“Nguyễn Hiến Lê theo Nguyễn Q. Thắng”




Sinh năm 1912, mất năm 1984. Hiệu Lộc Đình. Quê làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây. Gia đình Nho học, yêu nước. Thân phụ và bác ruột theo phong trào Duy Tân ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp tìm bắt, phải trốn vào Nam.

Năm 1934, sau khi tốt nghiệp ở trường Cao đẳng Công chánh (Hà Nội), Nguyễn Hiến Lê được bổ vào làm việc ở miền tây Nam bộ. Từ đó đến khi mất, ông luôn sống trong Nam. Năm 1945 ông bỏ nghề công chức, bắt đầu dạy học. Năm 1952 ông thôi dạy, lên Sài Gòn, tập trung viết sách.

Nguyễn Hiến Lê bắt đầu viết từ năm 1935, nhưng đến năm 1954 mới in tác phẩm đầu tiên là cuốn du ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Đến năm 1975 ông đã xuất bản được tổng cộng 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, sau 1975 lại viết được thêm khoảng 20 quyển nữa.

Chủ đề và tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp trước tác của Nguyễn Hiến Lê:

- Văn học: Hương sắc trong vườn văn (1962), Đại cương văn học sử Trung Quốc (1954-1966) v.v.

- Ngôn ngữ học: Để hiểu văn phạm (1952), Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (1963) v.v.

- Triết học: Đại cương Triết học Trung Quốc (1966), Bertrand Russell (1971) v.v.

- Sử học: Lịch sử thế giới (1955), Sử Trung Quốc (1982) v.v.

- Cảo luận: Nghề viết văn (1956), Vấn đề xây dựng văn hóa (1967) v.v.

- Du ký: Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (1954), Đế Thiên Đế Thích (?) v.v.

- Dịch thuật: Chiến tranh và hòa bình (1968), Cổ văn Trung Quốc (?) v.v.

Ngoài ra, ông còn viết nhiều sách thuộc các loại Gương danh nhân, Giáo dục, Tự luyện trí đức.

Năm 1973 Nguyễn Hiến Lê được nhà nước Miền Nam tặng giải Tuyên dương sự nghiệp văn hóa, nhưng ông không nhận.


(Theo “Vài nét về học giả Nguyễn Hiến Lê” của Nguyễn Q. Thắng, in trong
Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Hóa, 1996)