Phải tưởng tượng là chuyện của mình, thì ta mới bắt đầu cảm được độ sâu của mối thù ấy.

Quên làm sao được. Nhưng thù đã trả rồi, Nương bất hạnh cũng đã tái sinh thành Bích hạnh phúc rồi. Nên hướng về tương lai.

Về nguyên nhân của việc xấu, một mặt quả thực xưa kia “con hát” có hay bị xem thường xử tệ. Mặt khác, nếu nước đang độc lập, thịnh trị, vua ra vua quan ra quan, thì cái nạn cường hào ác bá chắc chắn không trầm trọng gần như thế đâu.

Nông nỗi của Nương, chủ yếu là do đã làm đào chèo trong một cái thời vua chèo quan chèo!

(Thu Tứ)



Nguyễn Thế Phương, “Ðào chèo” (2)




Tháng Giêng năm ấy, phường chúng tôi đến hát ở làng Ngọc Bội. Gặp dịp làng đang vào đám, chúng tôi hát mấy đêm liền. Người làng Ngọc Bội đang say phường chúng tôi thì việc không may xảy ra. Ðêm ấy, vừa xong buổi hát thì lão chánh làng Ngọc Bội đến nhăn nhở bảo trùm phường:

- Ngày mai làng giã đám, phường ở lại tối mai cho con Nương vào nhà tôi hát gõ hầu các cụ một tối đã, nghe!

Tôi và Nương đang thay quần áo trong buồng trò, nghe nói vậy, tôi chạy ra:

- Thưa ông, chúng tôi không quen hát gõ.

Chánh Bội quay lại nhìn tôi từ đầu đến chân, bộ mặt khinh khỉnh của hắn có những múi thịt nổi u lên ở hai bên má và dưới cằm. Hắn khẽ nhếch một bên mép rồi quay lại hỏi bác trùm phường:

- Thằng này là chồng con Nương à?

- Bẩm cụ, vâng.

- Thì bác bảo nó cho vợ nó vào hát hầu các cụ một tối, mất cái thá gì? Mòn gì đâu mà nó sợ?

Rồi hắn cười hềnh hệch. Anh Thái, khi tôi viết những dòng này, tôi như còn nghe thấy tiếng cười của hắn đâm vào tim tôi. Tôi toan sừng sộ với hắn, thì bác trùm phường đã đưa mắt cho tôi bảo đừng. Hình như kinh nghiệm nửa đời làm trùm phường đã dạy cho bác nhiều. Bác quay lại vâng dạ với chánh Bội, xin khất để mai trả lời. Vào trong buồng chèo, bác bảo vợ chồng tôi:

- Bọn này là vua ở đây. Gây chuyện với chúng nó không xong đâu. Phải khéo léo mới được.

Tôi nhất quyết không để Nương vào hát gõ ở nhà chánh Bội. Còn Nương thì lo lắng, thở dài. Ðêm hôm ấy, chúng tôi nằm bên nhau, lo tìm cách đối phó. Nương thì thầm bảo tôi:

- Nhà ơi, hay là nhà cứ để em vào hát rồi kiếm cách mà tháo lui, kẻo họ kiếm chuyện thì lại khổ đến nhà thôi.

Cuộc đời của mẹ tôi bỗng dưng hiện ra trong đầu tôi. Tôi vừa ức vừa lo. Thì ra đời của những đào chèo đều bị đẩy đến những chỗ thế này cả sao? Tôi ôm lấy Nương, bảo:

- Không vào, không vào, bọn chúng nó chó đểu lắm đấy, nhà ạ!

Sáng hôm sau, phường chúng tôi đang xếp đồ đạc vào hai cái bồ lớn thì chánh Bội cho người ra gọi Nương vào. Người tuần còn nói thêm:

- Cụ chánh bảo nếu chưa có phép của cụ thì phường không đi khỏi làng Ngọc Bội này được đâu.

