Tác giả Chinh phụ ngâm Hán văn, mọi người đều cho là Đặng Trần Côn. Nhưng tác giả Chinh phụ ngâm diễn nôm thì có người bảo là Đoàn Thị Điểm, có người, như Hoàng Xuân Hãn, lại bảo là Phan Huy Ích.

Trường hợp
Bích Câu kỳ ngộ ngược lại. Bản diễn nôm thì ai nấy đều... bí, không biết là của ai. Trong khi nguyên tác Hán văn, có người cho là của Đoàn Thị Điểm, có người, như Hoàng Xuân Hãn, lại cho là của Đặng Trần Côn.

Nếu Hoàng Xuân Hãn đúng cả hai lần, thì Đoàn Thị Điểm... trắng tay. Còn nếu Hoàng Xuân Hãn sai cả hai lần, thì Đoàn Thị Điểm văn chương nôm, Hán đều xuất sắc!

Dĩ nhiên Hoàng Xuân Hãn không nhằm hạ bệ ai. Ông chỉ cố tìm sự thực.

(Thu Tứ)



Hoàng Xuân Hãn, “Ai viết B.C.K.N. Hán văn”




Hà Nội ngày nay, tại xóm Hàng Bột (...) còn có ngôi chùa (...) tục gọi là chùa Tú Uyên. Thật ra đó là đền kỷ niệm cuộc tình duyên giữa một thư sinh và một tiên nữ (...)

một văn sĩ tài hoa cách đây hơn hai trăm năm đã viết thành một bài ký bằng Hán văn lời rất văn hoa, ý nhiều phóng túng. Sau đó có người đã diễn thành một truyện nôm, lời diễm lệ và thanh tao (...)

Bài “Bích Câu kỳ ngộ ký” (...) cùng các truyện khác hợp thành sách Truyền kỳ tân phổ (...) Sách ấy (...) ba truyện đầu sách chắc là Đoàn Thị Điểm soạn (...) “Bích Câu kỳ ngộ ký” (là truyện) thứ tư (...) ai mới xem qua cũng nghĩ tác giả truyện này cũng là Đoàn Thị Điểm (...) (chẳng hạn như) Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (...)

Nhưng trong sách Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ người đồng thời với Phan Huy Chú, khi chép chuyện Đặng Trần Côn có biên rõ rằng: “Đặng Trần Côn (...) viết (...) “Bích Câu kỳ ngộ” lưu truyền ở đời” (...) ta nên tin bên nào? (...)

Tôi tin rằng Phạm Đình Hổ chép đúng: tác giả “Bích Câu kỳ ngộ ký” là Đặng Trần Côn. Tôi lý luận như sau:

Chồng nữ sĩ là Nguyễn Kiều trong văn tế vợ có kể các tác phẩm của bà, thế mà không nói đến truyện “Bích Câu kỳ ngộ”. Tuy ta có thể nghĩ rằng trong văn biền ngẫu, có thể bỏ qua một số tác phẩm vì khó tìm vế đối, nhưng cả cháu rể và Đoàn Doãn Luân (anh bà) trong Đoàn thị thực lục cũng không chép bài ấy vào trong các tác phẩm của bà. Vậy ta khó tin rằng bà đã soạn “Bích Câu kỳ ngộ ký”.

Một chứng khác mà tôi cho là quan trọng sẽ làm cho ta càng khó tin điều ấy. Trong bài trường thiên gồm sáu mươi vần tả cuộc tình duyên, kể từ khi gặp gỡ ở Ngọc Hồ cho đến lúc rạng ngày sau đêm hợp cẩn, tác giả đã tả chân với các lộng từ tuy khéo nhưng khá sỗ sàng những chi tiết cuộc gái trai cấu hợp. Ta hãy đọc đoạn thơ này (xem phần dịch Hán văn) như (...) “Đón ong hoa vốn hẹp hòi”, “Con ong ngậm chuỗi châu hoàn buông rơi” v.v. Đổ cho Hồ Xuân Hương viết những câu ấy còn tin được, chứ ta khó lòng gán lời táo bạo kia cho Đoàn Thị Điểm, một nữ sĩ khi chưa chồng thì là thầy giáo, khi có chồng thì là bà sứ, bà nghè. Với địa vị bà, chắc nếu có cao hứng đi nữa thì cũng không dám viết ra những lời ấy. Còn Đặng Trần Côn thì trường hợp khác hẳn. Là đàn ông, lại là tay phóng túng, “lạc phách”, ông không ngượng nghịu thẹn thùng gì trong khi viết đoạn thơ này.

Nói tóm lại, một mặt thì Phạm Đình Hổ chỉ rõ Đặng Trần Côn là tác giả bài “Bích Câu kỳ ngộ ký”. Một mặt thì các người liên quan mật thiết với Đoàn Thị Điểm không nói rằng bà đã soạn truyện ấy. Lại thêm bằng chứng tâm lý xã hội vừa dẫn. Vậy sự Phan Huy Chú tưởng rằng tất cả các truyện chép trong sách Truyền kỳ tân phổ (mà PHC gọi là sách Tục truyền kỳ) đều là của Đoàn Thị Điểm không đủ khiến ta phủ nhận lời chép quả quyết của Phạm Đình Hổ (...)


(
Bích Câu Kỳ Ngộ, Hoàng Xuân Hãn hiệu đính và chú giải, nxb. Ðại Học, Huế, 1964. Nhan đề phần trích trích tạm đặt.)