Người phụ nữ Việt Nam làm mẹ, làm vợ đã được ca tụng hết lời. Trong một tư cách tương đối ít được để ý hơn, là làm chị, phụ nữ ta cũng thật xuất sắc.

Người Tàu có câu “Quyền huynh thế phụ”, tức anh thay cha khi cha qua đời. Xã hội Việt Nam thì có truyền thống Chị (chưa chồng) Thay Mẹ nếu mẹ chẳng may mất sớm. Người chị làm mẹ hết lòng lo cho các em quên thân mình, đến nỗi nhiều khi rốt cục trở thành một “bà cô” (tức gái già)...

Nếu lúc mẹ mất, người chị chưa hẹn trăm năm với ai thì đơn giản. Còn như trong câu chuyện này, nếu Huy đã tình cờ trở về vào đúng lúc ấy thì khó xử cho “chị tôi” quá...

À, mà “tôi” giấu chị chuyện gặp Huy, “liệu như thế có hay không” nhỉ.

(Thu Tứ)



Trịnh Đình Khôi, “Ðò đưa” (2)




Khi đã luống tuổi, u tôi lo lắng giục chị lấy chồng, chị còn bảo “Con đã hẹn với người ta rồi”. Người ta là anh Vệ quốc đoàn hát hay đàn giỏi. Không kịp gả chồng cho con gái, u tôi đã ra đi sau một cơn cảm lạnh, thầy tôi đổ cả một bát nước gừng sắc với phụ tử cũng không cứu được. Gánh nặng gia đình đặt lên vai chị, mãi gần bốn mươi tuổi chị mới lấy một anh giáo làng góa vợ. Chị không sinh nở cho anh một đứa con nào. Trước khi vào bộ đội, tôi sang thăm chị, ở lại chơi hai ngày. Anh rể tôi là con một ông đồ, nếp nhà thanh bạch. Ba gian nhà tường bằng đất nện, đồ đạc đơn sơ. Ðáng kể nhất có lẽ là đôi câu đối khảm trai từ thời Tự Ðức với đôi tràng kỷ đen bóng như sừng kê giữa nhà. Gian bên là chiếc án thư, vài bộ sách, dấu ấn bút nghiên còn lại.

- Cậu đi chuyến này chắc lâu mới về.

Giọng chị buồn bã.

- Em cũng không biết nữa.

- Mong sao có ngày về.

Chị cúi đầu lau mắt, lát sau chị ngẩng lên nhìn tôi.

- Cậu vào bộ đội cố hỏi giúp chị tin tức anh ấy.

Chị lại chép miệng thở dài. Tôi thấy thương chị vô cùng.

Ðêm ấy trời nóng nực, chị nhường tôi chiếc võng đay còn anh chị kê chõng ra đầu hè. Trời đêm trăng sáng cả nhà ngồi ăn ngô luộc cho đến khuya mới đi nằm. Xung quanh nhà nhiều tre, lắm muỗi, tiếng quạt mo đập phành phạch. Chị tôi không ngủ, không biết chị đang nghĩ ngợi gì. Ngày mai chị tiễn đưa tôi cũng như ngày xưa chị tiễn đưa anh, hẹn trở về anh có trở về đâu. Không hiểu niềm tin nào khiến chị cứ khăng khăng với tôi rằng anh không thể chết, vì thế chị cứ chờ. Chờ hết tuổi xuân đến tận bây giờ, vẫn chưa thôi thương nhớ. Ngày xưa chị hát bài hát của anh. Chị hát nhiều lần đến nỗi tôi và các em đều thuộc.

Mới tinh mơ chị đã trở dậy thổi xôi luộc gà chiêu đãi tôi, đến bữa ăn chị vui vẻ nhìn tôi ăn, gắp thức ăn cho tôi. Anh rể rót rượu mời tôi nhưng đến chén thứ hai bị chị lừ mắt, anh đành thôi. Vốn là người hiền lành ít nói anh quen nhường nhịn người khác, nhưng với chị tôi như thế vẫn chưa đủ.

- Ngày mai cậu đã thành bộ đội rồi đấy. Hồi xưa các anh Vệ quốc đoàn được các cô gái mê lắm.

Tôi biết chị tôi đang nghĩ đến ai. Ðể anh rể khỏi buồn, tôi vội nói lảng.

- Ngày xưa thôi, bây giờ con gái họ khác rồi. Binh nhì binh nhất bọn em đâu lọt được vào mắt các cô ấy.

- Cậu nói thế không đúng đâu.

