Nguyễn Việt, “Nha chương xóm Rền 2006”



“Nha chương” là tên gọi loại hình hiện vật đá quý xuất hiện phổ biến trong nghi lễ đời Thương Chu ở Trung Quốc.

Hiện vật này có hình vừa như một thanh kiếm vừa như một lưỡi qua đá, gồm hai phần: Đốc ngắn, lưỡi dài, được ngăn bằng mấu ngang như chắn tay kiếm vậy. Mũi nha chương không nhọn mà mài cong vát lệch.

Theo sử cũ giải thích thì nha chương hay chương là một lễ khí chứ không phải là công cụ hay vũ khí bình thường. Các Hoàng đế Trung Hoa khi cử sứ giả đi thần phục chư hầu hay các bộ tộc lân bang thường ban kèm theo nha chương để phủ dụ và làm quà tặng người đứng đầu nước đó hay bộ tộc đó. Chính vì vậy, nơi phát hiện nha chương thường gắn với nơi ở hoặc chôn cất vua hay thủ lĩnh.

Nha chương phân bố rất rộng, ngoài Trung Quốc cổ đại thì phía tây đến gần giáp Trung Á, phía đông đến Triều Tiên, Nhật Bản, phía bắc đến vùng Nội Mông và phía nam đến miền bắc Việt Nam.

Hiện tại, nha chương mới chỉ phát hiện được 2 tiêu bản ở địa điểm Phùng Nguyên và 6 tiêu bản ở xóm Rền, đều thuộc tỉnh Phú Thọ.

Cho đến nay đã phát hiện ở xóm Rền 6 chiếc nha chương nguyên vẹn, không kể những mảnh vỡ nha chương phát hiện rải rác trong tầng văn hóa.

Hình ảnh xa hoa lộng lẫy của những nha chương này khiến tôi liên tưởng đến những cuộc thăm viếng của những người khách sang trọng từ một vùng rất xa đến nơi đây từ gần 4000 năm trước.

Hoặc ngược lại, là cuộc viếng thăm của chủ nhân xóm Rền đến những nơi rất xa để có thể đưa về những chiếc nha chương đẹp và lạ kỳ này.

Sử sách xưa đã từng ghi nhận những cuộc viếng thăm phải qua 7 lần thông dịch như vậy. Nhưng dù là khách đến hay chủ đi thì những nha chương ở xóm Rền vẫn phản ánh một sự thực là chúng phải thuộc về một nhân vật đặc biệt trong xã hội Phùng Nguyên.

(...)

Một ngày cuối đông năm 2006, trong quá trình đào đất trong vườn, một gia đình nông dân ở xóm Rền đã bắt gặp những vòng trang sức bằng đá màu trắng ngà ở độ sâu chừng 80cm. Đã trải qua 5 cuộc khai quật kéo dài từ 1968 đến nay, những người dân xóm Rền từng quen với công việc của các nhà khảo cổ, họ đã kịp thời thông báo cho cơ quan bảo tàng tỉnh Phú Thọ đến nghiên cứu và thu thập toàn bộ những hiện vật đó.

Dựa vào lời kể của những người trực tiếp phát hiện và hiện trạng di tích, di vật, Bảo tàng tỉnh Phú Thọ đã phục dựng lại hình dáng ngôi mộ như sau: Người chết được nằm song song với sườn đồi, trên mặt bằng rộng chừng một mét, dài 2,4m (phạm vi phân bố hiện vật tùy táng). Dấu vết xương còn rất mờ nhạt (...)

Quanh cổ người chết vương vãi 85 khoanh và ống hạt chuỗi. Phía bên trên cụm hạt chuỗi, ở vị trí hai tai vẫn còn nguyên 19 mảnh vòng tai làm bằng đá ngọc màu trắng ngà, hình vành khuyên có rãnh khía dùng để đeo tai. Đây là loại vòng có bản rộng, dẹt hình chữ nhật. Chúng được đặt thành một cụm bên tai người chết gần như chạm với đốc của chiếc nha chương dài. Dọc hai bên ở vị trí cánh tay có 4 chiếc vòng mặt cắt hình chữ T sang trọng.

Cùng song song với đoạn cánh tay đeo vòng là hai chiếc nha chương, một chiếc dài 62cm, chiếc kia ngắn hơn (32cm) còn nguyên vẹn làm bằng loại đá ngọc màu trắng ngà có những đường gân xanh nhạt. Chiếc nha chương dài rất giống chiếc đã phát hiện cách nơi đào được lần này chừng 100 mét về phía nam. Chúng thuộc loại hình tiêu biểu cho những chiếc đẹp nhất đã phát hiện được ở Trung Quốc. Chiếc nha chương thứ hai có lẽ bị cắt một phần ở chuôi. Mảnh đá cắt ra cũng nằm trong ngôi mộ.

Ngoài ra, người chết còn mang theo một chiếc rìu đá hình chữ nhật.

Trong bình tuyến Phùng Nguyên chưa bao giờ các nhà khảo cổ học bắt gặp một ngôi mộ mang theo nhiều đồ tùy táng có giá trị đến như vậy.

Như chúng ta đã từng thấy ở ngôi mộ “thủ lĩnh” Mán Bạc, đồ vật mang theo quý giá nhất là chiếc vòng tay bằng đá xám xanh có mặt cắt hình chữ T. Đây là loại vòng tay rất (...) khó làm (...) mất công hơn chiếc vòng thông thường hàng vài chục lần.

Vậy mà chủ nhân ngôi mộ xóm Rền 2006 đã có tới 4 chiếc nguyên vẹn, lại được làm bằng loại đá ngọc trắng ngà rất được quý tộc Thương Chu ưa chuộng. Không những thế, số đồ trang sức trên tai và cổ người chết lên tới hơn 100 hiện vật đá (85 thỏi, khoanh chuỗi cổ và 19 tiêu bản vòng tai).

Hiện vật giá trị nhất là hai chiếc nha chương. Chỉ riêng trọng lượng đá ngọc của hai nha chương đã nặng gần 900 gram. Chúng được mài, cưa, tiện rất cầu kỳ, nhất là ở phần chắn ngang lưỡi và đốc cũng như những đường rãnh khắc chìm chạy quanh rìa lưỡi và chặn ngang chắn tay cầm. Sự giàu có của chủ nhân và sự hiếm hoi, sang trọng của hai chiếc nha chương chôn cùng cho phép đoán định rằng đây không chỉ là ngôi mộ thủ lĩnh của riêng xóm Rền mà còn là mộ thủ lĩnh đại diện cho cả thế giới Lạc Việt ở Lĩnh Nam.


(Trích bài đăng trên trang
qdnd.vn)