“Sóng biển Đông”

Vũ Tự Lập




Sóng biển Ðông nói chung không lớn và bị chi phối bởi chế độ gió mùa cũng như mọi đặc điểm (khác của) vùng biển (này).

Trong mùa gió đông bắc (...) gió lớn, nên sóng cũng nhiều và lớn hơn trong mùa gió tây nam. Sóng (...) từ hướng đông bắc tới và vỗ mạnh vào bờ biển nước ta, nhất là ở Trung bộ. Trong khi đó phía bờ biển Phi-líp-pin và trong các vịnh kín, sóng ít và nhỏ hơn. Hướng sóng đông bắc chiếm tới 75%, vào giữa mùa (tháng I và tháng II) tần suất này có thể lên tới 80-90%. Số ngày lặng sóng chỉ khoảng 10%, số ngày sóng mạnh quá cấp V (2-3,5m) chiếm 20-30%, còn lại phần lớn là những ngày sóng cấp II và cấp III.

Trong mùa gió tây nam (...) gió nhỏ, nên số ngày lặng sóng (...) tăng lên 20% và số ngày sóng mạnh quá cấp V giảm xuống 10-20%. Hướng sóng tây nam trung bình chiếm khoảng 60% và trong các tháng giữa mùa (tháng VII và tháng VIII), tần suất tối đa cũng chỉ lên tới 67%. Tuy nói chung vào mùa gió tây nam, sóng ít và nhỏ hơn so với mùa gió đông bắc, nhưng khi có bão thì sóng lại lớn hơn nhiều. Lúc gió bão có tốc độ 200km/h thì sóng có thể cao tới 12m.

Trong các thời kỳ chuyển tiếp, hai luồng gió mùa đều yếu, số ngày lặng sóng tăng lên rõ rệt và những ngày sóng lớn giảm xuống dưới 10%.

Nơi nhiều sóng và sóng lớn nhất là duyên hải Trung bộ, ví dụ ở Cồn Cỏ và Phú Quý độ cao bình quân của sóng nằm ở cấp IV, nơi ít sóng và sóng nhỏ nhất là vịnh Thái-lan, thường chỉ đạt cấp I-II. Vịnh Bắc bộ được đảo Hải Nam che khuất nên sóng cũng nhỏ (...) độ cao bình quân khoảng cấp II-III. Tuy nhiên, mỗi khi gió mùa đông bắc tràn về hoặc khi có bão, sóng có thể (khá) lớn, ví dụ (...) ở Cô Tô là 6,1m , ở Bạch Long Vĩ là 7m (...)


(Trích Vũ Tự Lập,
Ðịa lý tự nhiên Việt Nam, nxb. Ðại Học Sư Phạm, 2003)