí lạnh lẽo. Trái lại, sự sống càng rộn ràng, náo nhiệt. Hơi nóng của sinh hoạt tỏa lên ngùn ngụt. Ánh điện sáng choang. Nó mở to mắt cố tìm nhưng không thấy một bóng ma nào lảng vảng. Tuy là một con ma chuông hết sức can đảm, tình trạng thiếu hẳn đồng loại giữa chỗ hoàn toàn xa lạ làm nó không khỏi rủn chí.

Con ma từ từ để rơi mình xuống đất, đứng bên lề đường thẫn thờ nhìn lên tấm bảng hiệu. Nó chợt ngạc nhiên. Tấm bảng hiệu viết thế này:

HẢI THỌ DƯỢC PHÒNG

Chuyên trị các chứng bệnh nội thương ngoại cảm của nam phụ lão ấu.

Chuyên chữa 72 chứng đau mắt, bảo đảm lành hẳn.

Có bán đủ các thứ thuốc cao đơn hoàn tán và chích thuốc tây theo toa bác sĩ.


Nhưng đặc điểm của tấm bảng hiệu là trên bốn chữ Hải Thọ dược phòng có vẽ một con mắt cực lớn. Chỉ có một con mắt thôi. Dĩ nhiên con mắt đó là của bảy mươi hai chứng bệnh chuyên môn của ông Hải Thọ, nhưng tại sao nó lại giống y hệt cái sáng kiến độc đáo của con ma trong đêm vừa qua? Một sự ngẫu nhiên tự dưng như có ý mỉa mai! Bị con mắt khổng lồ quái quỉ trên bảng hiệu của ông Hải Thọ nhìn nó đăm đăm như trêu ghẹo, con ma nhớ lại từng chi tiết trong cuộc thất bại nhục nhã đêm qua, và quyết tức thì liều một phen sống mái với ông Hải Thọ.

Nó quên mất tình hình đầy bất trắc, cứ xông bừa vào gian nhà lạ sáng trưng. Ông Hải Thọ đang tiếp một người khách tầm vóc nhỏ bé, nước da trắng nhợt nhạt. Hai người đang say sưa bàn tính chuyện chung tiền mua một chiếc xe hơi cũ, sửa chữa qua loa, rồi đem bán lại, kiếm dễ dàng hơn vạn đồng bạc lời.

Ông Hải Thọ chợt đứng dậy, bước về phía chiếc quạt máy để trên bàn, mở mấy hột nút áo trước ngực, đứng án trước quạt hứng gió mát. Người khách cũng đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, và rút từ trong túi quần ra một xâu chìa khóa, tung lên trước mặt rồi đưa tay ra đón bắt.

Khi xâu chìa khóa tung lên đến lần thứ hai thì con ma thất kinh. Như vậy là thế nào? Rõ ràng có hai chiếc đầu lâu trắng hếu bị treo lủng lẳng ở đầu sợi dây, cùng với mớ chìa khóa! Hai chiếc đầu lâu lớn bằng ngón chân cái. Có thể nào lão Hải Thọ chuyên môn trị chứng bệnh đau mắt lại có một người bạn chuyên môn hành hình các loài ma?

Con ma chuông há hốc ngây ra nhìn. Bỗng người khách đứng phắt lại, chỉ về phía góc phòng, chỗ bóng tối lờ mờ sau cái tủ thuốc, và kêu lên:

-Ối! Ối! Này toa! Xem cái này!

Ông Hải Thọ vội vã chạy đến. Lúc bấy giờ con ma mới giật mình hoảng hốt sực nhớ rằng trong lúc sững sờ nhìn hai chiếc đầu lâu tí hon nó đã hớ hênh xuất lộ nguyên hình một bộ xương đứng nép trong xó nhà!

Bị mọi người đổ xô tới, nó kinh hoàng nhào ra, tung chạy vụt ra cửa. Và suýt nữa thì nó tông đầu vào một chiếc xe G.M.C. của nhà binh vừa chạy ầm ầm ngang qua trước nhà.

