“Văn hóa diễn biến thế nào”




Người xửa người xưa... “Nhân loại” đã có mặt tại khá nhiều nơi trên mặt đất, nhưng chưa biết ghè đá thành lưỡi rìu, chưa biết dùng lửa nướng thịt, chưa biết đeo... lá nho.

Lúc nào đó, loài người bỗng dưng biết cảm nghĩ. Văn hóa khai sinh.

Ban đầu coi như hoàn toàn biệt lập với nhau, nên mỗi cộng đồng “văn hóa” lên mỗi khác. Ban đầu người chỉ cải biến tự nhiên được chút đỉnh. Văn hóa lúc ấy, cơ bản, là khôn khéo lợi dụng tự nhiên. Người “ăn ở” linh động, dễ dãi. Hái lượm săn bắt được gì, ăn nấy. Hang hốc, bụi rậm, miễn tương đối an toàn, là “nhà”. Lợi dụng tự nhiên mãi, người lần hồi trở nên “lẩn thẩn”. Đây chính là chỗ độc đáo của người, vì các loài khác dù lặp đi lặp lại một nếp sinh hoạt nào đấy đến lúc tuyệt chủng, thì cũng không hề đâm ra nghĩ ngợi, rồi “vỡ lẽ” được điều gì cả. Người ăn nhiều quả rồi nẩy ý thờ cây; người ăn nhiều thịt rồi nẩy ý thờ thú. Người còn thờ thú do bị thú ăn thịt mình. Ghè đá thành lưỡi rìu để bổ quả, chặt xương là văn hóa; thờ cây, thờ thú cũng là văn hóa. Ghè đá là văn hóa vật chất; thờ cây thờ thú là văn hóa tinh thần.

Cái cách dùng chiếc rìu đá, bổ cái gì hay chặt cái gì, nó dần dà hình thành nếp cảm nghĩ của người dùng. Nhân loại lợi dụng tự nhiên để cải thiện vật chất, bị tự nhiên lặng lẽ đưa vào khuôn tinh thần. Mỗi môi trường tự nhiên, một khuôn.

Chắc chẳng bao lâu sau khi biết cảm nghĩ, loài người cũng khởi sự phát triển những thẩm mỹ quan. Vì nghệ thuật không ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến văn hóa nên loại hình văn hóa tinh thần này sẽ được bàn kỹ trong một bài riêng.

*

Văn hóa vật chất của nhân loại trì trệ ở mức cực kỳ thô sơ rất lâu. Người biết ghè đẽo đá cách nay ít nhất 2.600.000 năm. Người chỉ mới biết mài đá cách nay khoảng hơn 10.000 năm. Phải mất hai triệu rưởi năm kỹ thuật chế tác đồ đá mới tiến bộ được từ đẽo đến mài! Suốt khoảng thời gian dài dằng dặc ấy, văn hóa tinh thần chắc chắn cũng không phát triển bao nhiêu...

Khoảng mười hai ngàn năm trước, khi thời đại Băng Giá gần đây nhất chấm dứt, Cách mạng Vật chất I khởi sự.

Đang chỉ biết săn bắt hái lượm, loài người bỗng nhiên biết thêm nuôi thú, trồng cây, thuần hóa thú cây. Về dụng cụ, người bắt đầu làm đồ gốm, đồ đá mài, rồi cách nay khoảng 5000 năm, biết khai thác kim loại. So với những bước tiến “băng hà” thời trước, người như mang hia bảy dặm! Khắp nơi, liên tiếp ra đời hết văn minh nọ tới văn minh kia.

