Nguyễn Tuân ngồi tiệm nhẩy? Hình như chỉ trong “Một chuyến đi”. Người của Khâm Thiên vào đây chú ý đặc biệt đến những cái gì? Trước tiên là thứ tiếng nhạc “thở dài” rỉ ra từ các vách buồng, rồi tới những ánh đèn mầu biết khiêu vũ, rồi kế tiếp dĩ nhiên là các vũ nữ. Nguyễn “ngồi tễu”, thực là lòng xiết bao bỡ ngỡ, nhưng trông lại ra dáng “thờ ơ lạnh lùng”! Không biết có phải phần nào nhờ “cái dửng dưng trời in vào một bộ mặt” ấy mà Nguyễn được hết tễu ngay? Ðêm nay ở bến Hồng Kông, “nước” Hà Nội gặp một lúc những bốn “cánh bèo” Thượng Hải. Duyên bèo nước chấm dứt bằng một cái hôn vọng. Nguyễn hôn ai trong văn mình bao giờ chưa nhỉ? Nếu chưa, cũng là một dịp đích đáng chứ sao. (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Bèo Thượng Hải bến Hồng Kông”




Ðêm Hương Cảng của tôi, đêm nay, là một đêm thứ tám hay thứ chín gì đó. Cái sống ban đêm của hòn đảo đã không lạ tôi nữa. Vì sau mấy buổi làm trò đêm ở xưởng phim ra, tôi không về nhà. Tôi vẩn vơ ở ngoài đường và tiền thì ít được tiêu đến nhưng tôi đã thường tiêu nhiều thời giờ và sức khỏe hoặc ở kè đá bến tầu sương khói, hoặc trong tiệm hút hồng phiến, hoặc ở vũ quán, hoặc ở trà đình, nó u uất biết bao thèm muốn dễ dãi.

Ở Hồng Kông, lãng tử yêu sống đêm, đổi ngày làm đêm không sợ thiếu chỗ tụ họp hành lạc. Phong tục đặc biệt nhất của đêm hòn đảo, là một số lớn tiệm trà mở cửa nhận khách chơi vào khoảng bốn giờ sáng. Người ta uống nước, ăn bánh ngọt giữa một thời khắc mà loài người dở say giấc nồng. Thành thử một người muốn sống một cách ồ ạt cái đêm của mình, lúc nào cũng tìm được huyên náo. Riêng về cái thú uống một ấm trà ngon vào khoảng đầu trống canh năm ở một tiệm trà sáng trưng, đầy sinh khí, tôi ước ao một ngày rất gần đây, phong tục đó được du nhập vào “cao lâu giới” xứ mình. Ðể cho bao kẻ lưu đãng khỏi phàn nàn trong sương khuya lạnh rằng đêm Hà Nội là dài vì ít chỗ đặt chân cho người ta bán buồn mua vui; vì quá một giờ đêm người ta không biết gõ vào cửa tửu quán hay trà đình nào để tìm chút ấm áp cho lòng tê buốt, để trút cái gánh nặng vô liêu nặng kĩu kịt trên vai khách không nhà.

Ở bên quê hương, ở Hà Nội, vào cái giờ này, mà còn nhận khách ăn uống, hình như chỉ có mỗi một hiệu phở Ðình Hàng Bạc của Trưởng Ca thôi.

Ðêm nay, tôi ngồi tễu trong một tiệm nhẩy. Chung quanh những bàn ghế xinh xắn, có đến linh trăm con người ngọc ngồi tản ra từng tốp vây lấy sàn nhẩy. Gian buồng khiêu vũ China Emporium là một thế giới mê hồn thu nhỏ lại. Từ mấy phía tường thấm, lậu, rỉ ra những tiếng thở dài của bản đàn lãng mạn thương vay cho những cuộc tình không có ngày mai. Ở đây, màu sắc sự vật đều cử động. Trong mọi thanh âm, hình như có người pha trộn các thứ phẩm tươi màu. Và mùi hương lại gây mùi nhớ và muốn lên tiếng kể những chuyện ngày xưa.

Tôi ngồi yên. Với một cốc rượu mạnh, một cái tẩu thuốc lá tắt và một người bạn, nhận làm hướng đạo và thông ngôn. Tôi soi mặt tôi vào chất pha-lê thuần túy chiếc cốc trong trẻo phô rõ chất máu rượu ngon không cấn. Mầu sáng bóng pha-lê phản chiếu, trả lại cho tôi một bộ mặt vô sự. Một vài vũ nữ đẹp, đứng tuổi đã nhầm cái thờ ơ lạnh lùng của một khuôn mặt. Họ tưởng tôi là một người đã chán cả với hoa nguyệt dưới gầm trời. Cái dửng dưng trời in vào một bộ mặt lại cho tôi có dịp mời người đẹp ngồi, uống rượu và nói chuyện. Người đẹp đẹp lắm.

