“Nam Cao qua bà Trần Thị Sen”




Chồng tôi hơn tôi một tuổi. Anh là con trai cả của một gia đình đông anh em, sau anh còn có bốn em trai và ba em gái. Nhà anh thuộc loại nghèo trong làng. So với các em, anh được học hành nhiều hơn cả (...)

Chúng tôi cưới nhau ngày 2/10 thì ngày 2 tháng chạp nhà tôi đi Nam (...) Nhà tôi vào Nam được đúng ba năm thì ra, do bị ốm. Lần ấy anh ốm nặng, bệnh tim và tê thấp. Trên đường về phải bán từ bộ quần áo để có tiền ăn đường. Khi anh về đến nhà, tôi phải bán đôi khuyên vàng là của hồi môn và vay mượn thêm để chạy chữa thuốc thang cho anh. Hàng năm trời bệnh mới thuyên giảm. Hai năm sau, kể từ khi anh về, tôi mới có thai đứa con đầu lòng (...) Tôi mang thai được hai tháng thì chồng lại đi xa, lần này anh ra Hà Nội tìm việc làm. Được ít lâu, anh nhắn tin về là đang dạy học thuê cho người anh họ mở trường tư ở Hà Nội (...)

Tôi sinh con đầu lòng vào ngày 20 tháng 9 năm 1938 (...)

Nhà tôi, như các cụ ngày xưa bảo: "Ai ơi! Chớ lấy học trò..." Mọi việc lớn trong nhà như tậu ruộng, làm nhà anh thường bảo tôi cứ việc quyết định, chỉ cần bảo qua với anh thôi (...)

Tôi sinh con thứ ba vào năm 1944: cháu Bình Yên. Đặt tên con là Bình Yên, có lẽ nhà tôi hy vọng về một cuộc sống thanh bình. Nhưng nào có ai ngờ, ngay sau đó, những nỗi bất hạnh liên tiếp ập xuống gia đình chúng tôi. Đầu tiên là Nhật chiếm trường Công Thanh, nhà tôi mất việc làm. Sau đó là cháu Bình Yên đã bỏ chúng tôi mà đi sau một trận kiết lị. Hôm cháu mất, nhà tôi đi vắng. Anh vẫn còn quanh quẩn ở Hà Nội, sống nương nhờ bạn bè. Chôn cất cháu xong, mấy mẹ con tưởng cũng không sống qua khỏi được trận đói năm 1945. Quê tôi lúc đầu còn sống nhờ rau và quả chuối; sau thì ăn bẹ cây chuối rồi đào củ chuối lên mà ăn. Làng quê xơ xác. Người chết đói đầy đường. Mấy mẹ con tôi sống nhờ cháo rau má (...)

Tháng 5-1945, chồng tôi từ Hà Nội về. Quá trưa anh tới nhà. Vào nhà anh gieo luôn mình xuống chiếc võng nằm chết lặng đi, không thốt lên được lời nào. Đêm đó, nằm bên nhau, tôi không sao nén nổi nên khóc òa lên. Tôi khóc tức tưởi một lúc thì nghe nhà tôi khẽ khàng nói: "Thôi mình đừng khóc nữa, được như vậy cũng là phúc lắm rồi. Tôi cứ tưởng, lần này về không còn được nhìn thấy vợ con đâu nữa vì chết đói hết cả rồi." Sau đó anh kể cho tôi nghe, anh ở Hà Nội đã được anh Khôi và các bạn bè khác cưu mang ra sao. Anh nói: "Không có các anh ấy giúp đỡ thì nay tôi cũng chả còn mang được xác về đây với mình đâu." (Về sau, anh Khôi trở thành anh vợ nhà văn Tô Hoài.) Lúc trước, nhà tôi hay đưa bạn về chơi nhà, anh Tô Hoài hay về chơi hơn cả. Có lần anh ở lại hàng tháng. Tính anh dịu dàng, vui vẻ (...)

Nhà tôi về lần ấy rồi ở nhà luôn. Vài tháng sau thì Cách mạng bùng nổ, ta cướp chính quyền. Nhà tôi tham gia công tác ở quê nhà, làm chủ tịch xã, công việc vùi đầu, suốt ngày hội họp, diễn thuyết trong các cuộc mít-tinh... (...) Tháng 2 năm 1946 tôi sinh cháu. Vừa đẻ được vài tháng đã phải ôm con đi tản cư (...)