Quá trình thay đổi tự nhiên rồi bị tự nhiên đưa vào khuôn phép lần này cũng diễn ra gấp rút. Trước cách mạng, văn hóa tinh thần nơi nơi đều còn thấp nên không phân biệt đáng kể. Cách mạng vật chất bùng nổ, nhân loại rồi có người chuyên trồng kẻ chuyên nuôi kẻ nữa chuyên mua bán v.v. Lối kiếm ăn ảnh hưởng đến cảm nghĩ. Văn hóa tinh thần lớn rất nhanh và ở mỗi nơi theo một hướng riêng, dẫn tới phân biệt sâu sắc. Trong bóng tối tiền sử, những ý niệm, tin tưởng mơ hồ, rời rạc bắt đầu quá trình phát triển thành vũ trụ quan, nhân sinh quan. Triết lý, tôn giáo đua nhau chuẩn bị ra đời.

Trong khoảng 2.500 – 2.000 năm trước, tức độ 10.000 năm sau khi Cách mạng Vật chất I bắt đầu, một số triết lý, tôn giáo, cách tổ chức xã hội ra đời và sẽ ngự trị văn hóa tinh thần của nhân loại suốt đại khái 2.000 năm kế tiếp. Ngẫu nhiên, ở cả Đông phương lẫn Tây phương, các triết lý, tôn giáo, xã thuyết này rồi sẽ cản trở văn hóa vật chất tiếp tục phát triển.

*

Ở Đông Á, khoảng hơn 3000 năm trước bắt đầu lưu truyền quan niệm âm dương, ghi lại trong Chu Dịch.(1) Theo quan niệm này, mọi hiện tượng đều diễn biến thông qua sự vận động liên tục của những cặp đối cực gọi là âm - dương. Trong âm có chứa sẵn dương, trong dương có chứa sẵn âm. Sự vận động, hay chuyển hóa từ cực nọ qua cực kia, không xảy ra do tác dụng của ngoại lực mà do một khuynh hướng tự nhiên nằm sẵn trong bản thân của mỗi cực.

Chu Dịch vốn là sách bói, chưa phát biểu một vũ trụ quan minh bạch, nhưng có lẽ chính từ quan niệm âm dương mà Lão Tử (580-500 TK) nẩy ra ý niệm Ðạo. Ðạo là gốc của tất cả. Ðạo mở ra thành muôn trời huyền diệu, nhưng rút cuộc tất cả sẽ “qui căn”, để rồi sẽ lại bắt đầu biến hóa thành muôn trời huyền diệu. Mọi sự đang quá độ sớm muộn sẽ “phản phục” mà hóa thành cái đối lập với nó, chẳng hạn khổ sẽ thành sướng, buồn sẽ hóa vui. Trang Tử sau đó đưa ra tề vật luận: “Vật nào cũng là vật khác mà cũng là chính nó (...) cái kia là tự cái này mà ra, mà cái này cũng từ cái kia mà có (…) người ta phân biệt sống và chết, sự thực thì sống cũng là chết, chết cũng là sống”. Lão chủ trương “vô vi”, Trang thì xuất thế.(2)

Khổng Tử (551-479 TK) chủ trương tích cực nhập thế. Khổng không băn khoăn siêu hình, chỉ bàn việc người, đề xướng ra thuyết “chính danh”: mỗi người đều có một địa vị, nếu ai nấy cư xử theo đúng địa vị của mình thì xã hội sẽ có hòa khí, cá nhân sẽ hạnh phúc. Khổng còn chủ trương bỏ phân biệt giai cấp trong việc chọn lãnh đạo: bất cứ ai hễ tu thân giỏi là thành người quân tử, được tham gia cai trị.(3) Xã hội Khổng giáo, như vậy, vừa có tôn ti trật tự vừa có hẳn một cơ chế để cá nhân thăng tiến. Tuy nhiên, do những ràng buộc chặt chẽ của địa vị và do những tiêu chuẩn cố định về việc tu thân, mà cá nhân rất khó phát huy sáng kiến. Triều này xuống triều kia lên chỉ là một cuộc siêu thăng tiến cho số ít người, chứ tổ chức xã hội vẫn y như cũ.

