Võ Phiến có đôi lần kể chuyện ma. Có lần ông kể để tạo một khung cảnh thích hợp cho chuyện xảy ra (xem truyện Anh Em). Lần này ông “chí dị” nhằm mục đích khác. Trong khi chờ xem mục đích, ta hãy thưởng thức cái tả và cái tưởng (tượng) rất tinh:

“Thoáng một cái, giữa hai ngón tay ông Hải Thọ chỉ còn một chút gợn chờn vờn, trông như một giọt mật ong nhỏ vào bát nước đang loang ra, như một hạt nước lạnh rớt vào chén nước nóng tạo nên vài nét gợn gần vô hình (...)”,

“Trong khoảng trăng sáng bao la chỉ còn một chút gì lờ mờ giãy giụa chới với, một chút gì rất mơ hồ, như là một tia ánh trăng tự nhiên múa rối lên giữa những tia ánh trăng khác” v.v.

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Đến khi ma chết” (1)




Suốt ngày hôm đó trời nóng quá sức. Mọi người lúng túng loay hoay trong nhà, chạm vào đâu, xoay về phía nào cũng bị nhắc đến cái nóng. Dựa lưng vào vách thấy vách nóng ran. Ðưa tay xô một cánh cửa: ván cửa khô dòn như chực nứt toang ra. Tắm xong, quơ cái áo mặc vào người: áo như mới vừa ủi xong tức thì. Ðặt đít ngồi xuống ngựa (tức phản): ngựa gỗ như mới phơi ngoài nắng mang vào. Không thể nằm đâu ngồi đâu cho yên. Buổi trưa cũng không thể ngủ được một lát để quên nóng.

Ðã lâu lắm ông Hải Thọ mới về nhà quê. Những cảm tưởng ngày nhỏ về cảnh quê ông đã quên hết. Còn cảm tưởng hiện tại là sợ hãi ngao ngán: đứng trước hiên nhìn ra ngoài cánh đồng mênh mông khói nắng hừng hực bốc lên chấp chới trên những đám ruộng trơ gốc rạ, ông vừa lo lắng vừa chán nản trước cảnh trống rỗng xơ xác khắc nghiệt đó. Gió từ trước đồng thổi vào như thổi hơi lửa vào mặt cho thêm khó thở. Ông Hải Thọ nghe trong hơi gió mùi của đất khô ran, của cỏ cháy sém.

Bảy giờ tối, cơm nước xong, mọi người mệt nhoài; tám giờ ai nấy nằm phơi ra ngủ. Không có ai trong ba gian nhà. Mấy đứa trẻ con nhà cụ tú Hà ngả nong ra giữa sân, trải chiếu lên nằm. Ông Hải Thọ nằm một mình trên chiếc ngựa trước hiên. Bà vợ ôm đứa con đưa đi đưa lại trên chiếc võng phía dưới chân ông. Trong khi ngủ lơ mơ thỉnh thoảng bà tống chân đạp vào cây cột để đưa võng.

Ông Hải Thọ có thói quen khi ngủ phải đắp một cái gì lên mình. Dù nóng bức, dù không có muỗi ông cũng phải đắp một tấm "ra" mỏng và ấp một chiếc gối trước ngực. Thói quen đó đêm nay thành ra rất tai hại. Dù rất mỏng tấm "ra" cũng làm cho ông thấy nóng thêm, bứt rứt thêm. Giấc ngủ cứ chập chờn. Chợp mắt ngủ được nửa giờ hay một giờ ông lại giật mình thức dậy. Ngực ông hồi hộp, tim đập mạnh, tâm thần như bị xúc động đến hoảng hốt, mà không có một nguyên cớ gì cả. Dưới lưng ông mồ hôi chảy ướt lầy nhầy trên mặt phản không trải chiếu. Mồ hôi rướm ướt trái chân, bắp vế, ướt nhễ nhại rất nhó chịu. Và khó chịu nhất là thứ mồ hôi chảy vòng quanh cổ, lành lạnh.

Giật mình thức giấc lần nào trong tình trạng ấy ông Hải Thọ cũng thấy hồi hộp mệt nhọc như là vừa tỉnh một giấc mơ dữ dội. Lần đầu ông thức dậy thì trăng vừa lên khỏi chân trời. Mặt trăng tròn đẹp. Ông Hải Thọ mở mắt nhìn một chút thấy cay hai mắt lạ thường, ông lại nhắm mắt. Lần sau tỉnh giấc, có lẽ trăng càng sáng đẹp, chiếu đầy sân, nhưng ông không mở được mắt. Khắp người ông ê mỏi, chân tay rã rời, mỗi lần trở mình qua bên nầy hay bên kia ông nghe chạy suốt châu thân một khoái cảm tê mê. Những khi thực mỏi, người ta thấm thía giá trị của từng cử động nhỏ.

