“Nỏ (…) do người Thục truyền cho”, tức người Lạc Việt vốn không có nỏ. Biết đâu chính nhờ có nỏ mà Thục Phán thắng Hùng Vương thứ 18…

Thục Phán thành An Dương vương rồi lại nhờ có nỏ mà chống được Triệu Ðà, rồi Triệu Ðà nhờ có nỏ (“học lóm”) mà thắng An Dương vương...

Trong mấy thế kỷ qua, Tây nhờ vũ khí tối tân mà làm Trời…

Chớ tụt hậu về chất lượng vũ khí.
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Nỏ là vũ khí tối tân”




Triệu Ðà đã xâm lược nước Âu Lạc thế nào? Ngoài truyền thuyết Nỏ thần nói đến cuộc chiến tranh giữa Triệu Ðà với An Dương vương và sự thắng lợi của Triệu Ðà, thì sử cũ cũng như thư tịch Trung Quốc không cho chúng ta biết cụ thể cuộc xâm lược đã xảy ra thế nào. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể bằng vào sự ghi chép của Sử ký mà đoán rằng Triệu Ðà định dùng binh lực, nhưng không xong, lại phải dùng thêm mưu mô lừa phỉnh để xâm chiếm nước Âu Lạc. Theo ý nghĩa lịch sử của truyền thuyết của ta, chúng ta có thể đoán rằng, trước khi mắc mưu mà phải qui phục Triệu Ðà, người Lạc Việt đã chiến đấu rất kịch liệt, đặc biệt là dùng nỏ là một vũ khí họ rất sở trường do người Thục truyền cho. Trong những mưu mô Triệu Ðà đã dùng thì có việc sai người sang làm gián điệp ở Âu Lạc để dò xét tình hình và học lóm phép chế nỏ và bắn nỏ, do đó mà phá được ưu thế kỹ thuật của Âu Lạc.


(Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, in lần đầu năm 1955, in lần 2 có sửa chữa năm 1957, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, tái bản năm 2002. Nhan đề tạm đặt.)