Trị rồi loạn rồi trị v.v., người Tàu đã quen như vậy. Chẳng những xã hội rất khó cải cách vì Khổng đã “thiết” kế xong, mà ý muốn thay đổi còn là vô nghĩa vì theo Lão thì mọi diễn biến rồi sẽ phản phục, mọi vật rồi sẽ qui căn. Hơn nữa, trừ thời loạn thường ngắn, đời sống vật chất cũng tương đối dễ chịu. Sau Lão, Khổng, văn hóa vật chất cùng đường! Ðông Á về sau còn chịu ảnh hưởng Phật giáo, truyền từ Ấn-độ, nhưng Phật cũng hững hờ với vật chất y như Lão.

*

Ở Ấn-độ, hình như khoảng 3.000 năm trước, ý niệm nhất thể bắt đầu phát triển và trở thành triết lý cơ bản của Ấn giáo. Phật giáo ra đời sau Ấn giáo (Phật Tổ 624-544 TK) nhưng chia sẻ triết lý này. Như vậy Ấn, Phật, Lão, Trang có chung một vũ trụ quan.

Phật giáo rồi chia ra Tiểu thừa và Đại thừa. Ấn giáo và Phật giáo Tiểu thừa chủ trương vũ trụ là “vô thường” giống như trong tư tưởng Lão Tử, trong khi Phật giáo Đại thừa chủ trương vũ trụ là “huyễn” giống như trong tư tưởng Trang Tử.

Ấn giáo và Phật giáo Tiểu thừa có chỗ khác Lão là không chứa quan niệm âm dương. Để giải thích vũ trụ biến hóa, tư tưởng Ấn - Phật Tiểu thừa đưa ra ý niệm nghiệp lực.

Khoảng thế kỷ 7, Phật giáo mất ảnh hưởng ở Ấn-độ. Nhưng dù Phật hay Ấn, sống nghĩa là chưa thoát ra khỏi vòng luân hồi. Làm sao cho thoát quan trọng hơn là sống!

Về cách tổ chức xã hội, người Ấn phân chia giai cấp rất tỉ mỉ mà không tạo ra cơ chế chính thức nào để cá nhân vượt lên.

Lòng người chẳng thiết tha cải thiện điều kiện vật chất. Xã hội cản trở cải thiện. Ở Ấn-độ, văn hóa vật chất cùng đường hơn cả ở Đông Á!

*

Cũng vào khoảng giữa thiên kỷ 1 TK, bên trời Tây xuất hiện một loạt triết gia. Lúc đầu, triết Hi-lạp cũng manh nha những ý niệm nhất thể (Thales, Anaximander), đối cực, biến dịch (Heraclitus). Nhưng chẳng bao lâu, cách nhìn vũ trụ lối “Ðông phương” này bị thuyết “nhị nguyên” nguyên tử lấn át. Theo Leucippus và Democritus, thế giới hữu hình gồm “khoảng trống” và vô số hạt không thể chia chẻ gọi là “nguyên tử” (vạn vật là do nguyên tử cấu tạo nên). Sau đó, triết Tây chuyển trọng tâm qua thế giới tâm linh và những vấn đề đạo đức. Socrates (470-399 TK) tin linh hồn bất tử, chủ trương lấy lương tâm cá nhân làm cơ sở cho mọi cân nhắc về đạo đức và đề cao vai trò của lý lẽ. Có thể nói đến Socrates thì trong cả vũ trụ quan lẫn nhân sinh quan triết Hi-lạp đã biểu lộ rõ khuynh hướng “chủ biệt”, đối lập với khuynh hướng “chủ toàn” của Ðông Á và Ấn-độ. Plato (429-347 TK) xây dựng một thứ luân lý học dựa vào lý luận. Aristotle (384-322 TK) lấy hẳn luận lý làm cơ sở cho tất cả mọi suy tư. Ngoài chỗ trọng lý hơn tình, cả ba còn khác Khổng Tử ở khuynh hướng lấy cá nhân, thay vì cộng đồng, làm điểm xuất phát của tư tưởng.

