Đây là Việt Bắc trong hồi ức của một người vào cuối thời kháng chiến chống Pháp hãy còn là một cậu bé “lên năm”.

Ngày xa rừng Lưu Quang Vũ mới lên mười mà lớn lên nhớ rừng tha thiết thế, rõ ràng trong rừng rất thừa thãi những thứ “ngọn nguồn sông biển yêu thương”.

(Thu Tứ)



Lưu Quang Vũ, “Thôn Chu Hưng”




Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng
Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao
Ðường ven suối quả vả vàng chín rụng
Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao

Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn
Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm
Cơm thiếu muối rau dền ăn với trám
Sương trắng đồi, áo mỏng rét căm căm

Ơi Chu Hưng đêm nằm nghe suối đổ
Nghe gió ngàn và tiếng hoẳng giữa rừng sâu
Ơi Chu Hưng sắn vùi trong bếp đỏ
Ấm những ngày gian khổ khó quên nhau

Mẹ sinh con vào cuối mùa hoa gạo
Loa chuyển rừng tin thắng trận sông Lô
Bố gửi con mảnh vải dù may áo
Súng nổ dồn đuổi giặc suốt mùa mưa

Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô
Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ
Trong cánh tay xóm làng bồng bế
Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương

Tuổi lên năm đi nhặt củi ven rừng
Con tập đánh vần bằng bảng tin thắng trận
Ăn đọt măng vầu, uống ngụm nước trong
Con chưa thấy những chân trời cao rộng

Mùa thu hòa bình rời xa Việt Bắc
Bè về xuôi gió thổi nước sông reo
Rừng vẫy lá đưa ta đi lưu luyến
Bạn nhỏ trên đồi đứng mãi nhìn theo

Xa Chu Hưng đã chín mùa cá lũ
Sắn bên đồi sắn có xanh tươi?
Mái nhà cũ đêm đêm ai nhóm lửa
Máng tre có còn hứng nước mưa rơi

Thôn ta mở thêm mấy trường học mới
Hợp tác nhà nay chắc đã lên cao
Tháng mấy buổi có phim về chiếu
Ðến bao giờ có điện để thay sao?

Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy
Là ngọn nguồn sông biển yêu thương
Ra biển ra sông còn nhớ mãi
Trắng hoa rừng... ơi Chu Hưng, Chu Hưng!


Hà Nội, 1964