Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ “kinh thiên động địa”. Truyện Kiều cũng “… động đất trời / nghe như non nước vọng lời nghìn thu” (Tố Hữu). Nhưng Kiều là ngoại lệ duy nhất. Muốn lừng danh, nên cứu nước hơn là làm văn.

Văn dù hay mấy vẫn không cứu được nước. Không thể đem
Kiều ra đọc cho giặc nghe mà sợ mà lui! Nhưng văn hay có góp phần giúp dân tộc thấy tự hào mà muốn đánh đuổi giặc. Chơi văn cũng có ích đấy, ai có chơi thì cố chơi cho thật giỏi nhé, ai ơi. (Thu Tứ)



“Sự nghiệp văn chương”

Tản Đà




Người ta thường có nói “sự nghiệp văn chương”. Bốn chữ đó tựa như có hai nghĩa: một là sự nghiệp và văn chương, hai là lấy văn chương làm sự nghiệp (…)

Nghe ở người xưa có câu rằng “lập thân tối thiểu thị văn chương”, nghĩ như sinh làm người nam nhi ở thế giới mà không làm những việc kinh thiên động địa, khấp quỉ thần, vãn hà sơn, quan chủng tộc, mà đến lấy văn chương làm sự nghiệp, thời cái cách lập thân thực rất nhỏ con vậy (…)

Lấy văn chương làm sự nghiệp thời cái cách lập thân thực rất là nhỏ con; coi văn chương chỉ là một cách chơi thời cách chơi lại rất có nhã thú (…)

Có lẽ nên tách sự nghiệp với văn chương ra làm hai. Văn chương chỉ cứ là văn chương (…) Còn như ai muốn có sự nghiệp, thời nên làm riêng cái sự nghiệp vĩ đại khác, không nên cầu sự nghiệp ở văn chương.


(
Ðông Pháp thời báo, số 660, 17-12-1927)