Hà Văn Tấn, “Hội chùa Việt Nam” (1)




Hội làng Việt Nam, trong đó có các hội chùa, thường chia làm hội mùa xuân và hội mùa thu, tổ chức vào các giai đoạn nông nhàn, tức là lúc không bận rộn công việc đồng áng.

Nhìn vào lịch các ngày hội chùa, ta cũng thấy rõ điều này. Phần lớn hội chùa là hội mùa xuân. Hội mùa xuân dài nhất nước là hội chùa Hương, từ mồng 6 tháng giêng đến rằm tháng ba. Trong tháng giêng có hội chùa Phật Tích, hội chùa Quỳnh Lâm, hội chùa Côn Sơn. Một số chùa Tứ Pháp cũng làm hội vào 17 tháng giêng, ngày hóa của Man Nương. Tháng hai, có hội chùa Nành, hội chùa Trầm, hội chùa Bối Khê... Tháng ba, ngoài hội chùa Láng và hội chùa Thầy nói trên, còn có hội chùa Tây Phương tổ chức từ mồng 6 đến mồng 10.

“Nhớ ngày mồng sáu tháng ba,
Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây.”

Một số chùa ở Thái Bình như chùa Từ Vân (ở Bách Thuận, huyện Vũ Thư), chùa Bồ (thị xã Thái Bình) cũng mở hội vào tháng ba. Sang tháng tư, ngoài chùa Dâu, khá nhiều chùa mở hội.

Cũng có chùa vừa mở hội xuân vừa mở hội thu. Tiêu biểu là chùa Keo (Thần Quang tự, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), ngôi chùa đẹp và lớn được xây dựng vào thế kỷ XVII đã nói tới ở phần trên và cũng được giới thiệu trong cuốn sách này. Hội xuân chùa Keo mở vào mồng 4 Tết Nguyên đán và hội thu mở từ ngày 13 đến ngày rằm tháng chín Âm lịch.

Hội xuân ở chùa Keo được tổ chức với những trò vui như bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm.

Thi ném pháo là một trò độc đáo. Người ta chôn vào sân chùa hai cột tre dài khoảng bảy, tám mét và cách xa nhau chừng bốn mét. Một cây tre ngang nối đầu ngọn hai cây tre. Giữa cây tre ngang này, người ta treo một nón pháo bằng một đoạn dây dài nửa mét. Nón pháo là một khung tre phất giấy hình nón cụt treo ngược, bên dưới một tấm giấy xát thuốc cháy gọi là “lá đề”, được nối với nhiều pháo tép, bốn quả pháo nhỡ và cuối cùng là một quả pháo lớn. Những người thi ném pháo đứng phía ngoài một dây chắn, đốt từng chiếc pháo tép và ném pháo nổ trúng lá đề, lá đề cháy, bắt vào ngòi pháo và làm pháo nổ dây chuyền trong khoảng hai ba mươi phút. Khi quả pháo lớn nổ, trên không bật ra một chiếc dù, kéo một tấm vải với dòng chữ: Thiên Hạ Thái Bình, Phong Đăng Hòa Cốc. Năm nào pháo nổ giòn giã, người ta tin là mùa màng sẽ tươi tốt. Cũng có năm không có ai ném trúng, và lúc đó, các cụ già trong làng phải làm lễ để xin châm lửa đốt pháo. Rõ ràng thi ném pháo cũng là hình thức của lễ cầu mùa. Phải chăng tiếng pháo là tượng trưng cho tiếng sấm.

Thi nấu cơm cũng là một hoạt động trung tâm của hội xuân ở chùa Keo. Sáng mồng 4 Tết, trên sân trước chùa Hộ (nhà tiền đường), tám nhóm người đại diện cho tám giáp của làng, sẵn sàng vào cuộc thi. Sau ba hồi trống, ông chủ khảo châm lửa đốt nén hương dài đến 20cm. Hương bắt đầu cháy thì tám chàng trai của tám giáp chạy bốn vòng quanh ao chùa. Hết vòng thứ tư, mỗi người xuống ao múc một lọ nước mang về cho cô gái giáp mình. Cùng lúc đó, hai người nữa cũng khẩn trương vo gạo, giã bột, xiết đỗ... Còn cô gái thì lấy lửa bằng một hình thức rất nguyên thủy là cọ hai thanh nứa già vào nhau, làm bật ra những tia lửa, bén cháy vào tấm bùi nhùi rơm. Việc thổi nấu rất nhanh đến mức là khi nén hương dài vừa cháy hết, trên các chiếc mâm đồng của một số giáp, đã có đủ hai bát cơm, bốn bát chè, hai đĩa xôi và hai đĩa bánh. Sau khi mâm cỗ được đặt lên cúng ở bàn thờ Phật và Thánh, ban giám khảo tiến hành chấm thi. Cỗ của giáp nào được nấu nhanh nhất và ngon nhất thì được giải thưởng lớn. Cuối cùng mâm cỗ được ban phát cho mỗi người một ít, gọi là “thụ lộc”, để lấy cái may mắn đầu năm. Cũng như thi ném pháo, trò thi nấu cơm gắn liền với lễ cầu mùa.

