Đỗ Chu, “Lạ quá làng tôi...”




Bìm bịp kêu đâu đó, thế là mùa nước lên, những con chim cánh nâu, ức cổ mang màu đỏ như lửa bay là là ngang qua mặt đê cao, ngang qua mặt người. Chúng bay gần lắm, tưởng như với tay ra là tóm được, nhưng khổ thay chính lúc ấy ta lại đứng sững lại vì quá ngỡ ngàng và thế là chúng mất hút trong bãi dâu. Trời trong xanh. Mây trắng ngổn ngang tầng tầng lớp lớp. Dưới sông Cầu nước trôi băng băng, con sông già nua vẫn thường uể oải lờ đờ mà nay bỗng quay cuồng với những vùng xoáy trông vào đến khiếp. Vài ba con thuyền ngược dòng nặng nhọc, buồm kéo lên đón gió nam nhưng vẫn phải có thêm dăm người khom lưng cõng dây kéo, họ lầm lũi bước chậm chạp ven bờ.

Nhưng bên trong đê lại là một khung cảnh khác hẳn, thật êm ả. Cánh đồng rộng không một bóng người, vừa gặt chiêm xong, mặt ruộng khô ráo còn trơ những gốc rạ. Giữa đồng là một dãy chuôm nước trong veo, đấy là vết chân ngựa ông Gióng, móng ngựa sắt cắm sâu vào đất, để lại kỷ niệm muôn đời. Dãy chuôm chạy từ những vùng đất xa xôi về tới đây thì chấm hết. Thuở ấy ông Gióng qua làng chúng tôi rồi leo lên núi Sơn, bay về trời. Ông Gióng đánh tan giặc là đi luôn, cho nên trên núi giờ vẫn đang còn đền thờ ông. Bà nội tôi kể ông hiển thánh cũng bởi thế, nếu ông không về trời ngay mà còn ở lại lấy vài mươi năm thì thiên hạ thật khó nhọc, bởi vì ông ăn khỏe lắm, mỗi bữa ba nong cà bảy nong cơm (...)

Giọng bà tôi khê khê, nằng nặng, khắp vùng không có tiếng nào khó nghe như tiếng làng tôi, chợt nghe là nhận ra ngay, chẳng trộn vào đâu được. Người ta kêu “ối trời đất quỷ thần ơi”, thì làng tôi mọi người lại kêu “ới ểu ơi là ểu ơi, ế leo ơi”. Thiên hạ ngày tết gói bánh chưng vuông, bánh chưng làng tôi lại tròn và dài như cây cột. Làng người ta gặp năm đình đám mở hội thi hát múa kèn sáo, rước cờ rước kiệu, còn làng tôi thì khác hẳn, đám đàn ông cởi trần chân đất, mỗi người đóng một cái khố, hò nhau khiêng những quả pháo rõ to mang ra ngoài đồng đốt ầm ầm như súng thần công (...) Người ta gọi chỗ đi ngoài là hố xí, làng tôi gọi là chuồng trồ, còn phân thì gọi là khuẩn, khuẩn lợn, khuẩn chó, khuẩn người. Củ khoai lang thì gọi là con củ, mời bác vào nhà ăn con củ! Những người thông thạo lịch sử bảo gốc tích tổ tiên chúng tôi từ trong Thanh Nghệ mò ra đây lập ấp, mà cũng có thể là những tù binh Chiêm Thành bị vua Lê vua Lý (...) đày về đây khẩn hoang (...)


(Trích từ truyện ngắn Một Loài Chim Trên Sóng của Ðỗ Chu. Nhan đề phần trích tạm đặt.)