*

Cả nhà tôi thương chị nhất, người đã thay mẹ chăm sóc đàn em, mùa đông đánh tranh rải ổ cho chúng tôi nằm, mùa hè tuốt đay kết võng ru lũ em ngủ. Tối tối chúng tôi ngồi học bài, chị ngồi vá áo vặn chổi, đợi lũ em vào màn, soi đèn, đốt muỗi mới chịu đi nằm. Chờ mãi anh Vệ quốc đoàn không trở lại, chị héo hon. Thương chị lắm nhưng lũ em chẳng biết làm gì. Ðứa nào cũng muốn bớt hư đi, bớt tị nạnh cãi cọ nhau để chị vui. Tôi là đứa lớn nhất nhưng vụng về, lúc chị đau ốm nấu cho chị bát cháo mà để oi khói khê nồng. Chị nhắm mắt nhắm mũi nuốt nhưng miệng vẫn khen ngon. Thằng em dưới tôi quanh năm chốc lở chị cứ phải đun nước lá vối đặc tắm cho nó. Ðứa em út khi mẹ tôi mất nó mới bảy tháng tuổi, ngày ngày chị phải ẵm ngửa trên tay đi xin bú chực bà hàng xóm. Chị nấu ăn, may vá, chăm sóc bố già và đàn em y hệt u tôi. Bà ra đi mà nền nếp trong nhà không thay đổi bao nhiêu là nhờ bàn tay thu vén của chị. Ngày u tôi mới mất, tôi đã định sang ở với dì. Dì tôi không có con trai, chỉ có một mụn con gái. Bà tôi tôi sang ở với bà. Sểnh mẹ bú dì, bà muốn gánh đỡ ông anh gà trống nuôi con. Thầy tôi buồn bã nhìn tôi không nói. Tối đến, thấy tôi gói ghém quần áo sách vở, chị đến ngồi bên tôi khóc rấm rứt.

- Em đi thật à?

- Em đi, để nhà mình bớt một miệng ăn. Sang đó em vừa đơm khuy thùa khuyết giúp dì vừa đi học.

Dì tôi làm thợ may. Chị ôm lấy tôi òa khóc.

- Em ơi! Mẹ vừa mất, em lại đi nhà vắng vẻ thế này chị chịu sao nổi. Em ở nhà với chị có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Nghe chị nói tôi cũng khóc, mấy đứa em cũng khóc theo. Con bé bảy tháng tuổi mất mẹ khóc như tiếng mèo kêu nghe xót cả ruột. Thương chị tôi đành ở nhà. Rồi chị xin phép thầy tôi cho gọi ông phó cối đến, nhờ ông đóng cho một cái cối tân, tra cái cần dài bằng tre đực. Nhà không có tiền chị phải đi vay để có cái cối xay. Mấy chị em xoay ra làm hàng xáo. Chị sang nhờ dì tôi cấp vốn. Do sáng dạ, chị đã biết khảo thóc khi đong, lại khéo tay xay giã dần sàng. Tiếng cối kêu ù ù suốt ngày dưới nhà ngang. Sáng sáng chị đi chợ bán gạo đong thóc. Chúng tôi đi học về lao vào xay giã. Tối đến nếu không khâu vá hai chị em tôi cầm cần xay có khi xay hết mấy thúng thóc mới đi ngủ. Làm hàng xáo lời lãi không nhiều nhưng có tấm ăn, có cám nuôi lợn, có trấu để đun. Chúng tôi được “no cơm tấm, ấm ổ rơm” nhờ sự tháo vát của chị.

Khi đàn em đã khôn lớn, thầy tôi khuyên mấy lần chị mới chịu đi lấy chồng. Chị nghe theo cũng là vì cha, chị không muốn cha già nghĩ ngợi. Nền nếp xưa nay, trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, bố mẹ mới yên tâm. Vắng chị cái cối tân ngày nào bật vành long ngõng, có muốn cạp lại cũng khó. Lâu ngày không xay, cối một nơi tràng một nẻo. Những chú gà què không còn quẩn quanh bên cối xay, bới rỉa vung vãi ra nữa. Khi tôi đi bộ đội về không thấy cối đâu. Cái máy xát đầu làng đã chiếm chỗ những chiếc cối xay cối giã vành tre răng gỗ, nhưng tôi không bao giờ quên những đêm xay lúa giã gạo với chị.

