Tra từ điển, thấy cảm tử và quyết tử đều là liều chết.

Thử định nghĩa lại. Cảm tử là liều chết: quân cảm tử là quân chiến đấu trong hoàn cảnh mười chết một sống. Quyết tử là chắc chắn chết: quân quyết tử một đi không trở về.

Ngẫu nhiên, về cuối nửa đầu của thế kỷ 20 ở Á Ðông hai lần có quân quyết tử.

Lần thứ nhất là cơn “thần phong”
(kami kaze) bên Nhật năm 1945: trước tình hình chiến sự hết sức bi đát, thanh niên Nhật tình nguyện lái máy bay chở đầy chất nổ bay tìm tàu địch mà lao xuống.

Lần thứ hai xảy ra ở Việt Nam gần ngay sau đó: trong buổi đầu của cuộc kháng chiến giành lại độc lập, quân ta chưa có súng chống tăng, nên thanh niên ta tình nguyện ôm chất nổ lao vào xe tăng địch.

Sau đây là chuyện về quyết tử quân Ngô Mây.
(Thu Tứ)



Anh hùng Ngô Mây (1922-1947)







Cô gái nhìn lại bến đò Sem, nơi chiếc thuyền vừa đưa cô đến đây đang chậm chạp bơi ngược dòng. Sông Côn ngầu đục bởi những cơn mưa đầu mùa. Ðây là lần thứ hai cô đặt chân lên bến Sem, một bến đò nằm ở thượng nguồn sông Côn, con sông rộng mênh mông ngày xưa từng in bóng những chiến thuyền của đại quân Tây Sơn.

Chuyến đi lần trước không mấy vui, cô không gặp được người yêu của cô đang trú quân trong ngôi đình gần bến Sem. Lòng hồi hộp cô gái rời bến đò. Một cơn gió cuốn vòm lá cây si cổ thụ trên đỉnh dốc làm hàng nghìn chiếc lá reo lên, lấp lánh sáng. Hình ảnh của người yêu chợt hiện đến làm cô mỉm cười (...) Ngày nhập ngũ anh đã lên đường quá đột ngột, chẳng kịp nói với nhau một lời. Nhưng cô vẫn tin có ngày anh trở về và hai người sẽ nên vợ nên chồng. Tiếng nổ dữ dội của quả đạn pháo dứt cô khỏi những ý nghĩ (...) Một đụn khói trắng cuộn lên phía xóm núi. Những người vừa đi cùng thuyền với cô đã kể chuyện khẩu đại bác của quân Pháp đặt ở đầu đèo An Khê bắn phá rất dã man những làng dưới chân đèo. Nhiều dân làng đã bị chết hay bị thương, có nhà kia cả gia đình đang ăn cơm thì bị pháo kích trúng, không một ai sống sót (...)

Chẳng mấy chốc ngôi đình Vĩnh An Nội đồ sộ, cổ kính hiện ra trước mặt. Cô rẽ vào đình, nơi đơn vị đặt trạm đón tiếp. Trực ban là một người lính còn trẻ măng, khi nghe cô xin gặp “người nhà” là Ngô Mây thì nhìn cô vẻ ngạc nhiên làm cô lúng túng đỏ mặt. Với cử chỉ ân cần đặc biệt, người lính trực ban mời cô uống nước, nghỉ ngơi rồi vội vã đi báo tin cho Ngô Mây. Cử chỉ của người lính trẻ làm cô băn khoăn. Linh tính cho cô biết có điều gì đó không bình thường. Cô bồn chồn, hết nhìn những cây cột đình bóng loáng đỏ sậm lại nhìn sân đình rụng đầy lá vông tây. Cho đến lúc này cô vẫn không hay biết người yêu của cô ngay sau khi nhập ngũ được phiên chế về đơn vị CẢM TỬ QUÂN, và mới đây anh đã xung phong nhận lãnh một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nếu anh hoàn thành cũng có nghĩa anh không còn trên cõi đời.

Lát sau, người lính trực ban trở lại báo cho cô biết Ngô Mây đã đi công tác xa, không gặp cô được.

