“Đặng Trần Côn theo Hoàng Xuân Hãn”




Trong sách Chinh phụ ngâm bị khảo (...) tôi đã chép qua thân sử Đặng Trần Côn. Tài liệu về Trần Côn rất hiếm. Chỉ có một vài chi tiết về thơ phú của ông và chút ít về thân thế trong Tang thương ngẫu lục (...)

Phạm Đình Hổ chép: "Ông người làng Nhân Mục huyện Thanh Trì (...) là bạn thân cha ta. Tính ông hay rượu, lạc phách (nghĩa là liều lĩnh phóng túng) không chịu ràng buộc. Trong phạm vi trường ốc, nổi tiếng về văn chương. Bấy giờ chúa Uy vương (Trịnh Giang, cầm quyền từ năm 1729 đến 1740) bị bệnh, lánh ra ở cung Thưởng Liên. Trong kinh thành cấm lửa rất nghiêm. Ông đào hầm để đọc sách (...)".

Lại còn có một bức thư ông gửi cho Phan Kính (...) đậu Thám Hoa (...) năm 1743 mời tới thưởng xuân.

Ta biết rằng Trịnh Giang mắc bệnh điên (...) năm 1940 phải (...) để ngôi chúa lại cho em là Trịnh Doanh và ra ở cung Thưởng Liên. Suy từ các việc ấy, ta thấy rằng vào khoảng năm 1940, Đặng Trần Côn chưa thành đạt và còn trai trẻ.

Lại theo Tang thương ngẫu lục (...) thì Đoàn Thị Điểm đã từng chê ông là trẻ con, và ông chết yểu đúng như người ta đoán sau khi soạn Chinh phụ ngâm. Phạm Đình Hổ chép: "Có kẻ biết đoán nói rằng tinh thần ông đã trút vào trong bài ngâm ấy, cho nên không quá ba năm ông sẽ chết. Cuối cùng ông làm đến chức Ngự sử đài chiếu khám rồi mất đúng như lời đoán."

Ta biết rằng Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, Phan Kính sinh năm 1715. Tôi phỏng đoán rằng Đặng Trần Côn sinh vào khoảng năm 1710 và thọ chừng bốn mươi tuổi (...)

Tuy nổi tiếng hay thơ phú, nhưng ông chỉ đậu hương cống mà thôi (...)

Tác phẩm của Đặng Trần Côn có nhiều (...) Những thi phú ấy đều là văn dùng điển tích, chữ dũa gọt, ý và lời đối chọi rất cân, dùng rất chính xác (...) Hai tác phẩm dài (...) là Chinh phụ ngâmBích Câu kỳ ngộ ký.


(
Bích Câu Kỳ Ngộ, Hoàng Xuân Hãn hiệu đính và chú giải, nxb. Ðại Học, Huế, 1964. Nhan đề phần trích trích tạm đặt.)