Tình cờ, hay văn công nấp sẵn trên đỉnh đèo để phục kích động viên tinh thần bộ đội? Dù sao, chuyện chính ở đây là chuyện xảy ra lâu rồi, của chỉ đúng một người. “Người đâu gặp gỡ làm chi”... (TT)



Trịnh Đình Khôi, “Ðò đưa” (1)




Qua được dốc Cẩm Vân lên đỉnh đèo gió, tai mũi cánh lính chúng tôi thi nhau thở. Súng đạn ba-lô bao gạo đè gập xuống những lưng áo bết mồ hôi. Là cán bộ, tôi phải trở lại giúp tiểu đội anh nuôi vác nồi niêu xoong chảo. Những gương mặt lính đỏ bừng, tóc ướt như vừa gội đầu xong. Kể cả những tay to mồm nhất đại đội cũng không cất nổi tiếng cười, tiếng nói. Anh nào anh nấy chân duỗi dài, lưng dựa vào ba-lô thở dốc.

Không biết từ đâu một tổ tam tam, một nam hai nữ xuất hiện. Người đàn ông ôm cây đàn ghi-ta đi cạnh hai cô gái. Anh Thọ, chính trị viên phó đại đội người nhỏ thó nhưng giọng rất vang giới thiệu anh nhạc sĩ và hai cô ca sĩ trong tổ văn công xung kích. Không ai tin được những cô gái chân yếu tay mềm lại leo được lên đây. Trên vai họ cũng ba-lô con cóc. Hai cô gái hát những bài chung theo chương trình, rồi hát theo yêu hcầu. Lính trẻ vây quanh vỗ tay hát theo. Tôi ngồi đứng không yên từ lúc nghe tên anh nhạc sĩ. Một ý nghĩ vụt đến, tôi lân la đến bên anh rụt rè "Thưa anh, em muốn nghe một làn quan họ". "Ðược thôi". Anh ghé tai một trong hai cô. Cô gái có dáng người thon thả vừa dứt bài Người Ơi Người Ở Ðừng Về tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Một anh trong tiểu đội trinh sát xung phong hát song ca với cô bài Chưa Hết Giặc Là Ta Chưa Về, không còn là song ca nữa, cả đơn vị đồng ca. Tiếng hát rung chuyển cả cánh rừng lộng gió, tiếng hát bay lên trời là xuống biển, át cả tiếng lá đổ bên tây, tiếng sóng vỗ bên đông Trường Sơn. Chúng tôi hát vang bài ca ra trận trên đỉnh Trường Sơn. Mấy anh quê Thái Bình, Hải Dương còn đề nghị các cô văn công hát chèo cho nghe. Kết thúc buổi biểu diễn, anh nhạc sĩ lại gần tôi hỏi:

- Này anh bạn, cậu quê quan họ à?

Tôi gật đầu. Vâng.

- Ở vùng nào đấy?

- Em ở bờ sông Ðuống.

- Vậy à?

Anh ngồi thừ ra một lát rồi lôi bao thuốc, rút một điếu đưa cho tôi. Ở chiến trường mà được thấy Ðiện Biên bao bạc mắt anh nào chả sáng lên. Trên đỉnh đèo gió lạnh, được hơi thuốc thật dễ chịu. Tôi rít từng hơi nhưng rồi lại muốn kéo từ từ để hưởng cái hương vị quê hương thơm nồng. Cánh lính chiến trường hồi đó cứ nhớ miền Bắc từng tí một, qua lá thư, qua mẩu tin trên đài, qua vỏ diêm Thống Nhất, vỏ bao thuốc Thăng Long, Ðiện Biên, Tam Ðảo. Những cái tên như máu thịt mình, bâng khuâng xao xuyến muôn lòng.

Chiều đó anh nhạc sĩ vừa đàn vừa hát bài Ðò Ðưa cho tôi nghe, tôi cũng hát theo anh. Anh ngạc nhiên nghe tôi hát thuần thục.

- Ai dạy cậu bài này?

- Một chị phụ trách thiếu nhi dạy cho từ khi em còn thò lò mũi.

- Tên cô ấy là gì?

Ðịnh nói tên chị gái nhưng tôi kịp ngừng.