Có lần ông trở mình, lăn nằm đúng vào chỗ dưới đầu võng của bà đang đưa qua đưa lại, và bị sợi đuôi trân quẹt ngang qua mình. Như thế cũng gây một cảm giác khó chịu, nhưng có khi ông không kịp nhích mình tránh đi, cứ lười biếng nằm yên, nghe vài tiếng ho, tiếng trẻ con cựa mình lẹt sẹt trên nong ngoài sân, rồi ông ngủ thiếp.

Quá khuya, trong giấc ngủ bỗng ông Hải Thọ nghe có tiếng chuông leng keng sát bên tai. Ông hoảng hốt giật mình choàng dậy, nhìn quanh ngơ ngác. Bốn bề im phăng phắc. Trăng sáng vằng vặc. Bóng những cây dừa trước sân đã thu ngắn lại quanh gốc. Các tàu lá cao nhất lắc lư rất nhẹ nhàng. Hàng tre ở chân trời trông hơi lờ mờ.

Ông Hải Thọ nhìn lại xung quanh: mọi người vẫn ngủ và ngáy đều đều. Hình như không có ai nghe thấy một tiếng động nào. Quái!

Khi ông Hải Thọ bắt đầu lim dim thì tai chợt mơ hồ nghe vẳng lại tiếng chuông leng keng, khoan thai và trong trẻo. Ông tỉnh dậy lần nữa. Lần này ông quả quyết có ít nhất là ba tiếng chuông đã dội vào hai tai còn hoàn toàn tỉnh táo của mình. Nhưng chỉ ba tiếng thôi, khi ông mở mắt ra thì chuông lại im bặt. Chung quanh im lặng một cách khó hiểu.

Ông Hải Thọ nghi hoặc, lo ngại như một mình bị lạc vào một thế giới lạ. Ðã lâu quá, ông trở nên xa lạ với cái sinh hoạt của thôn quê, đến nỗi ông không biết những tiếng động vừa nghe thấy, làm cho mình ngạc nhiên, chúng là thường hay bất thường ở đây. Ông không biết liệu có thể xung quanh nhà cụ tú Hà có người thức đêm làm công việc gì đó có dùng đến chuông chăng...

Một lát rồi ông Hải Thọ lại ngủ. Ðộ nửa giờ đồng hồ, ông cảm thấy có cái gì chạm lên hông mình và cựa quậy. Trong lúc lơ mơ, ông cho đó là cái đuôi trân của chiếc võng bà Hải Thọ quẹt ngang trên mình. Ông nhích tránh ra một bên. Nhưng quái lạ, vật ấy vẫn tiếp tục cựa quậy trên người ông. Không mở mắt ra, ông Hải Thọ đưa tay phủi một cái, đụng nhằm một vật gì mềm mềm...

Bất giác ông chụp nắm lấy, giơ cao lên trước mặt, và mở mắt ra. Thực là kỳ dị: ông đang nắm trong tay một thằng bé lớn cỡ trái dưa gang, đỏ hỏn, trần truồng. Thằng bé cố hết sức giãy giụa trong bàn tay ông Hải Thọ, miệng nó há ra như la hét dữ dội nhưng không hề phát ra một tiếng kêu nào. Nó cứ giãy giụa chới với giữa lừng như thế trước con mắt kinh hoàng của ông Hải Thọ, lúc đó không kịp nghĩ đến chuyện vứt nó đi.

Ông Hải Thọ nhìn trừng trừng thằng bé và kinh hãi nhận thấy nó đang nhỏ lại rất nhanh. Càng giãy giụa thằng bé càng nhỏ đi, như một cục nước đá tan trong nước nóng. Ông Hải Thọ chưa kịp chớp mắt nó đã thu lại bằng trái bắp, rồi bằng trái chuối cau, tứ chi vẫn giãy giụa chới với. Khi thân hình nó còn bằng một đoạn bút chì ngắn thì cái miệng đỏ hỏn và cặp mắt đen láy của nó tuy hình như vẫn còn mấp máy, nhấp nháy, nhưng trông lờ mờ khó thấy. Ông Hải Thọ càng hoảng hốt khi cảm thấy như thằng bé không phải giãy giụa để thoát khỏi bàn tay ông, mà chính là để chống lại sức gì đó sắp làm nó biến mất trong khoảnh khắc. Ông tưởng chừng thằng bé đang mấp máy miệng cố sức gửi lại một lời gì trước khi tan vào hư vô. Ông chồm đầu dậy. Thằng bé còn bằng sợi bún. Ông đưa tay lại gần mắt một chút nữa: nó chỉ còn bằng cái tăm, bằng con lăng quăng mới nở...