Đối với một con ma thì sự lơ đễnh để lộ nguyên hình tích như thế cũng đáng xấu hổ như là một cô gái nhà lành vô ý phơi bày trọn vẹn tấm thân. Bởi vậy suốt đêm đó con ma không mặt mũi nào dám xuất hiện nữa.

Và nhất là sau này, khi nó hiểu rằng hai chiếc đầu lâu kia chỉ là thứ đồ chơi tiện bằng ngà, nó càng cảm thấy ê chề.

Một con ma dẫu có tông ngay vào đầu xe G.M.C. lẽ cố nhiên cũng không bị vỡ sọ, tan xương. Sẽ không ai phải gọi hiến binh đến làm biên bản, chỉ có người tài xế chợt rùng mình ớn lạnh, hắt hơi vài cái, mí mắt phía trái giật giật năm bảy cái liền, và như thế là điềm báo trước rằng tương lai nghề nghiệp của anh ta sẽ gặp nhiều điều thiếu may mắn. Đêm hôm đó bộ xương của con ma không hề bị sứt mẻ chút gì, nhưng lòng tự ái của nó thì tổn thương quá nặng.

Về phía ông Hải Thọ, cả nhà náo động lên hết khoảng nửa giờ. Bà Hải Thọ đem tất cả những hiện tượng mà chồng bà đã trông thấy ở nhà cụ tú Hà ra thuật lại, và ai nấy đều chịu quả là chuyện kinh khủng nhất họ từng nghe.

Nửa giờ sau ông Hải Thọ và người khách có nước da trắng nhợt tiếp tục bàn nốt kế hoạch mua bán xe hơi cũ.

Rồi họ rủ nhau dẫn gia đình đi xem đoàn xiếc Nhật Bổn. Thật khuya hôm đó, ông Hải Thọ trở về nhà, vặn máy thu thanh nghe chương trình cổ nhạc, nhưng mới được mười phút thì đã hết chương trình. Ông ta đứng dậy, mở cặp da, lấy ra một quyển sổ bìa cứng, cầm bút vừa gõ "cốc cốc" lên bìa sổ vừa lưỡng lự suy nghĩ. Ông ta ngáp dài mấy cái. Rồi đi lấy nước nóng pha một cốc cà-phê, để ngay trước mặt, cúi đầu xuống tính toán. Chiếc quạt máy quay vù vù nơi một góc bàn.

Một lát ông Hải Thọ ngừng viết, ngẩng đầu lên, vẻ mệt mỏi, bỏ bút, tréo mười ngón tay kịch cợm vào nhau, bẻ kêu rắc rắc. Rồi ông ta chụp cốc cà-phê uống luôn một hơi. Xong ông ta lại cúi xuống tính toán. Khi ngẩng đầu lên lần thứ hai ông ta tỏ vẻ khó chịu, cởi chiếc áo sơ-mi vắt lên lưng ghế, toan cầm bút trở lại, nhưng rồi quyết định xếp quyển sổ đứng dậy. Ông ta lấy cái đồng hồ reo, lên dây ken két, rồi vặn cây kim báo thức chỉ số năm giờ.

Khi ông Hải Thọ đã trèo lên giường nằm rồi, con ma thấy chiếc quạt máy vẫn chạy vù vù, thật nhanh, cái đồng hồ vẫn kêu tích tắc và từ từ quơ hai cây kim, ngoan ngoãn cố tiến lên tới chỗ con số năm giờ sáng, và trước nhà vẫn còn xe hơi chốc chốc chạy ào qua, ánh đèn xe loang loáng có lúc phản chiếu vào tận trong phòng. Con ma lấy làm bỡ ngỡ, không biết ở chốn này đến bao giờ thì những hoạt động của loài người mới chịu ngừng lại để nhường chỗ cho sự hoạt động của loài ma. Vả lại cứ mỗi khi nghe tiếng một thứ xe gì đó to lớn chạy ầm ầm qua trước cửa, làm rung chuyển cả ngôi nhà, mà gia đình ông Hải Thọ vẫn ngủ ngon không thức giấc, tự nhiên con ma nhìn lại cái chuông nhỏ bé của mình, thấy rằng nó võ trang một món khí giới thật không đáng kể.

