Mấy đoạn trích dưới đây chỉ là tóm tắt kết luận của Bình Nguyên Lộc, còn những phần chứng minh thì sẽ trích riêng vì quá dài. Ðại khái, ông bảo trước Mã Viện ta là Mã Lai thuần túy. Trong 1000 năm Bắc thuộc, ta có lai nhẹ với Tàu, nên đến thời Ðinh Bộ Lĩnh thì tuy sọ vẫn là sọ Mã Lai nhưng, chẳng hạn, tóc ta đã hóa thẳng như tóc Tàu. Dáng sọ vẫn còn, vậy nên xem ta là chủng “Cực Bắc Mã Lai”. Nhưng BNL lại chọn gọi ta là chủng “Cực Nam Mông-gô-lích” vì về văn hóa “ta đã trót giống Tàu” (trên bề mặt thôi, chính BNL sẽ chứng minh văn hóa Việt cơ bản vẫn khác văn hóa Tàu). Ông ngại nếu theo đúng tiêu chuẩn của chủng tộc học mà tách ta ra khỏi nhóm chủng có Tàu thì đồng bào sẽ “choáng váng”. Có lẽ ông dè dặt quá. Ta ít máu Tàu, sự thực ấy nói ra tưởng không đến nỗi làm nhiều người Việt xây xẩm đâu! (Thu Tứ)



Bình Nguyên Lộc, “Không lai bao nhiêu”




tr. 659-660

Hễ khi chỉ số sọ khác nhau trên hai đơn vị là khoa chủng tộc học xem là một chủng khác rồi (...)

Danh xưng chủng Cực Nam Mông-gô-lích không có trong sách nào hết (...) là danh từ do chúng tôi đặt ra, căn cứ theo luật trên (...) sau khi đối chiếu sọ người Hoa Nam với sọ người Việt Nam (...)

Chỉ số sọ của ta y hệt như chỉ số sọ của Mã Lai, nhưng chúng tôi lại cho là một phụ chủng Mông-gô-lích chớ không nói là chủng Mã Lai, vì tóc ta đã thẳng, tức là có một yếu tố ràng buộc ta với chủng Nam Mông-gô-lích.

Ðây là sự nhượng bộ cực cùng của chúng tôi chớ tánh cách thẳng của tóc chỉ là dấu hiệu bề ngoài, chỉ số sọ, tánh cách brachycéphale (sọ tròn) (...) mới là yếu tố chánh (...)

Ta đã trót giống Tàu hơn giống Mã Lai (về văn hóa) (…) nên chúng tôi không muốn bắt đồng bào phải chịu đựng quá nhiều ngẩn ngơ, bỡ ngỡ, chỉ nói ta có nguồn gốc Mã Lai đã làm điên đầu thiên hạ rồi, còn về chủng thì xin cứ tránh cho đồng bào đỡ phải choáng váng, và chỉ gọi chủng của ta là chủng Cực Nam Mông-gô-lích, chớ đáng lý phải gọi là Cực Bắc Mã Lai (...)

tr. 667-668

Sau Mã Viện thì đành phải chịu hợp chủng (...)

Cuộc hợp chủng (...) không (...) đưa (...) yếu tố Hoa vào chủng Việt một cách đáng kể (...)

tr. 678-680

Phải mất một ngàn năm, chủng Cực Nam Mông-gô-lích mới thành hình (...) với cái sọ Mã Lai và vài yếu tố Mông-gô-lích (...)

Cuộc hợp chủng Việt Hoa ở Việt Nam không sâu đậm nên người Lạc Việt cứ còn là cái vốn chánh của dân tộc, đặt ảnh hưởng của mình lên cuộc hợp chủng đó chớ không bị nó biến khác đi quá xa.


(Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971)