Thoáng một cái, giữa hai ngón tay ông Hải Thọ chỉ còn một chút gợn chờn vờn, trông như một giọt mật ong nhỏ vào bát nước đang loang ra, như một hạt nước lạnh rớt vào chén nước nóng tạo nên vài nét gợn gần vô hình. Rồi thì hoàn toàn mất hẳn.

Ông Hải Thọ giụi mắt ngơ ngác. Hoàn toàn trước mắt ông không có gì nữa. Trăng sáng vằng vặc. Trời cao thăm thẳm.

Ông Hải Thọ quay nhìn xuống võng, thấy người vợ nằm ngủ mê mệt, đầu ngoẻo xuống vai, mặt nghiêng về phía ngoài sân, phơi ra ánh trăng. Tất cả xung quanh đều im lặng.

Ông Hải Thọ ngã đầu xuống gối. Mồ hôi tuôn ra khắp người, ông quơ một chéo "ra", kéo chùi mồ hôi lạnh nhờn quanh cổ. Ông gạt tấm "ra" sang một bên, lau mồ hôi trên chân, trên tay, dưới lưng... Hơi mát thấm vào da thịt khiến ông thấy khỏe khoắn, và bớt hồi hộp. Ông nằm kiểm điểm những điều lạ lùng vừa trông thấy, suy nghĩ. Ánh trăng sáng quá làm cho ông bắt đầu ngờ vực... Có lẽ nào lại thế? Chắc là một ảo giác. Ông cố gợi lại cảm giác của năm đầu ngón tay và cái thấy của mắt. Nhưng những báo cáo của tay và mắt ấy vừa được gọi đến liền trở nên hết sức mơ hồ, rồi cũng tan biến đi rất nhanh. Ông Hải Thọ ngẩn ngơ, không còn biết vịn vào đâu nữa. Ông nằm một lúc lâu, cho đến khi vừa thiu thiu sắp ngủ trở lại thì bỗng nghe một tiếng "choảng" chát chúa như tiếng một cái thanh la hay thau lớn vừa rơi xuống đất. Ông giật mình thảng thốt, trống ngực đánh thình thịch, mồ hôi vã ra như tắm.

Lạ lùng nhất là một tiếng động lớn như thế mà không làm ai thức giấc cả. Vẫn chỉ có mình ông Hải Thọ ngóc đầu dậy hoảng hồn ngơ ngác. Mọi người đều vẫn ngủ, vẫn ngáy. Có thể nào ngủ say đến thế được? Có thể nào ông nghe lầm? Không thể hiểu ra nghĩa lý gì hết: tất cả các giác quan của ông mới đây mà đã thành bệnh hoạn, đã xúm lừa ông sao? Ông đâm ra bối rối sợ hãi.

Vợ chồng và hai đứa con ông Hải Thọ nghỉ tại nhà cụ tú Hà đã hai ngày một đêm. Tuy là nói ghé thăm cụ tú - vì trước kia thân phụ ông có giúp việc ở nhà cụ - nhưng kỳ thực là lỡ đường kiếm chỗ tá túc vậy thôi. Vợ chồng ông Hải Thọ đi trên chiếc xe Peugeot kiểu "gia đình", hai bên hông xe sơn đầy những quảng cáo về các loại thuốc bổ tim và bổ phổi của nhà thuốc Tái Sinh Ðường. Trên mui xe mắc cái loa nhỏ rất xinh, miệng loa hình chữ nhật chõ về phía trước, cũng dùng để quảng cáo thuốc. Ngày đi đêm nghỉ ngay trên xe, vợ chồng ông Hải Thọ thường chỉ dừng lại nơi các lều chợ họp đông đảo. Nhưng vừa rồi xe đâm vào một đầu cầu, gãy ba-rờ-sốc, bể đèn, bể két nước và hư vài bộ phận điện. Ông Hải Thọ đã cho gọi thợ đến sửa.

