Hà Văn Tấn, “Hội chùa Việt Nam” (2)




Nói đến hội chùa, không thể không nhắc đến hội chùa Hương, một hội xuân kéo dài suốt ba tháng, từ mồng 6 tháng giêng đến ngày rằm tháng ba.

Gọi là hội chùa Hương, thực ra là một mùa hội mà các tín đồ Phật giáo cũng như du khách đến chiêm bái các đền chùa trong khu vực Hương Sơn, mà trung tâm là chùa Hương, ngôi chùa trong động Hương Tích, một hang núi đá vôi lớn.

Hương Sơn là một khu vực rộng, có những dãy núi đá vôi nhấp nhô, giữa núi là những thung lũng hẹp và những dòng suối lớn. Người ta có thể ngồi thuyền theo các dòng suối hay đi bộ theo những con đường ven núi để đến các ngôi đền, ngôi chùa dựng trên núi hay trong các hang núi.

Vùng này có nhiều chùa trong hang như chùa Cá, chùa Cây Khế, chùa Hinh Bồng, chùa Tiên, chùa Giải Oan, chùa Tuyết Sơn, và nổi tiếng hơn cả, có vị trí trung tâm, là chùa Hương Tích.

Khu vực Hương Sơn được Phật giáo biết đến khoảng thế kỷ XV, nhưng các ngôi chùa chính được xây dựng với quy mô lớn là vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Cho đến đầu thế kỷ XX, thì cả khu vực này, đã có hơn một trăm ngôi chùa mọc lên. Trong suốt mùa hội, hàng chục vạn tín đồ Phật giáo và du khách từ nhiều miền của Việt Nam đến đây để thăm viếng, lễ bái những ngôi chùa này, theo những tuyến đường khác nhau.

Trong tâm thức của tín đồ Phật giáo Việt Nam, Hương Sơn là cõi Phật. Một biểu hiện rõ rệt của Phật giáo vùng Hương Sơn là tín ngưỡng Quan Âm. Truyện Nam Hải Quan Âm, sáng tác của một nhà sư Trung Quốc thời Nguyên, khi du nhập vào Việt Nam đã được Việt Nam hóa hoàn toàn. Diệu Thiện, nàng công chúa thứ ba, con vua Diệu Trang nước Hưng Lâm đã đi tu không phải ở nơi nào khác mà chính vùng Hương Sơn. Diệu Thiện, mà người Việt Nam gọi là Bà Chúa Ba, tu hành chín năm trong động Hương Tích, đã đắc đạo trở thành Phật Bà Quan Âm. Có cả một truyện thơ nôm dài kể về chuyện Quan Âm Nam Hải ở Hương Tích. Theo truyện thơ này, về sau cả gia đình Diệu Thiện đều về tu ở động Hương Tích, người chị cả tên là Diệu Thanh trở thành Văn Thù Bồ Tát, người chị hai tên là Diệu Âm trở thành Phổ Hiền BồTát.

Ngày nay, trên điện Phật trong động Hương Tích, còn có pho tượng Quan Âm bằng đá, ngồi một chân co, một chân duỗi, tay cầm viên ngọc. Theo văn bia trong động, pho tượng này được tạc năm 1793, thay cho pho tượng đồng có từ trước đã bị mất. Còn ở cung Tiên, cũng trong vùng Hương Sơn, có pho tượng bằng đá trắng. Đó là những nhân vật trong gia đình Bà Chúa Ba Diệu Thiện. Bà Chúa Ba ngồi giữa, phía sau là bố mẹ, phía trước là hai người chị. Chị cả Diệu Thanh cưỡi con sư tử xanh (có nghĩa là đã trở thành Bồ Tát Văn Thù) và chị hai là Diệu Âm cưỡi con voi trắng (tức là trở thành Bồ Tát Phổ Hiền). Những người thợ đá ở Kiện Khê (tỉnh Hà Nam) đã dựa vào chuyện Bà Chúa Ba để tạc các bức tượng này vào năm 1907.

Như vậy, Quan Âm Nam Hải đã được Việt hóa và trở thành Quan Âm Hương Tích. Niềm tin rằng Hương Tích là nơi đắc đạo của Phật Bà Quan Âm đã tạo cho vùng này một sức hấp dẫn lớn đối với tín đồ Phật giáo. Nhưng hội chùa Hương không chỉ là của những phật tử miệng niệm tên Phật A Di Đà đi chiêm bái nơi có thánh tích Quan Âm. Hội chùa Hương, cũng như khu vực Hương Sơn, còn gắn kết Phật giáo với nhiều tín ngưỡng khác.

Hội chùa Hương bắt đầu với lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) ngày mồng 6 tháng giêng, tổ chức ở đền Ngũ Nhạc, là đền thờ một vị thần núi, dưới dạng một ông Hổ. Mâm lễ phải có một con lợn còn sống. Trong vùng Hương Sơn cũng có nhiều điện, đền thờ Mẫu như điện trước chùa Giải Oan, điện Cô gần chùa Tuyết, cách chùa Giải Oan chừng 200m là đền Cửa Võng thờ Mẫu Thượng Ngàn...

Ngay trong động Hương Tích, nơi thờ Quan Âm, cũng có những nhũ đá được gọi là Đụn Gạo, Cây Vàng, Cây Bạc, Núi Cậu, Núi Cô... Ai mong có con trai thì xoa tay vào đầu Núi Cậu, ai mong sinh con gái thì xoa tay vào đầu Núi Cô. Người nông dân cầu được mùa thì sờ vào Đụn Gạo, người buôn bán muốn phát tài thì sờ vào Cây Vàng, Cây Bạc...

Ngay trong truyện Quan Âm Nam Hải, ta cũng đã thấy sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng Mẫu (Tam Phủ):

“Tu hành đã được mấy niên,
Bao nhiêu phép Phật, phép tiên vào lòng.
Bây giờ Tam Phủ cộng đồng,
Hộ thành quả phúc phán trong lệnh truyền.”

Trong hội chùa Hương, chúng ta còn có dịp biết đến một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian: hát chèo đò, “Thông thường các tín đồ đạo Phật vào chùa Hương đi thành đoàn. Sau lễ Phật, các vãi thường ở một nơi và nhóm dậy hình thức sinh hoạt vui là hát chèo đò. Hát chèo đò được thực hiện ở bất cứ chỗ nào, đông vui hơn cả là ở sân chùa, sân nhà tổ. Các vãi có giọng hay đứng dậy làm động tác như chèo đò và hát những đoạn văn trên sáu dưới tám liên quan đến tích nhà Phật. Các vãi già nghe hát, chắp tay thành kính và xướng lại lời con hát như thể thức hát hò”.

Ở đây, ta thấy sự gắn bó giữa những ngôi chùa Việt Nam với các hình thức sáng tác - diễn xướng dân gian. Đây không phải là trường hợp riêng cho hội chùa Hương.


(Trích Hà Văn Tấn, “Chùa Việt Nam trong đời sống văn hóa cộng đồng”, in trong sách
Chùa Việt Nam, 2010)