Bác trùm phường lo sợ nhìn tôi rồi nhìn Nương. Một lát, bác rụt rè bảo chúng tôi:

- Hay là... ta cứ để cô Hai vào, đông người thế chửa chắc nó đã dám làm gì mà sợ.

Chúng tôi vẫn không yên tâm chút nào. Nhất là tôi, hình ảnh mẹ tôi cứ hiện lên quấn quít trong đầu óc. Nương thì ôm Bích ngồi dụi trong góc nhà mà nhìn tôi. Tôi định đánh liều, đem vợ con trốn đi, nhưng e liên lụy đến anh em trong phường. Bàn đi tính lại, rốt cục chúng tôi phải tính đến chuyện cứ để Nương vào. Chúng tôi tự an ủi: nó cũng chỉ bảo vào hát gõ, chắc sẽ xảy ra chuyện gì mà sợ? Nhưng cái bộ mặt và giọng nói đểu giả của chánh Bội tối qua lúc tan chèo vẫn làm cho tôi phấp phỏng lo sợ...

Chiều hôm ấy, sẩm tối, chánh Bội lại cho tuần ra thúc. Nương cho Bích bú no, mặc vội chiếc áo the dài rồi trao con cho tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ mặt Nương lúc ấy. Da mặt Nương xanh hẳn đi và đôi lông mày hơi nhíu lại, sự khổ tâm hiện rõ.

Bác trùm phường dặn Nương, ý chừng để người tuần nghe thấy được:

- Cô Hai liệu nói khéo với các cụ về với con sơm sớm một tí.

Tôi không dặn gì Nương mà Nương cũng không nói gì với tôi. Tôi chỉ ôm Bích đứng lặng im nhìn Nương đi theo người tuần về phía nhà chánh Bội. Cái nhà nó cao cao như cái thành, ở giữa những lùm cây mít rất lớn.

Trong lúc tê tái lòng như vậy, tôi lại nhớ đến miệng cười mếu máo của bố tôi, và tôi như nghe thấy giọng nói lầm bầm của bố tôi:

- Cái máu đào chèo của mẹ mày nó nặng lắm, hát chèo khổ lắm con ạ, đừng làm cái nghề ấy!

Thì sự thực đang xảy ra trước mắt tôi kia, bóng Nương dần dần khuất sau những hàng dứa dại bên đường làng.

Anh Thái, anh đang có một người vợ trẻ, chắc chắn anh hiểu hết sự xót xa căm giận của tôi khi tôi bồng con đợi người vợ thương yêu của mình đang ở đằng sau những bức tường cao như cái thành kia. Chúng nó đang làm gì vợ tôi?

Tôi đợi đến gần nửa đêm vẫn không thấy Nương về. Tất cả chúng tôi đều lo lắng. Ruột nóng như lửa đốt, máu như bốc cả lên đầu tôi. Tôi không chịu được nữa, liền để cháu Bích ở nhà rồi thủ một chiếc gậy, cùng một người bạn đi lại phía nhà chánh Bội. Ðến gần cổng nhà nó, hai chúng tôi nấp vào một đám rào găng. Tiếng Nương hát giọng cao trong văn vắt ở nhà trong vọng ra lẫn vào tiếng gõ nhịp. Thì ra nó vẫn đang bắt vợ tôi hát. Tôi vừa thương Nương, lại vừa thấy hơi yên tâm. Nuốt cái nghẹn ở cổ, tôi cùng người bạn đi về. Ðến nhà, tôi ngồi ẵm cháu Bích trên tay mà đợi Nương.

Gà trong xóm đã gáy rộ lên lần thứ nhất, Nương vẫn chưa về. Anh em trong phường nằm lăn lóc trên mấy tấm phản gỗ kê liền nhau đã ngủ say. Tôi ngồi trơ trơ, bồng cháu Bích mà đợi.

Tiếng gà gáy vừa im, Nương bỗng hiện ra trước khung cửa. Thấy tôi, Nương dừng lại trên thềm nhà, nhìn tôi trân trân. Ánh mắt của Nương như dại đi. Vạt áo the rách toạc và tóc Nương sổ ra rũ rượi. Mối khăn thắt lưng vương ra đằng sau lòng thòng, còn giải yếm thì xộc xệch...

