“Quang Dũng qua V.T. Trang và N.H. Thắng”




Vũ Từ Trang, "Nhà thơ Quang Dũng, như tôi biết"

Hồi ấy, gia đình ông ở căn phòng gác ba ngôi nhà cuối đường Bà Triệu. Lối lên gác là cầu thang nhỏ. Đã thế, nhà đông hộ, nhiều chai lọ, rổ rá xếp dọc lối lên, thành ra cầu thang càng nhỏ hẹp. Tôi không hình dung nổi, cứ nửa đêm, ông xuống nhà xách hai thùng nước ở góc sân tầng một, dáng ông to lớn thế, đi lên làm sao được?.

Không chỉ những người ở chung số nhà, mà cả mấy ông bà hàng xóm cũng phải khen ông chịu khó. Ngày ngày, tờ mờ sáng, đã thấy ông chạy bộ vào công viên tập thể dục. Đi tập thể dục, ông cầm theo cái bao tải cũ. Chả là, tập xong, ông quét lá khô lèn chặt bao tải to kềnh, vác về nhà làm đồ đun. Ngày đó, Hà Nội còn đun bếp dầu, than tổ ong, chứ chưa có bếp điện, bếp ga như thời nay. Nhà ông đông con, lại nghèo, lấy đâu tiền để mua đủ dầu đun. Ông quây góc nhỏ sân thượng thành cái bếp. Đến bữa, ông bà lúi húi đun nấu ở đó. Lá quét về, có lá khô lẫn lá tươi, bếp khói mù mịt, nước mắt giàn giụa. Nhưng vẫn thấy ông hồn nhiên cười. Theo ông, có lá đủ đun cơm, đã là hạnh phúc lắm rồi.

Xong việc vặt giúp gia đình, ông tiếp tôi trên tấm phản gỗ đặt trệt trên sàn nhà. Tấm phản dùng lâu, lên nước đen bóng. Ông nói là của thừa tự. Trên tấm phản ấy, đã mấy kiếp người đi qua. Từ đời ông nội, đến cụ thân sinh ra ông, rồi ông và các con ông dùng. Ông quý tấm phản đó lắm. Nó là đồ vật xem ra có giá nhất nhà, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó giúp ông nằm nghỉ, ngồi uống nước, làm nơi tiếp khách. Ông thường gò lưng xuống tấm phản này lấy nó làm bàn viết. Bao câu thơ, đoạn văn, tranh vẽ... mà theo ông, thì đấy là "trò chơi vui" đã được diễn ra trên tấm phản này. Của đáng tội, hồi đó thì có vẻ quý. Chứ ngày nay, xét giá trị vật chất, nó chẳng đáng bao. Mặt ván ghép đôi ghép ba, có góc hình như đã bị mọt ăn hoặc chó mèo gặm. Tuy vậy, nhớ ông, tôi lại nhớ tấm phản gỗ ấy. Không biết bây giờ, gia đình ông còn giữ được không, hay đã thất tán đường nào rồi.

Ông mời tôi bát nước chè xanh ủ khéo. Cái bát uống nước là bát ăn cơm phân phối bao cấp. Men rất xấu, nhưng độ ấy là quý rồi. Ông có tài ủ chè xanh, thích uống nước chè xanh, nước vối và thích ăn khoai lang, khoai sọ, hạt mít luộc. Nếu uống nước chè xanh, có thêm thanh kẹo lạc, hoặc cái kẹo bột thì sướng vô cùng. Đời người khác, nhiều thứ cao lương mỹ vị, chứ với ông, thú vui ẩm thực giản dị và đạm bạc có vậy thôi (...)

Ông cũng không có cả cuốn sổ tay riêng để chép thơ. Đôi ba bài thơ được ông ghi lẫn vào sổ mua gạo, mua mắm, hoặc sổ ghi công việc cơ quan. Ông lại là người không có thói quen thuộc thơ của mình. Viết thơ, viết hết mình, rồi lại quên đi. Thỉnh thoảng, bạn bè thân có chép lại, hoặc nhẩm thuộc, là lưu lại được. Ông viết văn cũng vậy, cứ dập dập xoá xoá. Viết rất kỹ. Rồi gửi báo, hoặc nhà xuất bản, chứ không lưu giữ cho mình bản nào. Ông có thú vui vẽ tranh. Vẽ sông núi, con đường, vệt nắng, con trâu, con bò ngẩn ngơ bên sườn đê... Tôi nhớ là ông có bức tranh vẽ cây gạo rất đẹp. Cây gạo già nua đứng giữa cánh đồng quạnh hiu, tưng bừng nở hoa đỏ. Xem tranh, tôi liên tưởng tới sức sống lặng lẽ, mà quyết liệt của một thân phận con người. Không biết bức tranh ấy bây giờ ở đâu? Ai giữ bức tranh này? (...)