Thực ra Ngô Mây không hề đi công tác xa. Anh vẫn ở tại đơn vị, nhưng quyết định không gặp người yêu. Cầm trên tay quà của người yêu gửi lại, tim anh rộn lên không kìm được (...) Anh bỗng nhờ da diết vùng quê nghèo Triêm Ân nơi những đồng lác bạt ngàn trải màu xanh cho đến tận ngõ nhà anh (...) Mùa nước lũ ngôi nhà anh như hòn đảo giữa biển nước mênh mông. Gốc rạ, gốc lác dìm sâu dưới màu nước bạc. Nước ngập gốc cây bồ đề trước ngõ, tràn vào cả sân nhà. Cha đã quá vãng, các anh các chị đều ra ở riêng, mẹ và cậu em trai anh sẽ phải chèo chống việc nhà nếu vắng anh. Ngày nhập ngũ anh lên đường quá vội vàng (...) Ngày biết mình chính thức trở thành một cảm tử quân, anh vừa mừng vừa thương mẹ vô cùng. Phận làm con anh chưa báo đáp được gì cho mẹ. Anh thầm mong mẹ anh sẽ hiểu và hãnh diện vì có đứa con chọn cái chết oanh liệt ở sa trường để đền nợ nước. Cách mạng đã đổi đời cho làng quê anh. Bọn cường hào ác bá bị anh cùng bà con Triêm Ân làm đơn vạch mặt đã bị cách mạng quét sạch. Không thể để cho chúng quay lại hà hiếp dân lành một lần nữa. Không thể để cho đất nước chịu nhục nô lệ một lần nữa. Bàn tay anh chạm vào vỏ quả bom lạnh ngắt. Ðấy là quả bom hăm lăm ký. Anh xoay người dùng răng bật mạnh chốt an toàn của quả bom. Chiếc chốt kim loại tuột ra khỏi quả bom cùng với cảm giác ê ẩm hai hàm răng. Đây là động tác anh đã tập mấy ngày liền cho thật thuần thục sau khi tập dùng tay rồi dùng chân tháo chốt an toàn của quả bom. Dùng răng mở chốt an toàn của quả bom là phương án thứ ba nếu cả tay lẫn chân đều bị thương. Quân Pháp sẽ kinh hoàng biết chừng nào (...) Hôm đơn vị nêu phương án ôm bom tấn công xe tăng giặc, cả đại đội đều giơ tay xung phong. Khi đại đội trưởng Quách Tử Hấp ra hiệu cho mọi người bỏ tay xuống, Ngô Mây vẫn tiếp tục giơ tay. Sau cuộc họp anh xin được gặp chỉ huy đơn vị để một lần nữa bày tỏ nguyện vọng. Quyết tâm của anh cuối cùng được chấp nhận. Từ ngày đó quả bom đối với anh là tất cả. Những đám ruộng lởm chởm gốc rạ trước đình Vĩnh An Nội đã thấm mồ hôi của anh khi anh tập ôm bom lăn qua ruộng. Anh cũng đã bao lần ôm bom vượt qua những gò mả đầy gai sắc. Quần áo anh bị rách xước nhiều chỗ. Mụt “chùm bao” ở bắp chân bị nhiễm trùng tấy lên nhức buốt, anh phải bịt lại bằng chiếc nắp hộp thuốc phiện nhỏ, đục nhiều lỗ ở trên mặt và có quai buộc chặt vào bắp chân.

Có tiếng kẻng báo giờ cơm. Ngô Mây dừng buổi tập, dùng một miếng vải cũ cẩn thận lau lại quả bom rồi đặt vào cạnh giường mình. Từ ngày Ngô Mây được giao nhiệm vụ ôm bom cảm tử đánh xe tăng địch, anh được đơn vị cho ăn chế độ đặc biệt. Anh cảm thấy bất tiện và thường san sẻ phần thức ăn của mình cho đồng đội. Mỗi lần có ai từ chối, anh thường thuyết phục bằng nụ cười hiền lành của anh con trai lớn lên từ gốc rạ, khóe miệng ánh lên chiếc răng vàng làm dáng. Anh dùng mắt kiểm tra lại quả bom lần nữa trước khi đến bếp của anh nuôi.

Vào cuối năm 1947, quân Pháp ở An Khê, căn cứ bàn đạp quan trọng của địch ở Tây Nguyên, liên tiếp mở những cuộc hành quân nống lấn, chuẩn bị chuyển quân vượt đèo An Khê xuống đánh chiếm vùng tự do tỉnh Bình Ðịnh. Ðại đội CẢM TỬ QUÂN của Ngô Mây được lệnh chặn đánh cánh quân Pháp có xe tăng yểm trợ ngay trên đèo.

Lễ xuất quân được tổ chức tại sân vận động Kiên Mỹ, gần điện thờ vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. CẢM TỬ QUÂN đội ngũ chỉnh tề, nghiêm trang đứng trước khán đài. Nhân dân đến tiễn rất đông, cũng được xếp thành hàng ngũ đứng chật chung quanh. Sau lời phát biểu ngắn của vị chỉ huy nêu rõ quyết tâm chiến đấu của đơn vị, Ngô Mây được vinh dự quàng chiếc khăn đỏ tượng trưng cho những người chiến sĩ quyết tử. Anh còn nhận được món quà bất ngờ: đôi dép lốp cao-su của các bà má chiến sĩ tặng. Mẹ Ngô Mây vừa từ quê lên được mời lên khán đài phát biểu động viên các chiến sĩ. Bà dặn dò chung anh em trong đơn vị mà Ngô Mây cảm thấy như mẹ đang dặn dò riêng mình. Anh cố nén xúc động đăm đắm nhìn mẹ. Hành trang của anh bây giờ chỉ còn lại bộ quân phục màu ghi đậm đang mặc, quả bom, và một chiếc cuốc chim nhỏ đeo sau lưng (dụng cụ đào hố cá nhân và khai hỏa nếu kim hỏa của trái bom bị liệt). Mọi thứ quần áo đồ dùng cá nhân anh đã trao lại cho đồng đội. Anh chỉ còn áy náy mấy chiếc răng vàng bịt làm dáng hồi ở quê, bây giờ trở nên vô dụng, muốn để lại cho đồng đội mà không được.

