“Lãng mạn”, “liêu trai”, “hoang tưởng”. Tất cả do chị Nhuần lớn hơn “tôi” những một giáp. Nếu độ chênh chỉ là một, hai tuổi, thì cái đêm ấy, lúc ấy, liệu “gương mặt anh Trác (có) hiện lên đầy vẻ trách móc” không?

Nhưng dĩ nhiên nếu tuổi tôi xấp xỉ tuổi chị, đời nào anh Trắc cho tôi bước lên thuyền anh năm xưa.

Chị Nhuần chẳng muốn không bao giờ gặp lại con mình, nhưng con gái chị đã lớn rồi, không cần chị nữa, mà chị thì lại cần làm lại cuộc đời...

(Thu Tứ)



Đặng Văn Sinh, “Bến phù dung” (3)



Tôi lưỡng lự một lúc rồi hỏi:

- Nghe nói chị sắp bán thuyền, hai mẹ con về Kẻ Sung?

Chị Nhuần lắc đầu:

- Lúc anh ấy mới mất, đâm quẫn cũng có ý định như thế, nhưng bây giờ tôi đã quyết định tiếp tục chạy hàng thêm một thời gian nữa, mong cậu ở lại.

Vậy là tôi thành người đàn ông duy nhất trong con đò dọc. Cô Nhụy mặt tươi rói, luôn tìm cơ hội ở bên tôi, nhất là những đêm trăng sáng, đò xuôi dòng, tôi thay chị Nhuần cầm lái. Sau này tôi mới biết, thực ra chị Nhuần là người đàn bà lọc lõi, nhìn thấy dáng vóc vậm vạp cùng với cung cách làm ăn tháo vát của tôi, hình như trong lòng đã toan tính một kế hoạch lâu dài, nhằm cột chặt tôi vào nghề sông nước. Ở tuổi ba nhăm, thể chất sung mãn, sức sống còn đang hừng hực, nhu cầu xác thịt vốn đã bị dồn nén vì người chồng ốm yếu quanh năm, nay lại mất chồng, rất nhiều đêm người đàn bà góa trằn trọc trong khoang thuyền với những tiếng thở dài não ruột. Không bao giờ bằng lòng với số phận, chị luôn thả lòng tơ tưởng đến những cuộc tình lãng mạn, liêu trai. Căn bệnh hoang tưởng của chị mỗi ngày một nặng thì tình cảm mẹ con đối với Nhụy ngày một nhạt đi. Hễ thấy tôi và Nhụy ngồi bên nhau là chị không chịu được. Nỗi bực tức ngấm sâu dần, hóa tựa như lòng hận thù, khiến chị luôn nhìn chúng tôi bằng con mắt cảnh giác. Lần ấy ở bến Tràng chị Nhuần bảo con gái:

- Hôm qua mẹ gặp bà ký Thuần ở chợ Ðào. Bà ấy bảo đầu tháng tới sẽ nhờ người đến thưa chuyện...

Nhụy chẳng để mẹ nói hết câu đã giãy nảy lên như bị ong châm:

- Con đã bảo là không lấy chồng, u đừng có ép.

Bà mẹ cố tìm cách thuyết phục:

- Nhà người ta ruộng cả ao liền, khối đứa nằm mơ cũng chẳng được, thế mà mày còn õng ẹo. Tao thật không hiểu.

- Con chả tham giàu, chỉ thích chở đò dọc.

Gần đây, thỉnh thoảng hai mẹ con lại nhấm nhẳng với nhau như vậy, chẳng bên nào chịu bên nào. Chị Nhuần mặt khó đăm đăm, suốt ngày thở ngắn than dài.

Tôi nhớ hôm ấy vào cuối tháng tám, chúng tôi nhận chở một chuyến cau của bà Lái Ðô đi chợ Bồng. Chị Nhuần bảo:

- Chuyến này xuôi gió lại nước ròng, mẹ với anh Quỳnh đi cũng được. Mày đến nhà bà Cả Thùy ở Báng Hạ lấy nốt nợ rồi ra đây đóng hàng, ba hôm nữa thuyền sẽ về.

Buổi chiều, lúc ghé thuyền nghỉ ở bến Ðoan, trong khi ăn cơm, chị Nhuần bảo:

- Con Nhụy trẻ người non dạ, nói không nghe. Tôi nghĩ chỉ có cậu mới khuyên bảo được em nó. Ðây là một đám tốt. Nhà bên ấy nền nếp lắm. Hãy giúp tôi.

Thật là ngón đòn cao tay của người đàn bà từng trải. Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu:

- Tôi hiểu rồi. Ngày mai tôi sẽ đi...

Chị Nhuần xua tay, giọng không được bình thường:

- Cậu hiểu sai rồi. Tôi không muốn con bé đeo đuổi cái nghề đò dọc đầy bất trắc, nhưng cũng lại không muốn mất cậu. Thuyền này phải có một người đàn ông làm chủ.

- Tôi chỉ là anh chân sào, chị nói thế là có ý gì?

- Sao cậu chậm hiểu thế?