Vài trăm năm sau khi ra đời, đạo Ki-tô, nguyên thủy là một nhánh của Do-thái giáo, bắt đầu chinh phục đế quốc La-mã, vốn thừa kế những thành tựu của văn hóa Hi-lạp. Về tư tưởng, triết Hi-lạp và đạo Do-thái gặp nhau ở ý niệm nhị nguyên Thượng Ðế - vạn vật. Tuy Trời của Aristotle không tạo ra vạn vật, mà chỉ đóng vai kiểu mẫu (4), nhưng sự phân biệt tuyệt đối giữa mẫu toàn hảo và “bản sao” luôn vụng kém khiến Trời ấy rất dễ dàng đồng hóa với Thượng Ðế trong Kinh Thánh. Ðáp lại, đạo Ki-tô chấp nhận quan điểm linh hồn bất tử của truyền thống Hi-lạp (nhưng thêm rằng Chúa làm ra linh hồn và nhập nó vào thân xác). Chẳng bao lâu, tôn giáo nhất thần gốc Do-thái này thay thế hẳn tín ngưỡng đa thần Hi - La mà trở thành cái khung tâm linh chính ở Tây phương.

Từ thời Aristotle, văn hóa vật chất đã gặp rắc rối do chủ trương suy tư về linh hồn mới thực là đáng quý. Đến khi đạo Chúa độc tôn thì văn hóa vật chất ở phương Tây trở nên cùng đường hẳn, vì tin Chúa thì sống chỉ là để đợi lên nước Chúa, còn lo cải thiện đời sống để làm gì?

*

Ngoài ảnh hưởng bất lợi của các triết lý, xã thuyết, tôn giáo lớn như vừa trình bày, sở dĩ văn hóa vật chất tiến bộ được khoảng một vạn năm rồi coi như ngừng lại, ấy còn bởi một lý do nữa nằm ngay trong bản thân của quá trình tiến bộ.

Đó là một quá trình mò mẫm, sờ soạng, làm thử rồi sai thì sửa. Làm như thế rút cuộc sẽ bế tắc, không tiến dứt khoát được nữa, trở nên loanh quanh, lẩn quẩn.

Muốn chế tạo chắc chắn thành công thì phải nắm vững các luật tự nhiên liên hệ. Hơn nữa, biết luật rồi sẽ giúp nẩy sáng kiến ứng dụng mà chế tạo cho thật phong phú. Biết càng nhiều luật, chế tạo sẽ càng giỏi càng phong phú.

Nhân loại bấy giờ chưa có được cái ý thức cần phải khám phá luật tự nhiên, nói chi một phương pháp thích hợp để khám phá.

*

Sau khi khựng lại mất gần 2.000 năm, văn hóa vật chất lại bắt đầu tiến bộ, mỗi lúc một nhanh.

Galileo (1564-1642) khai sinh khoa học, một phương pháp đặc biệt hiệu quả khi dùng để khám phá các luật tự nhiên. Newton (1642-1727) xây cơ sở lý thuyết cho vật lý học cổ điển, nền tảng của cuộc cách mạng kỹ nghệ trong thế kỷ 18 và 19. Đầu thế kỷ 20, Einstein (1879-1955) đưa ra thuyết tương đối, Bohr, Heisenberg, de Broglie, Schrodinger, Dirac, Pauli hoàn chỉnh thuyết lượng tử; hai thuyết này dựng lên vật lý học hiện đại, dẫn tới những tiến bộ kỹ thuật mới đầy ấn tượng.

Nhờ khoa học, điều kiện vật chất liên tục tiến bộ nhanh đến nỗi khiến người Tây phương không còn thiết lên nước Chúa nữa! Đạo Chúa đã trở nên một nét văn hóa truyền thống không còn bao nhiêu ảnh hưởng đối với sinh hoạt của “tín đồ”. (Riêng đối với các nhà khoa học, thì lòng tin của họ còn bị lung lay bởi những kiến thức mới về tự nhiên làm cho mọi hình dung Đấng Tối Cao đều có vẻ ngây thơ.)