Trong khi chờ đợi, vợ chồng ông ghé thăm cụ tú. Hai ngày một đêm rồi ông không nghe ai nhắc có ma quỉ gì ở đây. Vả lại hồi còn nhỏ sống ở làng An Quý, ông Hải Thọ cũng không từng nghe nói nhà cụ tú có ma. Phải chăng do nay gia thế suy sụp nặng nề mà ma xuất hiện? Người nhà cụ giấu giếm là lẽ tự nhiên...

Nếu quả nhà cụ tú Hà có ma, tại sao nó chọn trêu riêng ông Hải Thọ? Nếu là chọn lựa của phụ nữ, thường ông vẫn thường giải thích được khá dễ dàng, nhưng hiểu lòng ma thì xem ra không dễ chút nào. Gớm thực, tại sao nó lại chọn riêng ông mà trêu?

Ông Hải Thọ nhìn kỹ xung quanh: trong tầm mắt không thấy có một cái thau, cái mâm hay cái thanh la nào, thậm chí không thấy vật gì tương tự bằng kim khí. Ông nhìn thật kỹ phía trong nhà: cửa không đónh, một thứ ánh sáng mờ mờ chiếu vào mấy gian nhà cổ. Luồng mắt ông Hải Thọ chạm phải những hộp "thần chủ" phủ vải đỏ sắp hàng đứng lù lù trên bàn thờ... Ông hơi rùng mình. Ông ngoảnh mặt ra sân. Có tiếng lẹt sẹt, một hình người vùng dậy giữa sân. Ông giật mình, nhưng trông lại đó là cậu Sơn, cậu con trai út của cụ tú, đứng dậy đi tiểu. Hắn đi xong, thất thểu trở vào sân, vội vàng ngã lưng xuống nong, dáng điệu lừ nhừ mê mệt, không thèm nhìn đến xung quanh. Một lát sau đã nghe tiếng hắn ngáy lớn.

Ông Hải Thọ lần này thức và nghĩ tới nghĩ lui ngót một giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng người vợ tỉnh giấc, trở mình, bỏ chân đánh bạch xuống đất hay đạp vào cây cột để đưa võng, phác vài cử chỉ như quơ tay lên phía đầu võng, cài ngón tay vào dây võng, nhưng không hề mở mắt ra nên không biết chồng đang băn khoăn đến chừng nào. Lúc khác, vài người khác chợt quạt phạch phạch mấy cái hay nói ú ớ mấy tiếng rồi lại tiếp tục ngủ.

Những hoạt động buồn tẻ đó làm cho ông Hải Thọ lần lần quên nghĩ đến nguyên do sự lo sợ của mình. Không biết từ lúc nào, ông đã theo thói quen kéo tấm ra phủ choàng lên người. Rồi ông thiu thiu, lim dim, sắp sửa ngủ. Bên tai ông vẫn còn tiếng võng đưa cọt kẹt chậm chạp, biếng nhác, thứ tiếng võng sắp ngừng.

Tự nhiên từ chỗ lê mê trong giấc ngủ, ông Hải Thọ như dần dần hồi tỉnh. Ông hồi hộp linh cảm có một cái gì bất thường đang chờ đợi mình. Thình lình ông mở bừng mắt ra. Trời đất ơi! Một bà lão già nhăn già quéo, tưởng đến hơn trăm tuổi, đang ngồi nhìn chòng chọc vào mặt ông! Ông Hải Thọ chưa từng chịu một cái nhìn nào ghê gớm đến thế. Bà lão ngồi trên mép ngựa chỉ cách ông một thước tây, già và gầy quá sức, mặt đầy những nét nhăn trông như những nét vẽ bằng bút lông nhúng mực tàu. Hai con mắt bà lão mở thao láo sau cặp kính trắng, chiếu ra tia nhìn hết sức dữ dội. Một cái nhìn như chực thu hết hồn người, một cái nhìn không thể nào là của loài người: một cái nhìn hoàn toàn ma quái!

Bất ngờ đối diện với một hiện tượng kinh khủng như thế, ông Hải Thọ hoảng hồn giãy mạnh một cái, chụp cả hai tay xuống mặt ngựa, vùng mình dậy, hét lên một tiếng lớn.