Thế là rõ. Tôi thấy có một bàn tay nào thò vào lồng ngực nắm lấy tim tôi mà rứt mạnh một cái.

Nương cứ đứng nhìn tôi như vậy một lúc lâu, rồi mới bước vào. Mặt Nương tái ngắt. Nương hổn hển đỡ lấy cháu Bích trên tay tôi, ngồi xuống bên tôi và im lặng không nói gì. Một lát, Nương vùng ôm lấy tôi, gục đầu vào vai tôi vừa khóc vừa nói:

- Nhà ơi... thế là từ nay em có tội với nhà nhiều lắm!

Nương có tội ư? Không bao giờ tôi nghĩ như vậy. Nhưng lúc bấy giờ tôi cứ ngồi trơ trơ như một tượng đá, mặc cho Nương khóc trên vai. Rồi tôi vụt xô hất Nương ra, đùng đùng chạy vào chỗ đặt mấy chiếc bồ lớn. Tôi rút ra một con dao to. Tiếng động làm cho mọi người trong phường đều thức cả dậy. Nhìn thấy cảnh tượng, mọi người như đoán ra ngay được sự tình. Bác trùm phường nhảy lại giữ lấy tay tôi:

- Chú Hai... Chú Hai...

Tôi giằng tay bác ra, và lục đôi bồ, kéo tất cả những bộ đồ sắm trò của riêng tôi và Nương vứt tung ra giữa nhà. Thấy tôi như một người điên, mọi người đều sợ hãi nhìn tôi và đề phòng tôi làm sự liều lĩnh. Nhưng trong lòng tôi thì lại dường như tỉnh táo lắm. Tôi lạnh lùng vơ tất cả quần áo ném lên phản gỗ, rồi con dao lớn trên tay tôi loang loáng băm xuống đống quần áo, tôi nói như hét:

- Không làm cái nghề này nữa!

Không ai dám lại can tôi, đành chỉ đứng nhìn tôi cứ thế băm nát những bộ đồ sắm trò thành một đống giẻ vụn. Chỉ còn một mảnh khăn thêu kim tuyến mà Nương thường cầm tay mỗi khi sắm trò là còn sót lại văng ra. Nương nhặt lấy rồi úp mặt vào cháu Bích mà khóc. Băm nát đống quần áo xong, tôi xách dao lừ lừ ra ngoài đi về phía nhà chánh Bội. Mọi người hiểu ý định liều lĩnh của tôi, xông lại ôm lấy tôi, bác trùm phường mếu máo:

- Chú Hai... chú Hai... liều thế không được đâu.

Con dao trong tay tôi rơi xuống, và tôi ôm lấy mặt mà khóc như đứa trẻ.

*

Ngay sáng sớm hôm sau, tôi cõng Bích trên vai, cùng với Nương bỏ phường ngược lên Thái. Bác trùm phường và anh em can ngăn nhưng vợ chồng tôi quyết bỏ nghề. Mọi người đành buồn rầu chia tay với chúng tôi.

Trời nắng hết sức. Vợ chồng tôi đi được nửa ngày đường thì Nương bị cảm rất nặng, lên cơn sốt dữ dội, lả vào người tôi, không gượng đi được nữa. Tôi dìu Nương vào một làng ở ven đường, vào ngồi trong một chiếc điếm canh bỏ không ở đầu làng.

Anh Thái ơi, anh bằng lòng vậy, tôi đang sống lại những ngày bi thảm nhất của đời tôi mà tôi lại bắt anh theo chứng kiến. Cháu Bích bấy giờ khát sữa khóc ngặt nghẽo, mà Nương thì mê man bất tỉnh, lìm lịm trong góc cái điếm canh. Thỉnh thoảng tỉnh một chút, Nương luôn miệng gọi tôi:

- Nhà ơi, em chết mất.