Ông chỉ vẽ bằng bột màu, màu nước, loại chất liệu rẻ tiền cho các hoạ sỹ nghèo. Ấy thế, tranh của ông vẫn có vẻ đẹp lung linh đến lạ (...)

Nguyễn Huy Thắng, "Kỷ niệm với nhà thơ Quang Dũng"

Tôi biết nhà thơ Quang Dũng đầu tiên là ở nơi sơ tán (...) tôi theo cơ quan mẹ sơ tán về (...) Đường Lâm thuộc Sơn Tây.

Mẹ tôi làm ở nhà xuất bản Văn Học, cùng cơ quan với bác Quang Dũng. Bà làm thủ quỹ kiêm đếm chữ, bác Quang Dũng làm biên tập. Ấy là tôi nghe thế, chứ biên tập là thế nào tôi cũng không biết, vì nhà tôi cũng như nhà các bác các chú khác trong cơ quan, mỗi gia đình sơ tán về một nhà dân, từ sinh hoạt đến công việc của mỗi cán bộ nhân viên trong cơ quan đều khép kín nơi nhà dân đó. Tóm lại, tôi chỉ biết bác Như Phong là giám đốc, chú Lư (Lữ Huy Nguyên), chú Toàn (Hoàng Thúy Toàn) là biên tập, cô Thảo làm thư viện (...)

(...) ở bài viết này, tôi muốn được nói về “nghề” tay trái của bác Quang Dũng, nếu như có thể gọi như thế: nghề vẽ. Bấy giờ ở phía sau chùa Mía thôn Mông Phụ có nhà cụ Toại, một cụ già rất yêu văn nghệ. Nhà cụ Toại có cái cửa sổ tròn mà theo hồi ức của nhà thơ Ngô Quân Miện thì nó giống như trong tích “Phụng Nghi Đình”. Ông cùng bác Quang Dũng vẫn hay đến chơi nhà cụ và xem đoàn chèo Hà Tây diễn tập ở đó. Tôi thì nhớ nhiều hơn đến cây dâm bụt mọc ở bức tường đầu nhà, lá xanh bông đỏ khi có nắng chiếu vào thì ánh lên làm tươi cả căn nhà khang trang được xây bằng đá tổ ong. Sân, hè luôn được quét tước sạch sẽ, tất cả toát lên một cảm giác gọn ghẽ, phong quang. Bác Quang Dũng hay bắc giá vẽ dưới bức tường ấy, đứng ngay trên sân vẽ.

Mỗi khi bác sang vẽ, bọn trẻ con chúng tôi kéo đến xem ngay. Quả là trông bác Quang Dũng vẽ thích thật. Bác người cao lớn, nhưng cử chỉ thật từ tốn, khoan thai. Bác chăm chú tập trung vào bức vẽ, không ngừng đưa bút quệt quệt phết phết, thỉnh thoảng lại đứng lui ra ngắm nghía, miệng lúc nào cũng như có nét cười, nhất nhất ai hỏi gì, nói gì đều tham gia được ngay. Bác ăn mặc giản dị, áo ka-ki, quần vải đều đã sờn cũ, nhưng không hiểu sao, lúc nào tôi cũng hình dung bác mặc áo lính, loại áo va-rơi có cầu vai (phải chăng do ấn tượng từ bài Tây Tiến?).

Tôi không nhớ cụ thể bác vẽ gì, đẹp xấu ra sao, nhưng chắc chắn đó là những bức tranh phong cảnh quanh vùng như tôi có thể cảm nhận được qua những cảnh sắc thân quen với gam nâu vàng như màu chủ đạo của vùng đất Đường Lâm khi ấy. Sau này, tôi được biết bác Quang Dũng còn biết múa kiếm, đôi lúc hứng lên bác với thanh kiếm múa tít, tiếng kêu vù vù như trong phim chưởng.