Năm giờ sáng, chuông đồng hồ báo thức reo lên. Ông Hải Thọ thức dậy. Con ma còn ở nán lại dương gian, chứng kiến ông ta nuốt vội vã một khúc bánh mì, uống cà-phê, rồi dặn bà Hải Thọ:

- Có lẽ khoảng bảy giở rưỡi đàng nhà Tái Sinh Đường sẽ cho người lại đây mời tôi đến tính toán tiền bạc. Mình hẹn với họ ba giờ chiều. Tôi đi Lái Thiêu, xuống dượng Bảy về công chuyện hùn mở cái quán nước dưới đó. Tám giờ, tư Hồng sẽ đem lại cái lốp xe, mình trả tiền ngay cho nó. Sáng nay chắc ông Lợi Sanh bên Khánh Hội cũng qua tìm tôi, mình mời ông ấy ngồi chơi, nói mười giờ hơn tôi về... À, có nhớ là hôm nay mấy người thợ đến sửa cái ống nước không? Coi chừng, nếu họ đến không gặp mình lần nữa thì lại phải đi gọi và chờ đợi lâu lắm đa.

Bà Hải Thọ đáp:

- Tôi sẽ ở nhà đến tám giờ, gặp chú ba đàng Tái Sinh Đường và chú Hồng. Rồi phải đi xuống Gia Định chữa mắt cho thân chủ dưới đó, kế ghé Tân Định nhận món tiền họ hứa hôm tuần trước, mình không nhớ nay là mười bốn rồi sao? Nhưng tôi sẽ dặn lại chị hai tiếp khách và chỉ công việc cho thợ sửa ống nước.

Nghe hai vợ chồng ông Hải Thọ nói chuyện đến đó, con ma thở ra một hơi dài rầu rĩ. Họ không hề nhớ bàn chuyện dán lá bùa hay rắc a ngùy vào chỗ xó tủ để đuổi tà ma. Họ không còn nghĩ đến nó một chút xíu nào nữa hay sao?

Ở thôn quê một chuyện ma, dù là chuyện lầm lẫn hết sức lố bịch, cũng không thể mới xảy ra hôm trước mà hôm sau đã bị quên bẵng đi như thế. Nhịp sống gấp rút nơi đô thị xóa tan mọi việc nhanh chóng quá.

Vốn lệ là cứ ở đâu chuyện ma bị quên nhanh thì bản thân loài ma cũng khó tụ hình lại được lâu dài. Con ma chuông càng nghĩ càng lo.

*

Hơn tám giờ sáng, trước khi bà Hải Thọ bước ra khỏi nhà để đi Gia Định thì xảy ra một việc ngoài tiên liệu của người và ma.

Đó là sự xuất hiện một lần những bốn người khách đeo máy ảnh. Bốn phóng viên nhật báo không hẹn mà cùng lúc đến viếng Hải Thọ dược phòng để phỏng vấn và điều tra về câu chuyện bộ xương ma.

Họ ghi chép những lời tường thuật của bà Hải Thọ, chụp hình chỗ xó tủ, chụp hình bà Hải Thọ, và họ lui ra đứng giữa đường chụp hình luôn ngôi nhà có tấm bảng hiệu vẽ một con mắt to tướng. Cả ba tấm ảnh không tấm nào có bóng ma, nhưng lẽ dĩ nhiên chúng sẽ chứng minh sự có ma.

Sáu giờ chiều con ma đã được phép vất vưởng trở lại dương thế. Nó nóng ruột chờ đợi ông Hải Thọ, vì ông ta còn chạy công kia việc nọ chưa về nhà. Không phải thói quen của một con ma là chiều chiều đi dạo mát trên đường Đồng Khánh chẳng hạn, nhưng hôm đó thì nó dạo mát. Chẳng qua là trong lúc chờ đợi giết ông Hải Thọ nó giết thì giờ, cách hòa bình, không đổ máu.