Nhiều lúc Nương gọi hẳn tên tôi ra, điều đó rất hiếm từ khi chúng tôi lấy nhau.

Ðến gần chiều thì Nương bỗng tỉnh. Tôi vui sướng nắm lấy tay Nương. Nương vui vẻ bảo tôi đưa cháu Bích cho Nương. Nương nựng con rồi nói đùa với nó:

- Sau này con chẳng đi hát chèo như bố mẹ đâu nhỉ!

Rồi Nương hỏi tôi:

- Nhà ơi, nhà có ghét em không?

Tôi ôm lấy Nương, không trả lời, chỉ vuốt mấy món tóc mai của Nương vương trên má. Nương lấy chiếc khăn thêu kim tuyến nhặt được đêm qua đưa cho tôi:

- Chỉ còn sót mỗi chiếc khăn này, nhà giữ lấy, kẻo em giữ em đánh rơi mất thôi.

Nương mở to đôi mắt nhìn tôi và thở dài.

Tôi bảo Nương:

- Nhà có thấy đói không, tôi vào trong làng nấu nhờ tí cháo cho nhà ăn nhé.

Nương nắm lấy tay tôi giữ lại:

- Em không đói đâu. Nhà đừng đi đâu, nhà ở đây với em. Nhà ơi, vợ chồng mình lên Thái, lĩnh một ít ruộng rồi vợ chồng mình làm lụng nuôi con nhỉ. Em cấy khéo lắm, nhà ạ!

Bỗng Nương nấc khẽ một cái, tay Nương bóp chặt lấy tay tôi, hai giọt nước mắt trào ra trên khóe mắt. Nương bảo tôi:

- Nhà ơi, nhà sờ chân em mà xem! Em chết đến chân rồi đấy!...

............................

(Những dòng chữ này của đại úy Thanh run rẩy nguệch ngoạc, nhiều chữ viết chồng lên nhau, leo lên leo xuống trong hàng kẻ. Có nhiều chỗ thì nhòe ra như tờ giấy bị thấm nước.)

Anh Thái ơi, đó là tất cả những lời cuối cùng Nương nói với tôi.

Sau khi nhờ dân làng chôn cất vợ, tôi một mình cõng con lên Thái. Tôi đi làm thuê để nuôi con. Ðược ít lâu thì phong trào Việt Minh lan đến vùng tôi ở.

Một đêm tôi nghe tiếng súng nổ lốp đốp ở xa xa. Những người ở xung quanh nhà tôi đổ ra đường chạy rầm rập. Tôi hỏi:

- Gì thế?

Một người vừa chạy vừa trả lời vội:

- Ði phá kho thóc của Nhật! Có đi thì đi!

Tôi liền nhập bọn với họ. Ðêm hôm ấy, khi đoàn người phá kho thóc đã rút đi, một mình tôi bế cháu Bích đứng lại nhìn cái nhà kho bị phá tan hoang trước mặt. Tôi vừa bỡ ngỡ, lạ lùng, vừa vui thích nghĩ thầm trong bụng: "Thế ra làm được như thế ư?" Tôi đang đứng ngẩn ngơ thì một người đến vỗ vai tôi:

- Ðằng ấy người vùng nào?

Tôi quay lại nhìn người vừa hỏi, rồi trả lời:

- Tôi người dưới Nam.

- Không lấy được tí thóc nào à?

- Tôi bận cháu bé.

- Thế thì đi theo mình.

Anh Thái ơi, tôi không muốn nói ra đây lời cảm ơn suông đối với cách mạng. Nhưng quả thực tình là cách mạng đã đến thật đúng lúc với tôi. Tôi đã tưởng mình không có một lối nào thoát nữa. Một tay ôm đứa con bé bỏng, tôi bỗng như đứng ở một ngã ba đường xa lạ. Vẫn còn ngơ ngẩn, tôi bồng Bích đi theo người lạ mặt.

Ðó là ngày đổi thay lớn bắt đầu. Tôi trở thành đội viên du kích tỉnh Thái, Bích cũng trở thành đứa con chung của tất cả chúng tôi.