Tại sao khoa học ra đời? Thiết tưởng do xã hội Âu châu Trung cổ bế tắc cực độ kéo dài và do cái bộ óc của người da trắng từ thời Hi-lạp vốn đã hay suy luận. Bế tắc quá thì phải đổi. Đổi là thời cơ tốt cho những lối nghĩ mới. Nghĩ thử thật lắm lối, rút cuộc ra được cái lối khoa học!

Dù sao, khoa học đã làm xẩy ra Cách mạng Vật chất II. Cách mạng từ Âu châu lan đi khắp thế giới.

*

Cách mạng II làm nẩy sinh bốn vấn đề lớn dễ thấy:

Thứ nhất, vũ khí siêu đẳng có thể khiến loài người tuyệt chủng nếu xảy ra đại chiến.

Thứ hai, hoạt động công nghệ gây biến đổi môi trường với hậu quả khôn lường.

Thứ ba, hóa chất nhân tạo và thực phẩm biến đổi gien có thể tác hại sức khỏe nghiêm trọng.

Thứ tư, khi hệ chính trị không kiểm soát được hoạt động kinh doanh, phương tiện truyền thông tối tân dẫn tới đạo đức băng hoại, thậm chí gây tâm bệnh nơi người xem.

*

Cách mạng II còn làm nẩy sinh vấn đề này:

Chẳng những không cản trở được Cách mạng, triết lý và tôn giáo còn bị Cách mạng tiêu diệt. Có ai quan tâm đến triết lý nữa đâu. Tôn giáo thì đạo Chúa suy tàn trước nhưng các đạo khác rồi sẽ chung số phận.

Chẳng những mất triết mất đạo, con người ta đang nhanh chóng mất luôn nghệ thuật. Tuy có thêm rất nhiều phương tiện mới, việc sáng tạo nghệ thuật sa sút hẳn đi. Cái nếp sống mới nó làm hại sức khỏe tâm hồn. Tâm hồn hấp hối, sáng tạo làm sao!

Không băn khoăn triết lý, không có đời sống tâm linh, không có sinh hoạt nghệ thuật, là tiến xa trên con đường biến thành một cái máy vi tính hữu cơ.

Trước Cách mạng II, coi như chưa có máy móc phức tạp. Nhờ Cách mạng, mới có. Loài người chế tạo các loại “cơ” bất quá được vài trăm năm, mà một cách tự nhiên đã bắt đầu cơ hóa!

*

Có người nghĩ “những tiến bộ vật chất của chúng ta lúc này đáng gọi là quá đủ rồi”“ước ao (…) được thấy một triết lý mới, một tôn giáo mới nào vạch đường cho nhân loại chế ngự được khoa học”.(5)

Thiết tưởng ước ao ấy khó mong thành hiện thực. Bởi khả năng cải thiện điều kiện vật chất vô giới hạn của khoa học đã làm nhân loại nghiện cải thiện. Không nghiện cũng không được, vì kẻ nghiện sẽ sở hữu những thứ vũ khí mới rất tiện dùng để uy hiếp những người chưa có.

Thực ra, một tôn giáo mới đã ra đời rồi. Chính là khoa học đó.

Rất có vẻ tôn giáo này sẽ ngự trị cho đến khi không còn loài người.



Thu Tứ
Viết năm 2004
Sửa mới nhất 4-2024









_________
(1) Xuất hiện vào cuối đời Ân, khoảng 1200 TK, theo Nguyễn Hiến Lê trong
Kinh Dịch: đạo của người quân tử, 1991.
(2) Những chỗ dịch
Đạo đức kinhNam Hoa kinh là của Nguyễn Hiến Lê.
(3) Quân tử nghĩa gốc là người cai trị. Quan niệm quân tử của Khổng có tính cách mạng, vì trước Khổng địa vị xã hội cơ bản là thế tập.
(4) Will Durant,
The Life of Greece, tức q. 2 trong bộ The Story of Civilization, 1966.
(5) Nguyễn Hiến Lê,
Những vấn đề của thời đại, 1974.