Hội thu chùa Keo từ ngày 13 đến ngày rằm tháng chín. Ngày 13 được coi là ngày thứ một trăm sau ngày mất của thánh tăng Không Lộ, còn ngày rằm là ngày lễ Phật giáo hằng tháng. Đã có câu ca dao:

“Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”.

Từ mồng 3 tháng sáu đến rằm tháng tám, làng Keo đã chuẩn bị cho hội thu, người ta đã dùng lụa may áo cho tượng Thánh (sư Không Lộ), và chọn một ngày tốt trong khoảng từ rằm tháng tám đến mồng 10 tháng chín, làm lễ thay áo cho tượng. Làng đã chọn 42 chàng trai khỏe mạnh để chuẩn bị cho việc rước kiệu hương án, long đình, thuyền rồng và thuyền cò (thuyền nhỏ). Các buổi chiều ngày 10, 11, 12, cả tám giáp đã hạ trải (thuyền đua) xuống sông trước chùa tập bơi, chuẩn bị vào hội.

Hội bắt đầu ngày 13. Từ sáng, hương án, long đình, thuyền rồng và thuyền cò đã được rước ra ngoài tam quan ngoại (chúng ta nhớ là chùa Keo có hai tam quan, trong và ngoài). Buổi chiều, bắt đầu cuộc đua trải giữa tám giáp. Trải ở hội Keo khá lớn, đóng bằng gỗ dổi dài 12m, lòng sâu nửa mét, đoạn giữa rộng 1,2m, hai đầu trải hơi cong. Mỗi trải có 15 người đóng khố, mặc áo nẹp ngắn không có tay, đầu chít khăn cùng màu. Mỗi trải có một màu áo riêng. Các trải bơi đua từ sông Trà Lĩnh là con sông nhỏ trước cửa chùa Keo ra sông Hồng rồi quay trở về. Cuộc thi bơi trải tiếp tục trong ba ngày 13, 14 và 15.

Trong khi đó, ngày 13, tại tòa “giá roi” của chùa, diễn ra cuộc thi đọc lời cúng của thầy cúng. Buổi tối, có cuộc lễ thánh ở nhà thiêu hương. Sau lễ thánh là cuộc thi biểu diễn kèn trống. Sáng hôm sau, ngày 14, có cuộc rước kiệu thánh và thuyền rồng từ thượng điện ra tam quan ngoại. Đến tối, lại rước về nhà thiêu hương. Khi đám rước đi qua bờ ao, có bốn người điều khiển bảy hình người rối bằng gỗ trong ao.

Chiều ngày 14, ở tòa “giá roi”, một nghi lễ chầu thánh được tiến hành, gọi là điệu múa “ếch vồ”. Mười hai người đứng thành hai hàng. Khi nghe một tiếng trống, tất cả đặt tay lên ngực, rồi quỳ xuống, hai đầu bàn chân xòe ra hai bên, gót chân chụm lại, hai tay chống xuống mặt đất. Khi nghe tiếng trống tiếp theo, tất cả bật dậy, đứng như tư thế ban đầu. Các động tác này lặp đi lặp lại năm lần. Ngày rằm, việc rước kiệu giống như ngày 14, chỉ khác là vào ban đêm, khi đã rước kiệu về cung, cuộc lễ thánh được tiến hành bằng lễ chèo trải cạn, kết thúc ba ngày hội.

Hội thu chùa Keo nghiêng về phía các nghi lễ cúng tế vị thánh thờ ở chùa này, là Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý đã được thần hóa, truyền thuyết đã có phần lẫn lộn với nhà sư Nguyễn Minh Không. Nhưng trong hội thu chùa Keo, những cuộc đua thuyền diễn ra liên tục trên sông, và cả lễ chèo thuyền trên cạn, trước điện thờ, cũng hé cho ta thấy mối liên hệ với ngày hội nước trong nghi lễ nông nghiệp, như đã thấy, ở khắp vùng Đông Nam Á. Ngay điệu múa biểu hiện những con ếch nhảy trước điện thờ có lẽ cũng có mối liên hệ với lễ cầu mưa.


(Hà Văn Tấn, “Chùa Việt Nam trong đời sống văn hóa cộng đồng”,
Chùa Việt Nam, 2010)