Năm 1978, tôi tốt nghiệp đại học ở Ru-ma-ni về nước. Mẹ tôi cũng vừa được cơ quan cho nghỉ hưu. Bà sinh năm 1921, cùng tuổi với bác Quang Dũng. Nhưng do là phụ nữ nên được nghỉ hưu trước. Mẹ tôi về hưu, tôi ít có dịp sang cơ quan chơi, nên suốt một thời gian dài không gặp lại bác Quang Dũng. Thế nên tôi đã rất ngạc nhiên khi mấy năm sau, một hôm thấy bác Quang Dũng đến chơi. Bác đến, không hề báo trước, vì thế càng khiến chúng tôi ngạc nhiên. Không biết bác có nhận thấy vẻ lúng túng của chúng tôi không, nhưng trông cung cách bác, rõ là bác rất vui khi đến thăm một đồng nghiệp cũ. Sau mấy năm không gặp, tôi thấy bác có phần già đi, dễ nhận ra lắm ở hàng ria mép đã ngả bạc. Nhưng cử chỉ của bác thì vẫn nhanh nhẹn, tự nhiên như xưa. Bác khéo léo cúi người, hơi co từng bên chân lên tháo giày ba-ta ra rồi bước vào nhà. Ngồi vào bàn, trong khi chủ nhà còn đang lo pha nước thì bác đã vào chuyện. Bác cho biết cũng đã về hưu được ít lâu, hôm nay mới đến thăm mẹ tôi được, chỗ hưu trí với nhau cả. Nhận ra tôi, bác hỏi dăm ba câu chuyện hồi ở Ru-ma-ni có đi chơi được đâu không, rồi lại quay sang hàn huyên chuyện cơ quan với mẹ tôi. Bác kể người này người nọ cũng đã về hưu, mấy người trong số đó bác đã có dịp đến chơi thăm hỏi. Rồi bác hỏi về cuộc sống của gia đình. Bấy giờ còn đang thời bao cấp, thứ gì cũng khan hiếm, nhất là lương thực, thực phẩm lại càng thiếu. Nhà tôi, mà các nhà khác cũng thế thôi, phải xoay xỏa đủ cách để lo liệu bữa ăn hàng ngày. Chẳng hạn chế biến bo bo sao cho dễ ăn, nhưng tốt nhất là đổi sang mì, sang gạo, dù có hao một chút nhưng còn dễ tiêu. Hay có một số người thì áp dụng phương pháp uống thật nhiều nước vào lúc sáng sớm, nghe nói tốt lắm... Bác Quang Dũng không có ý kiến gì về những mẹo mực ấy. Bác chỉ khuyên mẹ tôi nên nhai thật kỹ khi ăn. Nhai càng kỹ càng tốt, vừa đỡ hại dạ dày, vừa đỡ tốn cơm. Đã từ lâu bác áp dụng phương pháp này. Trước kia phải ăn ba bát, nay chỉ cần hai. Nhai kỹ, chị cứ thử mà xem, bác nói với mẹ tôi, sẽ thấy cơm rất ngọt; chả cần gạo mới gì gì, cứ cái gạo mậu dịch ấy nấu lên, nhai thật kỹ, khắc thấy ngon ngay. Nhà tôi đỡ hẳn cái khoản gạo nhờ cách ấy đấy...

Tôi nghe bác nói rất hào hứng, nhưng trong thâm tâm không mấy quan tâm. Đang tuổi thanh niên, ăn nhanh như thổi, tôi theo cách ấy sao được. Mẹ tôi, tôi nghĩ, cũng khó có thể tán đồng. Bà lúc nào cũng chỉ sợ con ăn ít sinh ốm đau, làm sao bà dám “phiêu lưu” áp dụng phương pháp ấy. Chi bằng trong nhà có cái gì dự trữ mang ra bán, chứ nhất định không thể thiếu ăn, phương châm ấy của bà tôi biết lắm. Dẫu sao, nhiệt tình của bác Quang Dũng khiến chúng tôi hết sức cảm động. Mẹ tôi hỏi lại bác dạo này thế nào. Bác cho biết vừa tìm ra một việc hay lắm. Nhà bác ở phố Bà Triệu, không xa công viên Thống Nhất là bao. Chiều chiều, bác và mấy con lại vào công viên, ngồi chơi hóng gió, cho bõ những lúc ở trong nhà chật chội, tù túng. Nhưng cái chính là sau đó quét lá đem về làm chất đốt. Công viên có nhiều cây, lá rụng nhiều, chiều nào mấy bố con cũng quét được hàng bao tải lá khô. Vừa vui vẻ, vừa được vận động chân tay, lại vừa được việc. Thỉnh thoảng cũng có anh bảo vệ nguyên tắc, gây khó dễ. Nhưng thường là họ bỏ qua cho. Vả lại, mình quét thế chỉ càng sạch công viên chứ sao. Từ hồi ấy đến giờ, nhà bác đỡ hẳn nạn thiếu chất đốt...

(...) tôi không khỏi cảm khái khi nghe những câu chuyện đượm mùi bếp núc của bác. Đến khi bác đứng dậy ra về, xỏ lại đôi giầy ba-ta, tôi hỏi bác còn đi đâu nữa không thì bác bảo: "Về thôi. Bây giờ vào công viên thì hơi muộn, tối quá cũng không trông thấy gì mà quét"...

Bác Quang Dũng đã định đi rồi, nghĩ thế nào lại quay lại dặn mẹ tôi: Thế nào chị cũng nhớ nhai kỹ đấy, vừa đỡ hại dạ dày, vừa đỡ tốn cơm. Từ hôm ăn thấy lợi, tôi cứ bảo phải đi phổ biến ngay cho mọi người, mà hôm nay mới đến được chị đấy. Thôi nhé, chào chị. Chào cháu. Thế là hồi ở Ru-ma-ni, cháu cũng đi được nhiều đấy nhỉ...