Mây bay nhiều trong thơ Tàu cổ. Có thứ mây ngàn năm "du du" trên trời Hoàng Hạc lâu. Có thứ mây ưa lẩn quẩn quanh ngọn Tần Lĩnh để gợi hồn quê. Có thứ mây mưa mê mẩn ở Vu Sơn.

Mây bay nhiều trong thơ ta cổ. Có thứ mây "am" trắng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có thứ mây ngàn đen rầm khi Kiều "dặm khách xa xăm" của Nguyễn Du. Lại có thứ mây xanh-trắng-vàng trên đầu anh trai quê đang tán gái.

Trong thơ ta kim, mây cũng không hiếm. Gộp chung kim cổ Tàu ta, mây trong thơ biết bao nhiêu loài. Vậy mà thứ "mây trắng lê thê mái đầu" của Võ Chân Cửu nom vẫn lạc loài.

Có cùng "giống" chăng, họa chỉ có thứ "mây trắng bay lên òa đất trời" của Nguyễn Ðức Sơn và vài thứ mây kỳ dị khác từng lởn vởn trên trời ở phía nam Trung bộ.
(Thu Tứ)



Võ Chân Cửu, “Ðăm đăm mây trắng”




Bỗng nhiên lạnh cả hồn tôi
Khi trông thấy dáng núi ngồi co ro
Một vùng đá mọc trơ trơ
Quạnh hiu cây cỏ nằm hơ ác tà
Ngang lưng én liệng la đà
Ngậm bao lửa hạ để già mấy thu
Cao cao mây vẫn bay mù
Mênh mang gió quyện còn ru vạn đời
Trông ra lặng ngắt mù khơi
Phải người năm trước đã phôi câu thề
Mười năm làng cũ không về
Ðăm đăm mây trắng lê thê mái đầu.