Chị Nhuần đơn giản chọn chỗ tốt hơn cho con gái, hay chị chủ trương thế còn vì một linh cảm nào đó khiến chị muốn giữ “tôi” cứ tiếp tục còn không? Lòng người, nghĩ mà rờn rợn...

(Thu Tứ)



Đặng Văn Sinh, “Bến phù dung” (2)



Nghề đò dọc thích nhất là những lúc sóng êm, gió thuận. Giữa trời nước bao la, con thuyền bồng bềnh, cánh buồm no gió phồng lên ngả màu nâu sẫm dưới ánh trăng thượng tuần. Có khi mặt nước lặng sóng phẳng như tấm gương phản chiếu bầu trời đêm với hằng hà sa số ngôi sao xanh mơ hồ từ dải Ngân Hà xa xôi. Những lúc thanh nhàn như thế, tôi thường cùng cái Nhụy ngồi trên sạp thuyền ngắm ông Thần Nông và Con Vịt đang lặn ngụp bên bờ sông Ngân rồi khe khẽ cất tiếng hò một điệu hò sông nước. Tiếng ngân nga của hai đứa lọt thỏm vào giữa không gian mênh mông. Ngắm sao chán lại lăn ra ngủ. Có lần ngủ say, thuyền chòng chành, bàn tay tôi vô tình đặt lên ngực cái Nhụy. Nó bậm môi lại (tôi nghĩ vậy vì đó là thói quen của nó), chẳng nói chẳng rằng, hất mạnh ra rồi chui vào trong khoang. Vì chuyện ấy, Nhụy giận tôi mất mấy ngày, thanh minh thế nào nó cũng không nghe.

Khó nhất là những khi ngược nước, gió trái chiều, tôi phải quàng thừng vào vai, chân trần, khom lưng kéo con thuyền nặng nề nhích dần từng bước men theo triền sông. Dấu chân có ngón cái choãi ra của tôi in hằn trên lớp phù sa đỏ, dẻo quánh như nhựa đường. Dưới thuyền, anh Trác tỳ sào vào vai, chạy từ mũi đến lái, dùng hết sức bình sinh đẩy, có khi cong cả con sào. Giong thuyền ngược nước mệt lắm. Nhiều lúc thấy chồng đuối sức, chị Nhuần phải làm thay. Chị cũng đặt đầu sào vào hõm vai, ngay phía trên bộ ngực đồ sộ, đẩy thuyền một cách kiên nhẫn. Tôi cho rằng cặp vú của chị có khả năng đàn hồi tuyệt vời. Nó giống như miếng đệm lò xo làm chị ít cảm thấy đau. Nhưng thật ra không phải thế. Buổi tối, trước khi đi ngủ chị thường lấy rượu ngâm củ gấu tàu bôi khắp vùng ngực rồi lặng lẽ xoa bóp. Sau này tôi mới hiểu, bất cứ thứ gì đụng chạm vào vú đàn bà cũng đau trừ bàn tay đàn ông và bé em bú mẹ.

Từ khi tôi thành người làm công, khoang thuyền chật hẹp được chia làm hai ngăn bằng một vách thưng. Cái Nhụy ngủ với mẹ, còn tôi và anh Trác nằm ngoài. Những đêm mưa phùn gió bấc, anh Trác vào với chị Nhuần, cái Nhụy lại nhoai ra nằm bên tôi. Lúc phía trong có tiếng lịch kịch rồi chị Nhuần khẽ rên rỉ giống người bị bóp cổ, thở hổn hển, cái Nhụy làm như ngủ mê ôm cứng lấy tôi. Tôi sợ lắm nhưng cũng giả vờ ngủ say, có điều người nóng ran, tim đập thon thót. Một lúc sau anh Trác chui ra, hai đứa vội rời nhau.

Thời gian qua thật nhanh, thấm thoắt đã năm năm. Nghề sông nước với cuộc sống nay đây mai đó khắp các xứ đông đoài đã biến tôi thành một gã lắm mơ mộng hão huyền và thích phiêu lưu. Nhụy cũng trở thành thiếu nữ từ lúc nào không hay. Cô có làn da hơi sẫm màu của dân vạn đò, cặp chân mày rậm và cái mũi dọc dừa rất thanh nhưng không xinh bằng mẹ. Chị Nhuần có cặp mắt bồ câu đen và sâu như không có đáy. Quanh năm gội nắng gội mưa mà nước da vẫn mịn màng, chẳng khác gì một phụ nữ tỉnh thành quen nếp sống đài các. Khác chị em cùng lứa, chị Nhuần không nhuộm răng đen. Hàm răng chị đều tăm tắp, trắng bóng như men sứ. Nét cuời của chị lúc nào cũng dịu dàng nhưng đầy bí ẩn thoáng chút giễu cợt luôn làm cánh đàn ông xao xuyến.

