“Hàn Mặc Tử qua Chế Lan Viên”



Lúc sống đã không làm gì được cho nhau, khi chết, chi đi nữa cũng là vô ích. Huống gì việc theo thế tình mà viết một bài. Nhưng tôi không thể im lặng được. Tôi vụt nghĩ khi được cái tin thảm khốc này, tới những bạn bè xưa nay vẫn lưu tâm đến nhà thơ khốn khổ. Tôi đã gặp họ, hay đã nhận thư của họ. Tôi đã nghe họ nói về Tử như nói một câu tâm sự, như nói đến một kẻ thân tình: “Anh Tử bây giờ làm sao? Anh Tử còn được ở ngoài? Anh Tử vẫn còn viết?” Ðó, cái tin sau cùng này, họ muốn biết thì biết luôn đi! Ðau xót giùm lên ít! Nghĩ đến thêm cho một ít! Hãy khóc lấy một đôi phút, một đôi giây! Khi Tử sống, cuộc đời lãnh đạm quá rồi, khi Tử chết, nỡ nào Trời không cho bạn chúng ta được hưởng cái ân huệ cuối cùng là thấy (việc) mình rời bỏ trần gian, mà cũng bận tâm đến một đôi người khác (...)

Tôi không thể nghĩ ra rằng, lại có những cuộc đời chỉ hoàn toàn thảm khốc như đời của Tử! Thất vọng về sự sống, thất vọng về gia đình, thất vọng về tình ái, thất vọng đến (?) chỗ đáng lẽ mình phải tìm thấy an ủi: văn chương (...)

Tử không có tăm tiếng, Tử không được nâng chiều, nhưng đó chỉ là bây giờ mà thôi (...)

Nay nhà thơ đã chết rồi! Có lẽ chết trong cô độc, như trong sự cô độc người đã sống. Vì Tử đã bị bắt đưa vào Quy Hòa từ những độ nào. Mà Quy Hòa (...) cái sắc đỏ thảm đạm ngoài xa kia, ngoài biển xa kia, trong màu trắng mờ sương, một truông cát nằm theo chân núi. Tử đã thở hơi thở cuối cùng ở đó. Xa gia đình, xa người mẹ già nua đã bao năm đau khổ vì con đau khổ, xa sự ôm ấp cuối cùng của một người chị đau thương, xa sự an ủi của những người em cũng như xa sự an ủi của chúng tôi, những người em khác. Tôi tưởng tượng ra cái phút cuối cùng của Tử. Có phải Tử nghĩ đến tất cả những người trên này đó không, nghĩ đến những cái có thật mà mình không về với nữa, cũng như bắt buộc phải nghĩ đến nơi không biết có thật bao giờ, mà mình sắp phải trở về (...)


(Trích Chế Lan Viên, “Kỷ niệm về Hàn Mặc Tử”, báo
Người Mới, số 5, ngày 23-11-1940, in lại trong báo Văn Nghệ, số ra ngày 19-6-2004)