*

Ðêm nay, tôi đang ngồi bên người đàn ông của chị. Anh Vệ quốc quân hát hay đàn giỏi, hình ảnh in đậm trong đầu óc cô thôn nữ suốt một đời. Nghe Huy kể tôi thấy thương anh, thương chị, thương anh rể tôi vô cùng. Người được phần hồn, kẻ được phần xác, chẳng ai trọn vẹn. Kết thúc chín năm kháng chiến, Huy được chọn đi công tác ở nước ngoài, khi về nước lại nhận lệnh vào ngay chiến trường. Tôi và các anh em đang ngồi bên tác giả bài Ðò Ðưa. Huy mời tôi ngồi xuống cánh võng của anh. Hai anh em cùng hát bài Ðò Ðưa, anh bập bùng chiếc ghi-ta. Tiếng đàn tiếng hát của anh theo chân chúng tôi ra chiến trường. Giờ này ở hậu phương chắc chị tôi cũng đang hát bài này. Càng nhớ anh, nhớ tôi, chị càng hát nhiều.

Qua chiến dịch mùa khô chúng tôi lên rừng, trong đêm giao thừa tình cờ tôi gặp lại anh. Ðội văn công xung kích của Huy đến đơn vị tôi lần này để cùng vui tết với các chiến sĩ. Những người nghe anh đàn hát dạo trước, nhiều người đã không còn. Người giới thiệu anh với đơn vị là tôi - vì chính trị viên phó Phùng Văn Thọ bị thương vào đầu đang nằm quân y viện. Hai anh em chúng tôi lại hát bài Ðò Ðưa. Tiếng đàn của anh đằm thắm sâu lắng hơn sau những ngày lăn lộn ở chiến trường với chiến sĩ. Ðón giao thừa không có bánh chưng, hoa đào, chỉ có hoa rừng và những phong lương khô bảy linh một, bảy linh hai. Huy cũng không còn thuốc lá Ðiện Biên bao bạc, anh mời tôi điếu Salem chiến lợi phẩm. Rít thuốc với nước củ rừng sao vàng và nhấm nháp mẩu lương khô. Chợt nhớ về tết hậu phương, giờ này thày tôi đang cúng giao thừa. Các em tôi tỉnh dậy đốt pháo. Chị tôi đã sang tết thày chưa? Mùa xuân này chị còn đi hát nữa không?

- Chị nhà anh làm gì?

Tôi bỗng ngẩng lên hỏi Huy.

- Nhà tôi làm cô giáo dạy nhạc. Cưới nhau được hai tuần thì tôi vào trong này.

- Chị ấy có tin vui chưa?

Huy lắc đầu.

- Không nhận được thư nhà nên không biết thế nào.

Chúng tôi xa nhà hơn một ngàn cây số. Những người đàn bà suốt đời chờ đợi, nuôi con nuôi mẹ già một mình...

Qua giao thừa, sắp tàn buổi chuyện trò, tôi đột ngột hỏi Huy một câu khiến anh bất ngờ.

- Kết thúc chiến tranh nếu còn sống anh có về vùng quê tìm chị ấy không?

- Mình sẽ về quê cậu nhưng không phải để tìm cô ấy. Dù sao mọi chuyện cũng đã muộn rồi. Chúng mình không thể làm khổ những người đàn bà mãi. Hãy để cho họ được yên.

- Nhỡ người đó vẫn chờ đợi anh thì sao?

Anh không đáp, nhìn ra xa, buông một tiếng thở dài.

*

Hết chiến tranh tôi khoác ba-lô về nhà. Chuyện trò với bố già, lũ em và hàng xóm láng giềng đến hỏi thăm xong, tôi nhao ngay sang nhà chị tôi. Người nhìn thấy tôi trước là anh rể. Vừa nghe anh kêu tên tôi, chị lật đật chạy từ trong nhà ra, ôm lấy tôi chị khóc “Em ơi! Thế mà người ta bảo em hy sinh rồi làm cả nhà khóc em suốt đêm. Sau đêm đó tóc thày bạc thêm đến mấy phần.” Tôi ngơ ngác, chính tóc chị tôi cũng bạc, chị già đi mau quá, mới chưa đầy mười năm. Mười năm chị chờ tin tôi, hai mươi năm chị chờ tin anh ấy. Chị lau nước mắt bằng ống tay áo phin gụ rồi lại chui vào bếp. Suốt bữa ăn chị hỏi tôi bao nhiêu chuyện, thăm bao nhiêu người cùng quê đi chiến trường, nhưng không dám nhắc đến tên anh nhạc sĩ. Phần tôi cũng muốn khoe chuyện tình cờ gặp gỡ anh như một món quà quý giá nhất có thể dâng lên chị. Nhưng tôi nên kể nó ra hay giữ kín trong lòng? Chị tôi đang sống êm đềm với anh giáo như bao đôi vợ chồng chỉ có hôn nhân. Hãy để cho chị tôi giữ nguyên hình bóng Huy với bài hát Ðò Ðưa và những giấc mơ của chị. Liệu như thế có hay không?