Quách Tấn, “Nhà Bình Định”




Nhà cửa ở thôn quê đều lợp tranh. Chỉ có đền, chùa, đình, miễu mới lợp ngói.

Có hai thứ nhà: nhà cặp và nhà mái.

Nhà cặp thì rui mè bằng tre, kèo cột hoặc bằng tre hoặc bằng gỗ. Vách thường thường đóng mầm trỉ rồi trét đất trộn rơm đạp nhuyễn. Phía sau trét kín, chỉ chừa một vài cửa sổ nhỏ. Phía trước thì đóng phên dại ở giữa và làm cửa ván ở phía chái. Nhà thường thường ba gian hai chái. Gian hẹp hay rộng tùy gia cảnh.

Nhà mái (tức nhà lá mái) to lớn hơn nhà cặp. Cột kèo, xiên trính đều bằng gỗ danh mộc. Vách thường trét đất ở trong, tô vôi ở ngoài, hoặc xây toàn đá ong hay gạch, rồi tô vôi láng. Thường cũng ba gian hai chái. Ðôi nhà đến năm gian hai chái. Những gian giữa, phía trước đóng bàn khoa, đôi khi đóng phên dại, hoặc cổng. Hè trước rất rộng. Có khi lại làm một lớp cổng hoặc phên dại ở ngoài cho thêm chắc chắn.

Còn “lá mái” là gì? Tức là trần nhà. Nhưng không phải đóng bằng ván hay làm bằng vôi, mà đắp đất. Cách trét lá mái rất đặc biệt. Ðòn tay ở phía trong nhà gác ngang. Trên đòn tay có một lớp ván lát dọc, hoặc một lớp vỏ cây, hoặc tre ngâm, đập dập, trải dày theo chiều dọc, xiên xiên theo đường kèo. Bên trên đắp một lớp đất sét nhào rơm, thật dày. Mái nhà lợp chồng lên trên nữa. Mái nhà và lá mái nằm cách nhau, do những trụ chống, dưới chân cách nhau chừng năm ba tấc, trên nóc cách nhau hàng thước.

Làm lá mái, mục đích để chận lửa cháy vào trong, nếu gặp phải rủi ro, lại để mùa nắng khí nóng không vào, mùa mưa khí lạnh không thấm. Thành thử nằm trong nhà lá mái, mùa nắng mát, mùa mưa ấm. Chỉ có điều bất tiện là trong nhà tối quá, đọc sách dễ hư mắt.

Trong nhà lá mái, những nhà đại phú, kèo trính, bàn khoa v.v. thường chạm trổ mỹ thuật. Và cột vừa to, vừa chùi láng bóng.

Nhà cất theo kiểu ấy trông nặng nề và cột choán hết nhiều chỗ quá. Thêm nữa ba gian nhà trên hoàn toàn dùng để thờ. Trước bàn thờ kê trường kỷ hoặc phản ngựa, thỉnh thoảng khách đến ngồi và nằm, chớ người trong nhà ít khi dùng dến. Trong nhà lại treo nào liễn nào câu đối, nào trướng, nào sáo... Cho nên dù nhà rộng đến đâu, vào cũng thấy lấn cấn không được thoải mái.

Nhà thường thường xoay mặt phía nam. Và nhà nào, nghèo cũng như giàu, đều có vườn cây ở chung quanh và sân ở phía trước, rồi rào hàng rào ở bốn bên. Nhiều nhà chỉ trồng cau và chuối, chuối vườn sau, cau vườn trước. Sân phần nhiều dện đất thịt. Ðể khỏi nổi bũn, hàng năm dùng phân bò tươi khuấy nước sết sết, đem tráng lên mặt. Còn hàng rào thì mặt trước thường trồng duối, hớt tỉa mỹ thuật, hoặc rào cây khô tre khô, bằng thẳng chắc chắn. Phía sau và hai bên thường trồng tre sống cao xanh.

Ngõ ra vào trổ trước nhà. Có nhà trổ thêm ngõ sau. Ngõ sau cũng như ngõ trước đều trổ xiên một bên, chớ không bao giờ trổ ngay ở giữa. Ngõ trước nếu vì phương hướng phải trổ ở giữa, thì đường vào nhà cũng phải chạy né một bên.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nhà cửa ở Bình Ðịnh bị tiêu hủy gần hết. Và gần đây lại bị bom đạn nữa. Cho nên những ngôi nhà xưa không còn sót được bao lăm. Những người sanh sau (...) muốn xem cho biết kiểu thức nhà lá mái của ông cha ngày trước, thật khó mà toại nguyện.


(Quách Tấn,
Nước non Bình Ðịnh, Sài Gòn, 1967. Nhan đề phần trích tạm đặt.)