Láu cá, tôi muốn biết anh nhạc sĩ có còn nhớ tên chị tôi không.

- Em có nói tên, anh cũng chẳng biết.

- Ờ... cũng là tò mò thôi.

Anh nhạc sĩ lảng tránh.

Chúng tôi quay sang chuyện chiến trường, chuyện hành quân. Anh nhạc sĩ vui vẻ cởi mở thật dễ gần. Tối đến ánh trăng rải trên cây lá, in hoa văn trên mặt rừng, trên võng lính. Nghe tiếng đàn của anh, đám lính trẻ lại xúm đến. Trên đỉnh Trường Sơn đêm nay chúng tôi đón gió biển hát vang những bài ca chiến sĩ. Ðêm khuya, khi anh em đã vùi đầu trong võng ngáy pho pho, hai anh em tôi còn rì rầm trò chuyệ. Anh nhạc sĩ đối với tôi như một người anh, gần gũi thân thiết. Dường như trong lòng anh còn đầy ắp kỷ niệm những ngày ấy. Chuyện anh kể mới mẻ như vừa mới xảy ra. Chiến tranh, bom đạn, chia ly, đợi chờ...

*

Mười tám năm trước, trận đánh bốt Á Lữ bờ nam sông Ðuống quân ta san được đồn, giải phóng được dân nhưng thương vong cũng lớn. Trời đêm tháng chạp âm u, những người lính hy sinh được chôn cất ở cánh đồng Lệ Chi. Số bị thương được đưa lên đò chở sang bờ bắc. Những chiếc thuyền nan thuyền thúng rậm rịch suốt đêm. Trong đêm tối bộ đội tản mác mỗi người một nơi. Huy là người lính cuối cùng rút khỏi trận địa. Mảnh đạn pháo xé rách đuôi mắt phải, chạm vào con ngươi. Một tay bưng mắt, tay kia ôm chặt khẩu súng, Huy lê từng bước trên cánh bãi mênh mông. Khi những người lính đã qua đò hết, Huy mới ra tới bờ sông. Ðêm tối im lặng, anh ngồi dựa vào những cây dâu ngóng đò. Từ hốc mắt máu rỉ ra ướt đẫm nửa khuôn mặt, chảy xuống cổ, vai. Huy xé ống tay áo băng vết thương rồi chùi bàn tay máu dính nhơm nhớp xuống cỏ. Anh bứt nắm lá dâu bánh tẻ lau lên má lên mặt. Từ lòng sông một cơn gió lạnh tràn vào, Huy run lên cầm cập, trong khi miệng khát khô. Anh muốn cất tiếng gọi đò nhưng không sao gọi được. Ðang lơ mơ nửa thức nửa ngủ vì mệt và khát, Huy bỗng nghe thấy tiếng ai hát. Tiếng hát thoảng trong gió, từ bờ bắc vọng sang. "Người về em chẳng cho về", tiếng một cô gái. Huy cố ngẩng đầu gọi với sang phía có tiếng hát "Ðò ơi". Tiếng hát im bặt. Anh cố lấy hết sức gọi to một tiếng nữa rồi gục đầu vào thân cây dâu già. Trước mắt Huy như có hàng đàn đom đóm bay lên bay xuống. Bỗng tiếng nước bì bõm dưới mái chèo khua trên mặt sông làm Huy tỉnh hẳn. Trong đêm tối một chiếc thuyền hiện ra, lao nhanh về phía bờ nam. Bóng người lái đò mảnh mai như nét vẽ in trên nền trời mờ mờ. Huy mừng quá, lê từng bước chầm chậm ra bờ sông. Tiếng hát khe khẽ nghe rất gần mà nhích mãi không tới. Tiếng sóng ì ọp xô bờ, con đò cập bến. Người con gái trên đò đã thấy anh. "Anh bộ đội phải không?" "Vâng tôi đây". Nhìn rõ Huy băng nửa mặt, cô gái gác mái chèo nhảy xuống đỡ anh lên đò. Cô gái có gương mặt trái xoan, đôi mắt lấp lánh sáng. Hai người e lệ nhìn nhau.