Vậy thì đang tản bộ trên đường Đồng Khánh con ma bỗng chú ý đến một mảnh giấy nhật trình có in hình bà Hải Thọ và tấm bảng hiệu có một con mắt thật to của Hải Thọ dược phòng. Mảnh giấy rách bay phất phơ, tấp vào một gốc cây. Để tránh khỏi bị chú ý vô ích, con ma không nhặt tờ giấy nhật trình lên mà chịu khó lom khom cúi xuống đọc.

Đúng là cái tin bộ xương ma xuất hiện trong xó nhà Hải Thọ dược phòng. Chao ôi là nhơ nhuốc. Ngay bên cạnh bài tường thuật chuyện ma, là tin về vụ hai tên lưu manh lừa một em bé mười bốn tuổi tên Nguyễn Thị Tuất vào một khu rừng ở Dầu Dây để cưỡng hiếp, về một vụ tảo thanh bắt được ba tú bà cùng 12 gái điếm, về chuyện một hành khách bỏ quên va-li trên tắc-xi, về một tai nạn xe đò đụng xe nhà binh, tài xế xe đò gãy hai cái xương sườn, về vụ một thiếu nữ 19 tuổi bị lừa tình uống dầu nóng tự tử để lại thư tuyệt mệnh vô cùng cảm động...

Con ma chuông rụng rời! Té ra không có sự gì bí mật ở giữa cái đô thành đông đảo này cả. Nó ngẩng lên nhìn xe cộ và khách bộ hành qua lại rầm rập trước mặt: bấy nhiêu người đều biết chuyện bộ xương khô đứng trong xó nhà ông Hải Thọ rồi. Cả thành phố biết mà sinh hoạt thành phố không bị mảy may ảnh hưởng. Sự rộn rịp không gián đoạn nổi kia làm con ma chuông đâm khiếp sợ, theo lối sự tắt lặng mọi sinh hoạt ở thôn quê ban đêm khiến người còn thức cảm thấy tinh thần bị uy hiếp. Hơn nữa, trí óc người thành phố luôn đầy ắp đủ thứ thông tin, luôn bận bịu tính toán, tư lường, họ làm sao có thể tập trung... sợ ma!

Con ma chuông ngẩn ngơ, bồi hồi, thấy sức mình thực không đáng kể. Chắc chắn nó không thể quậy cho ra trò được nơi đây. Nó lại nghĩ giả sử có thỉnh được Diêm Vương lên đào bếp đặt một vạc dầu sôi khổng lồ ngay giữa lòng cái đại lộ đầy xe kia, thì bất quá cũng chỉ có tác dụng chận đứng sự lưu thông trong một lúc. Hàng ngàn chiếc xe sẽ dồn ứ lại, nổ máy rầm rầm cách nóng nảy, hàng vạn con người sẽ sốt ruột phàn nàn inh ỏi. Dòng sinh hoạt như một dòng suối bị chận thình lình, nước nhào lên dữ dội, tung toé, chảy tràn lan. Rồi một đơn vị công binh được huy động đến chuyển vạc dầu đi. Một tốp lao công của ty công chánh đô thành được phái đến đem đá và hắc ín vá lại chỗ mặt đường bị phá hỏng. Đôi tiếng đồng hồ sau, tấm bảng cấm xe biến mất, xe cộ lại chạy qua lại rầm rập y như cũ...

Trước cảnh sống đông đúc dồn dập ngoài sức tưởng tượng của nó, con ma chuông lo ngại quá. Khung cảnh thích hợp cho loài ma đang hết sức nhanh chóng bị thu hẹp lại. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa sẽ không còn lấy một tấc đất trên dương thế cho ma! Càng trông, càng nghĩ, nó càng chán nản, đến mức tuyệt vọng.

Một tiếng còi xe thật gần làm nó giật mình, trở về thực tại, nhớ việc phải làm, tức tìm ra cách nào đó khiến ông Hải Thọ chết khiếp. Nó bị lạc đường mấy lần, khi trở về đến Hải Thọ dược phòng thì đã trễ mất 15 phút. Ông Hải Thọ đã dẫn vợ con đi xem phim Tề Thiên Đại Thánh Đại Náo Thiên Cung.