Và thế là...

Tôi sẽ không kể tỉ mỉ về cuộc đời tôi sau này, vì anh đã biết khá rõ. Tôi chỉ muốn nói, sau ngày ấy, sự đổi thay lớn nhất mà tôi cảm thấy là về cái giá trị con người. Anh đừng cười tôi là đã làm triết lý. Cái này có lẽ các anh có nhiều điều kiện hơn tôi. Nhưng việc đời thì cứ bắt người ta phải triết lý như vậy. Mình muốn hay không cũng thế thôi, nên tôi cũng cứ nói cho anh nghe vậy. Bây giờ tôi kể tiếp về những việc có liên quan đến Bích và chiếc khăn.

Sau khi đem con gia nhập giải phóng quân, mối thù riêng tôi vẫn canh cánh trong lòng. Có lần tôi ngỏ ý với một bạn đồng đội:

- Mình muốn trở về Ngọc Bội, bắt chánh Bội giết đi mới hả.

Bạn tôi bảo:

- Cũng đúng thôi. Nhưng vấn đề là vấn đề giai cấp kia cậu ạ!

Bấy giờ tôi không hiểu rõ lời bạn tôi lắm. Bây giờ, thì những người nông dân nghèo đã trả thù cho chúng tôi từ lâu rồi...

Ở với tôi, làm con nuôi của đơn vị, Bích càng lớn lên càng giống Nương. Nhất là nơi giọng nói, cái giọng nữ cao trong vắt in hệt như giọng của Nương.

Nghe giọng Bích, tôi thương nhớ Nương. Trước kia tất cả tình cảm tôi trao cho Nương. Bây giờ, tất cả lại trao cho Bích. Bích theo tôi đi khắp mọi nơi. Những lúc tôi ra trận, Bích ở nhà với những anh em thương binh, hoặc tôi gửi tạm ở một nơi nào đó. Bích lớn dần, và tôi bỗng nảy ra ý nghĩ dạy cho Bích hát những làn chèo trước kia đã làm vợ chồng tôi lừng tiếng vùng Nam.

Thì ra cái máu đào chèo trong người tôi nó vẫn không ngừng chảy. Tôi đã truyền lại dòng máu ấy cho Bích.

Những lúc rỗi rãi, tôi dạy Bích hát. Dần dần Bích đã thông thạo ba mươi sáu làn chèo. Và từ đó, trong đại đội của tôi, bố con tôi trở thành nguồn vui không bờ bến của anh em.

Bích hát cho bộ đội nghe. Bích hát cho thương binh nghe. Bích đóng đủ mọi vai trong các vở chèo cổ, với tất cả đồ sắm trò chỉ là chiếc khăn thêu kim tuyến còn sót lại của vợ tôi. Bích buộc nó lên mái tóc, Bích quàng nó vào cổ. Và Bích vui như con sơn ca.

Ðầu năm 1954, đơn vị tôi được điều đi dự trận Ðiện Biên Phủ. Trước khi đi, tôi cho Bích theo một đoàn văn công. Lúc hai bố con chia tay, tôi có kể lại cho Bích nghe tất cả chi tiết cuộc đời của tôi, của mẹ Bích, và trao cho Bích chiếc khăn thêu kim tuyến. Lên đường dự trận này, tôi không hề có một ý nghĩ gì sợ chết. Song tôi cũng muốn dặn dò Bích kỹ.

- Con giữ lấy chiếc khăn này. Nếu bố con có không gặp nhau nữa, nó sẽ giúp con nhớ đến mẹ con, bà nội con và bố, mà cố gắng phục vụ nhân dân.

Tôi còn dặn Bích là phải chịu khó theo đoàn học cho giỏi nghề thêm nữa. Tôi muốn tiếng hát của gia đình tôi không bị tắt đi. Tôi muốn cái giọng nữ cao trong vắt ấy sẽ vang đi khắp nước, sẽ đem lại nguồn vui cho mọi người, sẽ làm cho cuộc sống của con người có giá trị hơn lên. Và được như vậy thì lòng tôi mới bớt thương nhớ Nương.

