Hoàng Xuân Hãn cho biết: “Những ý trong đoạn này đều bởi diễn giả (người dịch) đặt ra, nguyên văn (của Đặng Trần Côn) chỉ vỏn vẹn một câu”!

Trần công tử đã ít nhất tuổi thiếu niên, sao lại dùng từ “đồng ấu” nhỉ?

(Thu Tứ)



Khuyết danh, Bích Câu kỳ ngộ (2.2)




Triều Lê đang hội thái hòa
Có Trần công tử tên là Tú Uyên
Phúc lành nhờ ấm thung huyên
So trong tài mạo kiêm tuyền kém ai
Thông minh sẵn có tư trời
Còn khi đồng ấu, mải vui cửa Trình
Trải xem phong cảnh hữu tình
Lâm tuyền pha lẫn thị thành mà ưa
Trên gò, chùm một lều thơ
Lau già chắn vách, trúc thưa rủ rèm
Thừa lưa phách bướm ca chim
Nửa song đèn sách, bốn thềm gió trăng
Của chung lưu loát đâu bằng
Chứa kho vàng cúc, chất tằng tiền sen
Khắp so trong cõi Ba nghìn
Yên hà riêng nửa, lâm tuyền chung đôi
Thú vui, bốn báu thêm vui
Khắp trong bể thánh, đủ ngoài rừng tao.







_________
Chú giải của Hoàng Xuân Hãn:
“Thung huyên”: cha mẹ. Chính âm là xuân huyên.
“Thông minh sẵn có tư trời”: lấy ở
Kiều.
“Chùm”: chữ nôm viết với phần âm “sum”, vì tiếng cổ là “slum”, nghĩa là góp nhiều mảnh lại để làm thành một vật gì để che.
“Thừa lưa”: có nhiều lắm, dùng không hết.
“Phách bướm”: đây nghĩa là đánh nhịp.
“Lưu loát”: cũng như thừa lưa, nay ta dùng với nghĩa trôi chảy, không ngập ngừng.
“Bốn báu”: bút, mực, giấy, nghiên, thường gọi là “văn phòng tứ bửu”.