Chị nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ. Thú thực, lúc ấy tôi thấy chị đẹp lắm, đẹp hơn cả những cô gái mười tám đôi mươi chưa chồng hay ra bến Phù Dung giặt áo. Ðêm nằm thao thức nghe nước óc ách vỗ vào mạn thuyền, tôi nghĩ đến anh Trác hom hem bỏ mạng trong cơn bão, nghĩ đến cảnh vô gia cư của mình, cuối cùng nghĩ đến Nhụy với chiếc răng khểnh và những trò đùa tinh quái của cô. Ðó là một đêm mùa thu bình yên. Thỉnh thoảng một ngọn heo may lang thang trên sông khẽ chạm vào da thịt qua lần áo mỏng, làm ta có cảm giác se lạnh. Những giọt sương càng về khuya càng ẩm ướt, khẽ khàng đậu xuống mui thuyền. Không gian lúc này vừa mênh mông vừa huyền ảo. Những giọt sao xanh biếc, nhỏ li ti như hàng triệu triệu chiếc cúc xà cừ, nhấp nháy trên vòm trời trong suốt. Từ đâu đó văng vẳng tiếng sáo diều, lúc gần lúc xa có vẻ mơ hồ khác hẳn thứ âm thanh trong trẻo của chùm sáo kép trên chiếc diều khổng lồ mà cách đây sáu năm tôi từng được nghe, khi còn là gã trai lang thang đói khát nằm trên thảm cỏ ven đê.

Vào lúc tôi thiu thiu ngủ thì chị Nhuần từ khoang trong chui ra nằm bên cạnh. Khi ấy, nói thật với cậu, có là thằng đàn ông ngu mới không biết người phụ nữ góa chồng nhưng vẫn còn xuân sắc này muốn gì. Toàn thân tôi rạo rực như lên cơn sốt. Một ý nghĩ thoáng qua, hay là mình cứ chiều chị ta, chẳng những không mất gì mà có khi còn được nhiều là khác. Tôi run run lấy hết sức bình sinh định đặt tay lên vồng ngực người đàn bà thì bỗng nhiên, từ trong đêm đen có dải sáng mờ mờ như ánh lân tinh, gương mặt anh Trác hiện lên đầy vẻ trách móc. Tôi chợt tỉnh ngộ ngồi dậy rồi leo lên mui thuyền, mặc cho chị Nhuần tức tưởi khóc vì bẽ bàng. Suốt chặng đường còn lại chẳng ai nói với ai một lời. Tôi lặng lẽ cúi đầu chèo hoặc thỉnh thoảng kéo dây buồm cho đúng hướng gió. Chị Nhuần cầm lái, cần tôi làm việc gì thì lấy tay ra hiệu.

Chiều hôm thứ ba, Nhụy đóng xong hàng, đang chờ ở bến. Thuyền thả neo. Tôi bắc tấm ván làm cầu rồi nhảy lên buộc dây xích vào cọc. Nhìn thấy thái độ của mẹ, Nhụy chẳng hỏi han gì, cứ lẳng lặng bốc hàng. Tôi thì mặt nặng chình chịch, hùng hục khuân từng sọt dưa lớn, miệng lúng búng như ngậm hột thị, mỗi khi cô ấy hỏi đều trả lời một cách miễn cưỡng. Hàng xếp xong, chị Nhuần thẫn thờ trên bến một lúc rồi xuống thuyền bảo Nhụy:

- Chuyến này mẹ không đi được vì còn phải về Kẻ Sung đón ông Phó Mạc ra sảm lại thuyền. Con với anh Quỳnh bảo nhau mà làm ăn cho thông đồng bén giọt, ít bữa mẹ về.

Lúc ấy có thể Nhụy còn quá vô tư chưa đoán biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng khi tôi nhìn vào đôi mắt buồn mờ đi vì ngấn lệ của người thiếu phụ, thì có dự cảm chị không bao giờ trở lại bến Phù Dung nữa.

Sáng hôm sau thuyền ngược lên chợ Tam Giang, qua lạch Kinh Dương bị mắc cạn phải ở lại mấy ngày. Cuối tháng, khi chúng tôi xuôi bến Tuần thì không thấy chị Nhuần ra đóng hàng như đã hẹn. Nghĩ rằng mẹ ốm, Nhụy bảo tôi trông thuyền rồi về Kẻ Sung, nhưng ngôi nhà tranh hai gian gần chùa Từ Vân cửa vẫn đóng im ỉm, không thấy người đâu. Ðến làng Ngô Ðồng bên quê ngoại cũng bặt vô âm tín. Ở đấy chẳng còn ai ngoài bà dì họ xa lắc xa lơ lại nghễnh ngãng, suốt ngày chỉ lảm nhảm hát mãi một điệu “gà rừng” rè rè giống hệt tiếng chũm chọe mẻ đập vào nhau. Nửa tháng đi khắp các nơi họ gần họ xa, Nhụy về, mặt mũi đen sạm, tóc cứng như rễ tre, nhăn nhó:

- Không thấy đâu cả. Ngày mai ta bốc hàng rồi cho thuyền xuống chợ Cháy, vào khu vạn chài xem sao.