Vậy là giờ đây anh thanh thản vào cuộc quyết tử.

Sau lễ xuất quân, anh được mời bữa cơm thịnh soạn đặc biệt. Anh thực sự xúc động vì biết ý nghĩa. Suốt bữa hầu như anh không đụng đũa vào các món ăn.

Ngay hôm đó, đơn vị hành quân ngược đường Mười Chín về hướng đèo An Khê.

Nơi được chọn cho cuộc quyết tử với xe tăng giặc là Hố Chuối - một đoạn dốc hiểm trở rất thuận lợi cho trận mai phục. Ngô Mây ôm bom ngồi dưới chiếc hố cá nhân được bí mật đào ở ngay rìa đường Mười Chín. Từ hố cá nhân, nhìn qua hai lỗ thông hơi, anh có thể thấy xe tăng giặc khi chúng xuất hiện cách mười mét, đủ thời gian cho anh giật chốt an toàn quả bom. Anh hình dung cùng với chiếc xe tăng giặc bốc lửa cái chết sẽ đến với anh nhẹ nhàng. Thời gian bỗng trở nên chậm chạp.

Hơn mười ngày cánh quân Pháp có xe tăng yểm trợ rập rình ở đầu đèo để nhử quân ta. Ðột ngột có tin trinh sát báo bọn địch đổi hướng, bỏ đường Mười Chín chuyển quân theo ngả Suối Vối - Rộc Dừa. Ðơn vị CẢM TỬ QUÂN phải thay đổi phương án tác chiến, hành quân cắt rừng đón đánh địch ở đầu cầu Suối Vối. Chiếc hố chiến đấu của Ngô Mây được đào giữa bụi dứa dại gần đầu cầu. Ngô Mây trao lại đôi dép cao-su cho người trung đội trưởng rồi ngồi vào vị trí của mình. Từ nơi ẩn nấp anh có thể ôm bom lao ra đầu cầu, với sức công phá của quả bom hăm lăm ký nếu xe tăng giặc không bốc cháy thì cũng bị hất xuống vực.

Nhưng một lần nữa quân địch lại làm đảo lộn kế hoạch. Hai chiếc xe tăng dẫn đầu tiểu đoàn quân Pháp đến cách cầu Suối Vối ba trăm thước thì dừng lại. Khi biết cầu hỏng chúng nghi ngờ chia thành hai cánh khép gọng kìm, vừa tiến quân vừa nhả đạn ác liệt. Ðơn vị rơi vào vòng vây, có nguy cơ bị tiêu diệt. Ðại đội trưởng Quách Tử Hấp quyết định mở đường máu. Ngô Mây nhận được lệnh, anh lưỡng lự một thoáng: “Nếu trong khi vượt vòng vây bị tử thương thì công lao luyện tập bấy lâu nay và trái bom mà anh em quân khí mất bao công sức mới có được sẽ trở thành vô dụng”. Anh quyết định ở lại chờ thời cơ diệt địch. Dưới làn đạn của giặc các chiến sĩ cảm tử quân lần lượt ngã xuống. Cuộc chiến đấu không cân sức làm cho đơn vị tổn thất nặng, gần hai mươi chiến sĩ đã hy sinh.

Tiếng súng trên trận địa đã im bặt. Quân Pháp tưởng đã nắm chắc phần thắng rầm rộ tiến về phía cầu Suối Vối. Nhiều tên tiến gần bụi dứa dại. Ngô Mây tim đập mạnh, ngón tay đặt vào chốt an toàn của quả bom. “Thời cơ diệt địch là đây, không chờ thêm được nữa!”, anh tự nhủ. Ngô Mây bất ngờ đứng bật dậy, toàn thân anh căng lên cùng với chiếc chốt an toàn bật ra khỏi trái bom. Trong chớp nhoáng rừng núi rung chuyển bởi tiếng nổ xé trời. Gần một trung đội lính Âu Phi đền tội, thây ngổn ngang. Ðịch kinh hoàng bỏ xác đồng bọn tháo chạy về An Khê.

Trinh sát của đơn vị khi trở lại trận địa đã không tìm thấy thi thể của Ngô Mây. Mãi sau họ mới nhận ra một chiếc chân vương trên bờ suối. Trên bắp chân còn buộc chiếc nắp hộp thuốc phiện nhỏ. Các trinh sát nghẹn ngào đứng lặng hồi lâu, rồi cẩn thận bọc phần thi thể ấy của người đồng đội quả cảm đem mai táng bên cầu Suối Vối.

Trận quyết tử diễn ra ngày 12 tháng 11 năm 1947. Ngô Mây vừa tròn hăm lăm tuổi đời và bảy tháng tuổi quân.


(Từ Quốc Hoài, “Trái tim và trái bom”, tạp chí
Văn Nghệ Bình Ðịnh, không biết số mấy, năm nào)