Hội Nga Hoàng là người chen người. Cũng là văn hóa Việt truyền thống chen văn hóa Tàu truyền thống. Chen ngã giúi ngã giụi, chen văng xuống ruộng xuống ao! Cho thôi “nam nữ thụ thụ bất thân”!

Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, sau gần một nghìn năm nữa bị văn hóa phương Bắc ảnh hưởng thông qua triều đình và giới trí thức, ngay tại nơi có nhiều ông nghè nhất nước, nhân dân ta vẫn giữ vững được một cái nếp rất cổ.
(Thu Tứ)



Toan Ánh, “Hội chen Nga Hoàng”




Làng Nga Hoàng, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, tục gọi là làng Ngà có tục Chen (...) Hội làng được tổ chức từ mồng 6 tới 15 tháng giêng (...) chia làm 4 giai đoạn.

Ðầu tiên, vào ngày mồng 6, tế lễ cử hành tại miếu làng (...) Giữa cuộc tế trai làng và cả các ông già nữa, chạy xô đến chen lấn các gái làng và các bà già, trẻ chen với trẻ, già dong với già. Xô chen nhau, rồi giằng co nhau. Nhiều chàng trai trong lúc chen lấn đã có những cử chỉ mạnh bạo khác như bóp nhũ hoa hoặc đưa tay sờ soạng cô gái. Cô gái chống cự chen lại, và cuộc chen lấn diễn ra hỗn độn một lúc, rất là phóng túng tự do và rất ngang nhiên không kiêng nể gì đạo đức.

Chen lấn xong (...) đám rước đi quanh làng được cử hành, bắt đầu từ miếu. Trong đám rước này, đến lượt con gái và cả bà già nữa tấn công lại chen lấn con trai và đàn ông, xô đẩy nhau cho đến khi đám rước kết thúc.

Ðám rước hết nhưng sự chen lấn chưa hết, có điều lúc này, trai gái trong làng không chen nhau, gái làng đi kiếm các chàng trai thiên hạ tới xem hội mà chen, thiếu những chàng trai thì họ tìm chen những đàn ông lớn tuổi và cả các ông lão. Chính kẻ viết những dòng này, cách đây hơn 30 năm đã từng bị chen đến nẩy lửa vào một ngày mồng 6 tháng giêng. Gặp khách xem hội là gái làng rủ nhau chen. Họ thả sức chen có khi xô cả khách xuống ao bùn, xuống ruộng, và khách muốn tránh khỏi bị chen phải leo lên cây hay đi tìm vào ẩn trong buồng kín của một nhà nào trong làng.

Một nhà nào trong làng hôm đó có khách đàn ông tới xem hội ư? Mà đã là ngày hội làng lại có tục kỳ khôi như tục chen ấy, mấy mà làng không có khách! Trong lúc chủ nhà đang tiếp khách, bỗng lừng lững từ ngoài cổng đi vào một đoàn độ bốn năm cô gái quê. Các cô xin phép chủ nhà:

“Thưa cụ, nhất niên nhất lệ, hôm nay chúng cháu được phép chen, xin cụ cho phép chúng cháu được chen với quý khách.”

Thế rồi không đợi chủ nhà trả lời, các cô vào trong nhà kéo khách ra, khách đang uống nước trên phản hay ngồi ở tràng kỷ, các cô cũng kéo xuống, rồi các cô xúm nhau vào, đưa vai mà chen khách, khách từ chối hoặc chủ nhà từ chối cũng không được! Lệ làng mà! Phép vua còn thua lệ làng nữa là chủ nhà với khách. Khách có sức, xin mời khách cứ chen lại, nhưng khách phải coi chừng vì các cô sẽ có viện binh! Các cô khác sẽ tới, sẽ ùa nhau vào chen khách, chen bằng cho khách ngã giúi ngã giụi. Khách cố lóp ngóp bò dậy, các cô lại xô nhau chen nữa, khách lại ngã (...)

Ngày mồng 6 qua, trong làng vẫn còn hội, nhưng chỉ để dân làng lễ bái.

Rồi tới ngày 11 tháng giêng, làng lại có tế lễ tại đình (...) Sau buổi tế (...) trai gái lại chen lấn nhau và tự do cùng nhau đùa nghịch ở ngay trong đình. Những cặp trai gái thích thú nhau, họ dắt nhau ra khỏi đình tìm những nơi thanh vắng trong làng để cùng nhau tình tự hoặc tính chuyện đỉnh Giáp non Vu.

Ngày rằm tháng giêng, làng lại làm lễ tại miếu trên núi (...) Giữa cuộc lễ nam nữ lại xô đẩy cùng nhau chen (...) Sau lễ là đám rước từ núi về đình và dọc đường nam nữ lại tự do chen lấn và đùa nghịch với nhau. Có những cặp chen nhau rời khỏi đám rước rồi ngã vào bụi cây đám cỏ ở ven đường chân núi...

Ngày hôm nay cũng như ngày mồng 6, gái làng lại có lệ tìm khách lạ tới làng để chen.

Sau hết, buổi tối hôm rằm này, ở đình có cử hành một lễ rất là trọng thể. Giữa cuộc lễ đèn đóm tắt hết, trai gái (...) được tự do chòng ghẹo hoặc làm gì nhau cũng được!

Ðèn tắt một lúc lâu lại được thắp lên, và cuộc lễ trọng thể được tiếp tục (...)

Trong kỳ hội hàng năm, trai gái đã có dịp đụng chạm và có cặp đã ân ái với nhau (...) Những cô gái thụ thai trong dịp hội làng, dù không chồng cũng không bị làng bắt vạ và cũng không bị coi là đĩ thõa (...) Những cặp trai gái thành hôn với nhau sau kỳ hội được làng bớt cho một nửa tiền cheo.


(Toan Ánh,
Hội hè đình đám, quyển Hạ, 1974)