Dĩ nhiên Nguyễn Tuân qua Hồng Kông đâu có phải chỉ để đi ăn tiệc yến ở đại tửu lâu, với lại đi ngồi tiệm nhẩy, với lại đi hút thuốc phiện, với lại thỉnh thoảng vi hành “thăm dân”. Mới “nợ áo cơm” qua loa đã phải “trả đến hình hài”, huống chi nợ xa xỉ kỹ lưỡng như “tôi”. Trát tí phẩm tươi lên mắt lên mi, cái giá hãy còn rẻ chán... À, “bọn giặc” ở Hồng Kông, chắc cho đến tận thế, bọn ấy sẽ vẫn y nguyên là như thế (khắp thế giới bây giờ, “trong nghệ thuật nhựa”, liệu có còn đám nào chưa hóa “giặc” chăng?!). (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Vẽ nhọ bôi hề cho... giặc”




Trong buồng trò, tôi rất vụng về. Chỉ đổ và rơi. Ðến lúc tôi soi gương, tôi không thể buồn cười cho tôi hơn nữa. Mặt tôi, thực là mặt pho tượng đứng thánh Quan thờ ở các hội quán Hoa kiều. Tôi đã trát vào đấy gần nửa ống phẩm gạch lấp cả mắt cả mi. Chữ Pháp, trong tiếng nhà nghề gọi thế là maquillage cru!

Soi gương, tôi tự nghĩ:

“Ông cố nội tôi, khi ngồi trong Cẩn Tín Viện nhà vua với cái nhân phẩm và cái nết trì thủ của một ông nghè bút thiếp dưới triều Tự Ðức, hẳn không bao giờ tưởng sau này sẽ có một đứa cháu đích tôn sang Hương Cảng để bôi rất nhiều phẩm tươi vào mặt.” Tôi thấy tôi rất ngố trong tấm gương, vội kêu to:

- Mẹ kiếp thật là vẽ nhọ bôi hề!

Ðàm Quang Th... vội bắt lấy câu ấy, nói tiếp:

- “Nợ áo cơm phải trả đến hình hài” đấy. Ha! Ha! Thôi vẽ mau lên. Còn đến tua người khác. Toa không thấy anh em đang chờ một chỗ ngồi hay sao!

(...)

Nói đến nghề làm phim ảnh của người Tầu, phê bình đến họ thì chỉ có thể lấy cái lòng từ thiện ra mà nói thôi (...) Người Tầu, thật là bọn giặc trong nghệ thuật nhựa. Tôi đã từng gặp nhiều chú khách cổ cao một ngấn, hai ba cái cằm in nét ở mặt, về quan niệm mỹ thuật mù tịt, đứng làm giám đốc về việc bài trí những phim ảnh. Một truyện phim đầy sinh khí, đầy thơ mộng, vào tay họ, thế nào cũng thành truyện kiếm hiệp, nếu không là trinh thám.


(Trích từ chương “Đoạn chót bản hợp đồng” và chương “Ấn tín người con hát tỉnh Việt” trong tập
Một chuyến đi (1941). Nhan đề phần trích tạm đặt.)