Vụt cái, bà lão nhào ngửa người như bị tiếng hét của ông Hải Thọ thổi bật, xuống đất nhẹ nhàng không có tiếng động, chạy như bay về phía đầu sân, ra khỏi cổng, thẳng phía đồng ruộng, bằng những bước chân không hề mảy may chạm đất! Như một con thỏ loáng thoáng nhảy trốn dưới ánh trăng, bà lão chạy càng xa càng nhanh. Sau khi qua cổng, nhanh ghê gớm: tốc độ ấy không còn có thể là của người nữa, càng không thể của một bà lão. Phải là tốc độ của quỷ của quái.

Bà lão cứ thế lao mình thoăn thoắt giữa đồng. Bóng bà mỗi lúc mỗi nhỏ. Bằng con thỏ trắng, rồi bằng con chuột bạch. Ông Hải Thọ ráng mở mắt thật lớn, chồm tới nhìn như bị cái hình người tí hon ấy hút theo. Nhưng vô ích, mắt ông không thể nào theo dõi nổi nữa. Trong khoảng trăng sáng bao la chỉ còn một chút gì lờ mờ giãy giụa chới với, một chút gì rất mơ hồ, như là một tia ánh trăng tự nhiên múa rối lên giữa những tia ánh trăng khác.

Nhưng khi ông Hải Thọ định thần nhìn kỹ lại lần nữa thì đã không còn gì. Ở chân trời, sáng trăng với sương xuống mờ mờ trắng xóa.

Lúc bấy giờ ông Hải Thọ mới kịp để ý thái độ của xung quanh. Mọi người đều đã thức dậy và chăm chú nhìn vào mặt ông Hải Thọ. Ðó là một khuôn mặt to, hơi thô, mí mắt dày, da không được sáng, tuy vậy trong ánh mắt cũng có vẻ lanh lợi và nhất là vẻ quả quyết. Nhưng bấy nhiêu chi tiết chưa làm thành đặc điểm diện mạo ông Hải Thọ. Ðặc điểm ấy trông cậy cả vào bốn chùm lông: hai hàng lông mày và hai vệt râu mép. Chân mày ông Hải Thọ thấp sát mí mắt, gồ lên, lông vừa rậm vừa cứng vừa dài. Có những sợi lông về phía đuôi chân mày dài ra và cong xuống gần chấm khóe mắt. Còn hai chòm râu mép thì cũng đen, cũng rậm, cũng cứng, tựa như hai con sâu rọm rất béo tốt phương phi nằm ngang dưới hai lỗ mũi. Ông Hải Thọ hãy còn trẻ, ở tuổi ấy người nhà quê không ai để râu. Bởi vậy người nhà cụ tú Hà và người làng An Quý len lén để ý kỹ đến hai vệt râu bất thường, nhưng mọi người cố giấu vẻ ngạc nhiên. Sở dĩ thế, ấy là do lòng kiêng nể đối với gốc tích của râu: ai nấy đinh ninh chúng xuất xứ ở tận Sài Gòn.

Lúc bình thường cặp chân mày và cặp râu làm cho gương mặt của ông Hải Thọ có vẻ thô bạo một cách hài hước. Nhưng khi ông hoảng lên, vươn cổ nhìn theo bà lão ma chạy như bay như biến ngoài đồng, cả nhà cụ tú Hà thức dậy chăm chú nhìn vào mặt ông đều sững sờ trước bốn chòm lông đen như đang múa nhảy. Cả râu cả chân mày cùng cựa quậy, nhấp nhổm, quằn quại, như có thể vùng bay khỏi chỗ của mình bất cứ lúc nào! Bốn con sâu rọm đang chực hóa long!

Khi ông Hải Thọ nhận ra mọi người chỉ tập trung quan sát mình, như thể không hề biết có việc hết sức kỳ dị vừa xảy ra, ông ta lên tiếng hỏi với giọng bất bình:

- Thế này là cái quái gì?

Bà Hải Thọ liền hỏi lại:

- Mình thấy gì vậy?

- Thế không thấy gì cả à?

- Có thấy cái gì đâu! Nghe hét hoảng cả hồn vía.

Thế thì lạ thực. Một con ma vừa ngồi ngay trên ngựa, rồi nhào xuống đất, rồi chạy ngang qua sân trước mắt mọi người, rõ ràng thế mà bảo không trông thấy là nghĩa lý gì?

Thật là việc không có nghĩa lý, vì không ai trông thấy cả. Ma chỉ trêu có một mình ông Hải Thọ. Và trêu liên tiếp bốn lần trong một đêm.

Ðó là buổi sơ kiến giữa hai bên.