Bây giờ thì anh biết đấy, Bích đang mang hình ảnh của Nương đi khắp nơi. Bích đã nối lại tiếng hát của gia đình tôi. Nhưng thật là khác trước kia. Trước kia chúng tôi chỉ có một mảnh chiếu giữa sân đình, thì nay Bích có cả một sân khấu đồ sộ. Trước kia chúng tôi chỉ có mấy ngọn đèn dây, thì nay Bích có hàng vài chục ngọn điện. Nhưng quý nhất là Bích không phải sống đời người đào chèo nhiều tủi nhục như mẹ tôi và Nương đã sống. Con người bây giờ nó quý gấp vạn lần ngày xưa. Cứ mỗi khi tôi xem Bích diễn chèo, thấy Bích được hàng ngàn người vỗ tay râm ran thưởng thức, thì tôi lại chạnh nhớ đến Nương, đến cuộc đời mình trước kia. Lắm lúc tôi nghĩ rằng, giá đất nước không còn cần mình cầm súng nữa, thì mặc dầu tóc đã bạc, tôi cũng sẽ xin theo con tôi đi khắp mọi nơi. Bố tôi đã nói đúng, cái máu đào chèo trong người tôi quả thật là nặng.

Tôi cứ phải thường nhắc cho Bích nó nghe. Tôi sợ nếu Bích quên thì lòng sẽ kém vững vàng đi. Còn Bích sợ chuyện cũ gợi lại cho tôi nỗi buồn. Vì thế mỗi lần tôi nhắc thì Bích lại gạt phắt. Bích bảo tôi nên quên hết, nhưng tôi nghĩ phải nhớ cuộc đời cực nhục trước kia mới có sức mạnh mà sống với hiện tại, xây đắp tương lai chứ! Anh cho tôi nói thế có đúng không? Ðó là chỗ bố con tôi đang nghĩ khác nhau, anh Thái ạ. Con bé đến là bướng bỉnh. Nhưng nó vẫn thương tôi lắm, vẫn nghe lời tôi giắt chiếc khăn của Nương trong người.

Có lần không biết nghĩ làm sao, Bích bảo tôi:

- Ba lấy vợ đi!

Hình như nó sợ tôi buồn. Nhưng tôi không thể lấy vợ được. Cứ nghĩ đến Nương thì tôi không còn muốn đem tình yêu mà san sẻ cho ai nữa. Bây giờ ngoài nhiệm vụ chung, thì đời riêng tôi, tôi chỉ sống cho một mình Bích. Không biết Bích có hiểu hết lòng tôi thương nó không? Hai mươi tuổi đầu rồi, mà nó còn trẻ con lắm, chưa biết suy nghĩ chín chắn gì đâu. Ấy đấy, ngay cả cái chuyện xưng hô mà tôi bảo mãi nó vẫn không nghe. Tôi bảo nó cứ gọi tôi bằng bố như xưa, nhưng nó thì cứ nhất định bắt tôi xưng ba với nó, nó mới thích. Con bé đến là trẻ con. Nhưng tất cả đời riêng của tôi, chỉ còn lại một mình Bích, nên tôi cũng chiều Bích lắm anh ạ.

*

Ðọc xong lá thư của ông Thanh, trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh Bích, một nữ diễn viên trẻ có mái tóc dài chấm ngang lưng, đôi mắt đen láy lấp lánh dưới hai hàng lông mày rất cong. Bích đang nghiêng đầu chào khán giả của nàng, hai hàm răng trắng nuốt long lanh như hai chuỗi ngọc nổi bật trên màu đỏ tươi của chiếc yếm lụa. Tôi lại mường tượng đó là hình ảnh của Nương và của bà mẹ ông Thanh.

Tôi không muốn thêm thắt gì vào lá thư của ông Thanh. Tôi nghĩ không nên thêm thắt gì vào sự thật của cuộc đời.


7 - 1960