Vợ chồng chúng tôi ít khi được sống gần nhau, cho nên những lúc được ở bên nhau, cảm thấy quý giá vô cùng. Thỉnh thoảng tranh thủ đến chỗ tản cư thăm vợ con, anh rủ tôi dắt các con ra rặng tre, rặng nhãn: tôi ngồi nối sợi thuê, anh nói chuyện linh tinh, các con nhặt lá để thổi cơm. Chỉ có vậy mà cảm thấy thật hạnh phúc (...)

Ở Đồng Nhuệ được hơn một năm thì nhà tôi phải đi xa. Trước khi đi, anh đưa mẹ con tôi tản cư xa hơn. Anh bảo: "Ở đây tôi đi xa rồi, Tây nó tràn đến mẹ con không dắt díu nhau mà chạy được, tôi đưa mẹ con vào Thanh Liêm ở." (...) Đến Thanh Liêm mẹ con tôi ở nhờ nhà bà cụ Xoan. Cụ chỉ có một mình, nhà cửa xiêu vẹo nhưng cụ rất tốt, coi chúng tôi như con cháu trong nhà (...)

Đưa mẹ con tôi vào đến nơi ở mới xong là chồng tôi đi Việt Bắc, từ đó tôi một mình làm đủ mọi nghề để nuôi ba con nhỏ. Cuối năm 1949 nhà tôi có về chỗ mẹ con một lần (...) Lần ấy nhà tôi ở lại được vài ngày. Lúc đi, anh bảo tôi tiễn anh một đoạn. Hai vơ chồng đi bên nhau, gặp gốc cây có bóng mát, anh bảo tôi ngồi xuống nghỉ một lát. Tôi ngồi xuống bên anh, anh trầm ngâm bảo: "Lấy tôi mình thật khổ, tôi ốm đau luôn, làm chả ra tiền để giúp mình, mọi việc trong nhà một mình mình phải lo liệu. Nay tôi lại phải đi xa, không biết bao giờ gặp lại vợ con. Mình có giận tôi không?" Tôi chẳng nói câu nào, lặng ngồi mà nước mắt cứ muốn ứa ra. Ngồi một lát chúng tôi lại đứng lên đi tiếp, lòng tôi nặng trĩu, thấy thương anh vô hạn. Tôi gắn bó với chồng tôi đến ngày đó là 16 năm. Tuy vợ chồng luôn luôn nghèo khó và ít được sống gần nhau nhưng anh rất mực yêu thương vợ con, ít khi anh nói nặng với tôi (...) Đi với nhau một đoạn đường nữa thì đến bến đò, trời cũng vừa xế chiều, nhà tôi bảo tôi: "Thôi mình về với con đi, kẻo chúng nó mong." Rồi nhà tôi xuống đò, tôi đứng lại, lòng nặng trĩu, lúc quay về chân tôi gần như khuỵu xuống, không còn muốn bước nữa. Nhà tôi về lần ấy tôi có mang cháu Thực. Đứa con mà mãi mãi không bao giờ được nhìn thấy mặt cha vì đấy là lần về nhà cuối cùng của nhà tôi, cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau (...)

Bao nhiêu vất vả, khổ đau, nhưng mẹ con tràn đầy hy vọng. Hy vọng vào một ngày kia, gia đình được đoàn tụ, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn (...) Vậy mà đột ngột tôi nhận được tin chồng tôi hy sinh! Lúc đó là vào cuối năm 1951 (...) Tôi đổ ốm một trận thập tử nhất sinh, bỏ bê mọi công việc, các cháu ngơ ngác như gà con mất mẹ. Mãi mấy tháng sau tôi mới gượng dậy được, lòng vẫn còn bàng hoàng không thể tin đó là sự thật (...)

Hòa bình được vài năm, gia đình tôi liên lạc thường xuyên được với Hội Văn nghệ Việt Nam nay là Hội Nhà văn Việt Nam. Các anh ở Hội và anh em bạn bè của nhà tôi quan tâm giúp đỡ việc học hành của các cháu và in tác phẩm của nhà tôi để có tiền cho tôi nuôi con (...) Đặc biệt tôi rất biết ơn anh chị Tô Hoài đã giúp đỡ tôi rất nhiều (...) Các anh Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân v.v. luôn coi tôi như người thân và cưu mang các cháu (...) Tỉnh Nam Hà và Hội Văn học Nghệ thuật Nam Hà cũng biểu lộ tình cảm và giúp đỡ chúng tôi về nhà ở... Tôi vô cùng cảm động trước những tấm lòng (...)


(Hồi ký
Những dòng kỷ niệm...)