Ðấy là những tượng bạch thạch có linh hồn. Màu da kia là một màu hồng dìu dịu rọi lên một lần đá cẩm thạch trắng. Trong cái dè dặt của dáng điệu, sôi nổi một nguồn sống đầy dục vọng. Tôi muốn biết tên người đẹp. Ông thông ngôn bắt đầu làm việc.

- Bạn tôi muốn rõ tên cô nương và địa chỉ.

Vũ nữ cười, để lộ những hàm răng đào chớp bóng Âu Mỹ. Sau cái cười thứ nhất, tâm tôi lung lay. Sau cái cười thứ nhì, hồn tôi bay. Có nên lạ không? và sau những nụ cười “liên châu” tôi lại càng đê mê nữa khi giai nhân bắt đầu nói.

Tiếng đâu mà trong như thủy tinh, ấm áp như hạnh phúc. Giai nhân nói một hồi, kể viết ra được đến một trang bản thảo khổ lớn (...)

(...) chị em vốn người Thượng Hải. Một phen binh lửa, son phấn phải dời đất Bắc xuống đây làm ăn (!). Dứt lời dịch tóm tắt của ông thông ngôn, bốn vũ nữ trao cho tôi bốn lá thiếp nhỏ có ướp nước hoa. Cái gì? Cô Tần Lệ Liễu. Cô Thu Muội Muội... Cô Hoài Thanh Thanh... Cô Ðiệp Ảnh... Tôi gọi thêm rượu và sung sướng cất những tấm thiếp kia vào ví. Tôi vốn giầu tưởng tượng. Tôi thoáng có một tứ sầu, tưởng đấy là những món tóc thề mà một người tình cẩn thận trao cho lúc chia tay, lưu lại cho nhau một di vật phòng xa đến cái biệt ly lại còn là vĩnh quyết nữa. Chúng tôi nói chuyện nhiều. Tiếc và giận ông bạn không đủ danh từ văn hoa để diễn hết lời bèo nước.

Gần hai giờ sáng, Tần Lệ Liễu, Ðiệp Ảnh, Hoài Thanh Thanh và Thu Muội Muội xin cáo.

- Chị em tôi bây giờ về bên kia Cửu Long. Chúng tôi không có trú sở ở bên này. Nhà của tụi tôi đều ở bên kia bến.

- Phiền nhỉ. Cách cửa bể, cách thuyền. Mới gặp nhau, đã khó gần mà lại càng thêm xa.

- Thế cũng không phải là một cớ buồn. Ðêm nào chị em tôi chẳng qua đây. Vả chăng danh thiếp kia đã có địa chỉ, khi nào quý khách nhàn tản qua bên doi đất Cửu Long, xin mời lại chơi. Ban ngày. Hai ba giờ chiều là tụi tôi đã ngủ dậy rồi.

Thu Muội Muội chúc tôi một đêm tốt và chị em đồng điệu họ ra phía thang máy. Tôi đưa họ ra bến. Ra đường tôi tìm mướn xe tắc-xi. Họ kêu cũng gần bến, nên đi bộ nói chuyện cho ấm. Ðêm Hồng Kông tưởng chúng tôi quen biết nhau đã từ lâu. Tôi ước ao trong canh tàn này, được cầm một cây đàn ở tay, mãn đời sắm vai anh kép sống những đêm thừa thãi với đào.

Bến nước sáng như ban ngày. Ðối ngạn là bến Cửu Long cũng sáng tựa cháy. Ðoàn tầu binh và tầu buôn, đèn thắp quá sao sa, soi mình xuống mặt nước cửa sông Châu Giang. Ánh sáng dữ dội soi tỏ mặt tụi tôi bừng bừng sắc rượu. Mà có riêng gì Thu Muội Muội, Ðiệp Ảnh v.v. xuống thuyền. Ở kè đá bến Hương Cảng còn nhan nhản những người đẹp đang lao xao trên bờ dòng nước vỗ sóng mặn. Ðấy là những vũ nữ, đào hát mà các rạp hát lớn và tiệm nhảy nhả ra. Họ cũng về Cửu Long. Những cảnh phấn hương tan tác nơi bến nước như thế này thường thường khách chơi đêm được thấy luôn. Bức tranh đẹp nhất của Hương Cảng đấy.

Gió bể thổi theo một chiều, thổi những bó hoa đắt tiền được tặng thưởng mà các đào hát hờ hững vứt trên làn sóng bạc đầu.

Tôi không thấy rõ hình Thu Muội Muội và bọn họ. Nước bèo gặp gỡ, tôi cảm thấy đêm nay là đêm thứ nhất và cũng là đêm cuối cùng một cuộc đụng chạm. “Yêu cái gì mà mình không thấy tới hai lần”!

Tôi bỏ tẩu thuốc lá ra khỏi miệng, vọng sang phía doi đất Cửu Long, đặt một cái hôn vu vơ vào không gian.

Tiếng đế giầy nặng nhọc lại làm bạn với tiếng sóng nước không mỏi mệt.


(Trích từ chương “Hoa, ánh sáng và nước” trong tập
Một chuyến đi (1941). Nhan đề phần trích tạm đặt.)