Huy được đưa về nhà tôi. Cha tôi là một thầy thuốc, đêm ấy ông đã sơ cứu cho tất cả thương binh trước khi họ được chuyển về tuyến sau điều trị. Cả đơn vị đã rút về chân núi Chè, nơi trú chân của tiểu đoàn Thiên Ðức. Thầy tôi phục thuốc cho người lính Vệ quốc đoàn. Ðang thời trai trẻ, Huy hồi phục rất nhanh.

Chú tôi là thầy giáo hương sư, ông nổi tiếng đàn ngọt hát hay nhưng đã mất cách đó dăm năm. Trong các thứ chú để lại có một cây đàn ghi-ta đặt trên nóc tủ bụi đã phủ dày. Chị tôi được bà thím cho mượn, lúc nhàn rỗi chị tập đàn. Bàn tay búp măng của chị múa lượn trên những dây đàn, bọn trẻ con chúng tôi tròn xoe mắt thán phục. Nhìn chiếc đàn treo trên vách, mắt Huy sáng lên. Chị tôi biết ý với lấy cây đàn nâng hai tay đưa cho anh. Mỗi lần nghe Huy vừa đàn vừa hát chị tôi âm thầm đứng trong cửa buồng len lén nhìn anh ngây dại. Năm ấy chị tôi mới mười sáu tuổi.

Chị đẹp nhất làng, lại con gái nhà khá giả nên nhiều anh trai làng ngấp nghé. Bố mẹ họ đánh tiếng mối mai, thầy tôi chỉ lắc đầu không nói còn u tôi tỏ vẻ khó chịu. Nhiều người đi lại dai dẳng khiến bà bực mình "Tôi thừa con gái mà gả cho nhà họ". Ngày xưa dựng vợ gả chồng cho con xem nặng chuyện môn đăng hộ đối, ít có cảnh đũa mốc chòi mâm son. Chị tôi không chỉ đẹp mà còn được cả cách ăn, nết ở, giọng nói bước đi. Riêng ngón đàn giọng hát thì không thể chê. Mỗi năm xuân đến, làng mở hội, tiếng hát của chị làm chết mê chết mệt đám khách Hà Thành về dự hội. Chị nổi bật giữa những liền chị. Những đêm trăng, gội tóc bằng lá sả, hương nhu, chị phải đứng trên chiếc ghế đẩu để quay tóc. Có lần anh hàng xóm vạch rào nhìn chị chải tóc bị bắt quả tang. Ðược chị hỏi han vài câu, anh đi khoe khắp làng. Xuân về chị thường mặc áo mớ bảy mớ ba, đội nón thúng quai thao đi hội. Nước da trắng nõn nà, đường cong con gái dậy thì hút hồn đám đàn ông. Nhưng chị chẳng để ý đến ai.

Từ khi có Huy trong nhà, chị tôi hay xấu hổ và thích trang điểm. Thỉnh thoảng u tôi đi chợ, thầy tôi lên lớp hoặc đi thăm bệnh nhân, chỉ có hai người ở nhà, anh mới dám chuyện trò với chị. Chị không nói gì chỉ vâng dạ, hai tay mân mê vạt áo. Huy bồn chồn xao xuyến đến mất ngủ mỗi khi được trò chuyện với chị.

Ðang lúc hai người đắm đuối mải mê thì Huy được lệnh trở về đơn vị. Vết thương trên da thịt Huy đã lành nhưng nỗi đau trong đôi trai gái bắt đầu từ đó. Tiễn anh đi rồi chị tôi hẫng hụt như vừa mất vật gì quý giá lắm. Chị vào buồng, gục đầu xuống gối. Nước mắt bết suối tóc, thấm đẫm khăn tay.

Cho đến bây giờ, ngồi nói chuyện với tôi trên đỉnh Trường Sơn, Huy kể vẫn chưa gặp một người con gái nào để lại được trong anh một ấn tượng sâu đậm gần bằng chị. Chuyện thực mà cứ như mơ. Trong đời có lẽ chẳng ai đẹp ai hiền ai yêu anh ngây thơ chân thành như chị. Vì thế bao nhiêu năm sau anh mới lấy vợ.


(còn tiếp)