Tôi lẳng lặng gật đầu chiều theo ý Nhụy nhưng trong thâm tâm không mấy tin tưởng ở những chuyến đi vô vọng của cô. Cảnh tử biệt sinh ly, phận làm con ai mà không mang ơn cha mẹ. Có điều vì xót tình máu mủ mà Nhụy không biết rằng, ở trên đời, có những thứ mất đi thà không tìm được lại hơn. Với những người như chị Nhuần, đã một lần tay nải gió đưa khó có thể trở về bến cũ. Chị vốn lắm mộng mơ, lúc nào cũng sống bằng những ý tưởng lãng mạn. Một con thuyền chật chội và đầy ắp những kỷ niệm buồn không thể giam chân chị suốt đời. Chị đẹp lắm, đẹp và đầy cá tính. Hãy tha thứ cho tôi vì thật ra tôi chỉ là thằng hèn, không dám vượt qua giới hạn của thứ suy nghĩ tầm thường để đáp lại tấm tình của chị.

Rồi cũng đến lúc tôi ngỏ lời cầu hôn với Nhụy. Giờ đây cả hai đứa đều không còn cha mẹ, họ hàng thì xa, chuyện trăm năm đều nhờ vào anh em vạn đò. Ðám cưới không có màn đưa đón dâu nhưng cũng linh đình chẳng kém gì hôn lễ ở làng quê. Chiếc thuyền hạnh phúc của chúng tôi kết hoa, treo đèn lồng đỏ sáng lung linh, từ từ dạo trên sông. Dây pháo treo phía mũi thuyền nổ rền, xác pháo như hoa đào ngày tết rơi lả tả xuống nước.

Cưới xong, chúng tôi tiếp tục lênh đênh trên con thuyền mới sửa lại, hết xuôi lại ngược theo những hành trình dài ngắn khác nhau khắp các triền sông Yên, sông Vệ, sông Lăng. Cữ tháng bảy ta, đang mùa nước lũ, thấy Nhụy bụng to không thể làm công việc của chân sào được nữa, tôi bàn:

- Mình sắp sinh con không thể làm việc nặng, phải thuê một chân sào phụ với tôi.

Nhụy bảo:

- Cái đó tùy mình, bây giờ mình là chủ thuyền kia mà.

Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi chợt nhớ ra liền bảo:

- Mấy hôm trước tôi để ý có thằng bé choai choai cỡ mười ba mười bốn vẫn khuân hàng xuống bến cho các bà buôn chuối, hay là ta bảo nó?

Nhụy thoáng cau mặt:

- Không nên. Thuyền chúng mình phải tìm một người đứng tuổi, thạo nghề sông nước. Rước cái đám trẻ ranh ấy về là hỏng việc.

Bị chạm nọc vì chợt liên tưởng đến thân phận của mình ngày trước, tôi đâm tự ái:

- Nhụy nói gì thế?

Cô ấy lặng lẽ nhìn dòng sông, nơi những con sóng lô xô đang đuổi nhau, giọng có phần dịu xuống:

- Là vì tôi không muốn sau này phải theo gương mẹ ra đi...

Thì ra Nhụy đã biết. Từ trước đến giờ tôi vẫn nghĩ cô ấy vô tâm.

Chạy đò được thêm vài năm thì nhà nước có chủ trương thành lập các hợp tác xã vận tải thủy. Thấy ngày càng khó làm ăn, tôi bàn với Nhụy nhượng lại thuyền cho một người quen rồi dắt díu nhau về làng Cùa xin một chân chở đò ngang. Ở với nhau được ba mặt con, gia đình đang êm ấm, bỗng nhiên một lần đi chợ Ga về cô ấy cảm rồi đột ngột qua đời lúc mới sang tuổi bốn chín.

- Thế các anh các chị ấy bây giờ?

- Mỗi đứa một nơi nhưng được cái đứa nào cũng có công ăn việc làm tử tế, không lênh đênh như bố mẹ ngày trước.

- Vậy là từ bấy đến nay bác vẫn không gặp lại bà Nhuần?

Ông Quỳnh chép miệng:

- Không, nhưng tôi suốt đời mang ơn bà ấy.

Trời đã xế bóng. Tôi cho thuyền đi chậm lại. Nhìn thấy cây đa cổ thụ thấp thoáng trên bờ, ông chỉ tay bảo:

- Phải rồi, đây là bến Phù Dung.

- Ðể cháu ghé thuyền vào cho bác lên.

- Không cần đâu. - Ông nhẹ nhàng bảo. - Cậu đỡ tôi ra mũi thuyền một lúc là được.

Về thăm lại chốn cũ ông già có vẻ xúc động lắm. Ông nhìn đăm đăm lên cây đa và dãy quán liêu xiêu nhuộm đỏ ráng chiều, bất giác bật tiếng thở dài:

- Ngày trước bà ấy cũng ra đi vào buổi chiều như thế này...


Chí Linh 20-9-2002