Con ma chuông bực mình hết sức. Sau khi xem một cái phim như thế, họ còn coi những “phép” khiêm tốn của nó ra gì nữa, làm sao nó có thể hù nhát họ đêm nay được. Nó lẩm bẩm: “Chỉ trễ có 15 phút mà thực là tai hại!”

Con ma chuông không hề biếng nhác. Nhưng nó chưa từng phải tính toán công việc đến từng phút. Chưa bao giờ nó trêu phải một nạn nhân mà lịch sinh hoạt lại lăng nhăng bề bộn đến thế này. Ông Hải Thọ có đồng hồ nơi cổ tay và thời dụng biểu trong túi áo. Để khỏi nhỡ việc mãi, e nó cũng cần trang bị như ông. Một con ma đeo đồng hồ và bọc sổ tay!

*

Tháng ngày thấm thoắt, con ma đi đi về về mà chưa có dịp làm nên công trạng gì. Nó vẫn chụp trượt ông Hải Thọ mãi. Ông ta vụt đi vụt về, lăng quăng líu quíu. Và những khi về tới nhà thì ông ta hoặc mệt nhoài nằm lăn ra ngủ, hoặc vặn đài inh ỏi, hoặc ngồi cắm cúi tính toán chuyện làm ăn. Khó bề trêu ghẹo một người như thế.

Dĩ nhiên không phải ông Hải Thọ không thỉnh thoảng cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn một đêm ngủ ngon giấc bỗng ông ta nghe như có cái gì đang giật giật mái tóc. Vẫn nhắm mắt, ông ta đưa một tay lên đầu. Tay đụng nhằm nhiều ngón chân nhỏ như chân chuột, cựa quậy lung tung rồi vụt biến đâu mất. Lát sau, khi thiu thiu sắp ngủ lại, ông mơ màng cảm giác trên năm đầu ngón tay mình có con vật gì trườn qua. Ông giật mình rụt tay lại. Trong khi đó tai ông nghe vẳng một điệu nhạc lạ tai, âm thanh hỗn loạn dị kỳ. Một lúc nữa, khi ông Hải Thọ đã gần chìm hẳn vào giấc ngủ say thường lệ, thì tay ông chạm phải những ngón chân thật to và nhô nhám như chân cá sấu. Đồng thời tiếng nhạc kỳ lạ lúc nãy bỗng nổi lên ầm ĩ sát bên tai. Ông ta thất kinh chồm dậy thì chỉ thấy có ba con chuột đang hoảng hốt chạy trốn. Tiếng nhạc cũng dứt mất. Ông Hải Thọ hoang mang nghĩ ngợi, không biết vừa xong là ảo giác hay mình đã bị ma ghẹo.

Ông ta có biết đâu rằng trong lúc đó con ma chuông cũng đang lấy làm khổ sở. Nó tự hỏi không biết vì sao nó chỉ có thể hiện ra hình những con vật tí hon, không biết vì sao mà trí tưởng tượng của nó càng ngày càng nghèo nàn đi một cách thảm hại. Dọa như thế thì có nghĩa lý quái gì? Những trò như thế thực không xứng đáng với nó chút nào.

Con ma cứ khổ sở mãi như thế cho đến một hôm thằng bé Tích làm gãy rơi mất quả lắc trong lòng cái chuông ma. Nó cho là chuông hỏng đem vứt đi. Một người đi nhặt đồ kim khí vụn lượm được đem bán cho một xưởng chế tạo đồ phụ tùng xe đạp.

Lần này con ma lâm cảnh ngộ thực phũ phàng. Cái chuông bị quăng vào lò, nấu chảy, đúc thành những chiếc đinh ốc con con. Đinh ấy được mạ kền, khiến con ma bị mù mắt không biết mình đang ở đâu. Mãi về sau khi lớp kền mạ mòn tróc, con ma hé được mắt, mới biết nó đang bị xiết vào một cái yên xe đạp, thường xuyên bị cả khối thịt người đè lên!

Con ma chuông coi như đã chết. Nó không muốn ai chép cuộc đời nó vào một tập “chí dị” nào cả. Nhưng ngay điều ước cuối cùng ấy cũng không được tôn trọng, vì rồi vẫn có người chép!