Là con gái mà Nhụy bơi giỏi hơn cả tôi. Cô ta lặn ngụp dưới sông như rái cá. Mỗi khi từ dưới nước ngoi lên, mái tóc rất dày bết lại, nhờn nhợt phù sa non, trông chẳng khác gì đám rễ bèo tây ở vùng cửa sông. Tính Nhụy có phần bộc tuệch, gặp gì nói nấy, giống anh Trác, chẳng để bụng giận ai lâu, thế mà một lần tôi vẫn bị mắc lừa. Chuyện xảy ra vào đầu mùa lũ năm Mùi, chúng tôi chở bí xanh từ bến Tràng xuống mãi vạn chài Hải Tân. Thuyền đỗ nửa ngày ở ngã ba chợ Cháy để chị Nhuần lên bờ lấy tiền hàng. Anh Trác mệt nằm trong khoang. Nhụy nấu cơm xong bảo tôi:

- Anh Quỳnh câu mấy con cá chốc rán ăn, em tắm một cái.

Nói rồi cô nhảy xuống sông. Tôi lơ đãng nhìn theo vệt tăm, một lúc sau không thấy đâu cả, tôi vội quẳng cần câu lao xuống nước. Thật may, chỉ với hai ba cú nhoài tôi đã túm được cô gái lúc này đang lập lờ cách thuyền một đoạn không xa. Vốn đã có kinh nghiệm trong việc cứu người chết đuối, tôi để Nhụy gối đầu lên vai, tay vòng ngang bụng rồi dìu dần về thuyền. Gió đã bắt đầu mạnh lên. Ðầu cô gái cứ ngặt nghẽo theo nhịp sóng lưỡi búa. "Chắc là uống nhiều nước, phải bơi thẳng vào bờ, vác ngược lên vai, chạy một đoạn thì may ra mới cứu được." Tôi vừa nghĩ đến đó thì bất ngờ Nhụy ngẩng đầu lên, oằn người tuột khỏi tay rồi lặn một mạch. Tôi nhoài theo định túm lấy chân mà không kịp. Chỉ một loáng, cô ta đã ngồi trên kè đá, vừa vuốt mớ tóc dính nhớp nháp phù sa vừa bĩu môi cong cớn rất là trẻ con:

- Tưởng người ta chết đuối hả? Còn lâu nhá!

Tôi cũng leo lên ngồi bên cạnh, lấy ngón tay ấn vào trán Nhụy đe:

- Lần sau mà rơi xuống sông đừng hòng anh đây cứu.

Nhụy cười để lộ chiếc răng khểnh bị sứt một miếng trông rất nghịch ngợm:

- Ðùa một tí xem tấm lòng "người ta" thế nào thôi, chứ con gái nhà đò chết đuối sao được.

Xem ra chuyện của chúng tôi không qua được mắt vợ chồng anh Trác có ý muốn tác thành nhưng chị Nhuần thì hầu như chẳng tỏ thái độ gì. Cách đây mấy tháng, lần chở khoai sọ đi Thủy Nguyên, có một ông ký hỏa xa cùng quê Kẻ Sung đánh tiếng muốn hỏi Nhụy cho cậu con trai út. Biết chuyện, cô ta giẫy nẫy lên, dọa sẽ nhẩy xuống vực Thuồng Luồng tự tử nếu bố mẹ ép duyên. Chị Nhuần tức mình bảo: "Con với cái. Cá không ăn muối cá ươn."

Nhưng rồi ít lâu có chuyện xảy ra. Chuyến ấy thuyền chở đầy dưa hấu Sài Sơn, vừa đóng hàng xong ở bến Tuần thì một cơn bão bất ngờ ập tới. Ðó là cơn bão năm Thân. Cuối giờ Mùi, gió xoay hướng tây nam, giật đứt dây neo, đẩy thuyền nghiêng ngả. Cơn bão ngày càng mạnh mà chỉ lác đác vài hạt mưa. Loại này vùng quê tôi gọi là bão khan, sức tàn phá rất là ghê gớm. Nước sông mỗi lúc một lên cao vì mấy ngày trước mưa lớn ở thượng nguồn. Con thuyền lừ lừ trôi như người lên đồng mà không có cách gì hãm lại được. Các mái chèo và con sào đều vô tác dụng trước dòng nước xiết, chảy cuồn cuộn như thác. Bỗng "rắc", bánh lái bị gẫy. Thuyền lệch hẳn về một bên. Chị Nhuần và Nhụy định ném dưa xuống sông, anh Trác vội quát:

- Không được ném! Ném hết là thuyền lật.

- Làm thế nào bây giờ? - Chị Nhuần mặt tái nhợt, hét toáng lên thế mà tiếng vẫn bị chìm trong những âm thanh rùng rùng của bão.

- Mẹ mày chống sào, cậu Quỳnh với cái Nhụy chèo cho đều tay để tôi bơi vào bờ dòng dây kéo.

- Không được! