Nguyễn Trọng Tín, “Cây ô môi”




Dọc triền sông là rặng dừa nước ngút ngàn. Thỉnh thoảng lại gặp một khoảng trống, đó là bến nước của từng nhà. Ở mỗi bến nước đều có một cái rạp lợp lá de ra mé nước làm nơi đậu xuồng. Ở quê tôi, chiếc xuồng là phương tiện không thể thiếu của mỗi nhà, bất kể nghèo khó đến đâu. Bởi vì, nửa năm mùa mưa ở vùng này, người ta chỉ có thể đi lại và chuyên chở mọi thứ bằng xuồng. Mọi cuộc ra đi và trở về của con người ở đây đều bắt đầu và được chờ đợi từ một bến sông.

Nhưng có một bến nước không thuộc về nhà nào cả. Khắp vùng gọi bến này là bến Ô Môi. Nhà tôi ở trên hay dưới bến Ô Môi bao nhiêu bến là cách người dân xứ này chỉ cho người lạ tìm đến với mình (...)

Tôi lớn lên và không có thắc mắc nào về tên gọi của bến sông này, vì ngay bên (...) có cây ô môi cổ thụ, gốc cỡ hai vòng tay ôm của người lớn (...)

Ô môi là một loại cây hoang còn sót lại từ thời những lưu dân đầu tiên đến đây khẩn hoang (...) Thân ô môi đen đủi, cành cong queo, lá li ti như lá me, quanh năm lúc nào trông cũng có vẻ còi cọc, xơ xác. Gốc, cành lại thường bị một loài sâu đục thân, khoét những lỗ tròn cỡ ngón tay cái. Từ trong những lỗ ấy đùn ra những lọn mùn cây, nâu xám như phân bò có kém dúm bọt trắng, bọn nhỏ chúng tôi thường gọi là cứt sâu.

Có thể nói ô môi là loại cây xấu xí. Thế nhưng vào một ngày đẹp trời nào đó của tháng 5, ô môi bỗng bừng thức với những chùm bông rực rỡ đến kỳ lạ. Cơ hồ chỉ trong một đêm, toàn bộ bộ xương khô cằn của vòm cây đồng loạt ra bông. Tôi chưa thấy loài cây nào có cách trổ bông hết mình như ô môi.

Bông ô môi đỏ thắm, chỉ lớn chừng gấp đôi bông khế, nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành. Ðứng từ xa trông, vòm cây như một ngọn đuốc lớn. Và năm nào cũng thế, khi chợt thấy vòm bông đỏ rực từ bến Ô Môi là tôi chạy về, nhìn lên cây ô môi góc vườn nhà mình để thấy nó cũng đã trĩu bông từ lúc nào không rõ (...)

Phải mất gần một năm sau khi ra bông, trái ô môi mới khô (không nghe ai gọi là ô môi chín). Thoạt đầu, trái chỉ nhỏ như một trái đậu đũa (...) cho đến một ngày cành cây lủng lẳng treo đầy những chiếc gậy đen, lớn cỡ cổ tay trẻ con, dài đến 5 hoặc 6 tấc, khua lộp cộp vào nhau trong mỗi cơn gió chướng. Thế là ô môi khô (...)

Dùng dao đẽo dài hai bên thân trái ô môi khô sẽ làm lộ ra những vách ngăn xếp đều tăm tắp, trên mỗi ngăn ấy là lớp mật nâu sánh, tráng đều. Khi nhai những vách ngăn cứng hơn cả bánh tráng chưa nướng ấy, chúng cho một vị ngọt hăng hắc và làm tím đen môi miệng. Nhưng hấp dẫn hơn cả việc ăn là ở mỗi ngăn trong trái lại chứa một hột ô môi khô, vàng óng ánh, hình trái xoài, lớn cỡ cái nút áo. Có thể lấy lòng một đứa bạn gái bằng cách cho chúng những hạt ô môi ấy để chúng làm "tài sản" mà chơi trò đánh búng.

Trong mùa ô môi khô, túi áo những đứa con gái lúc nào cũng lao xao tiếng reo vui khe khẽ của những hột ô môi (...)


(Trích “Bến Ô Môi”)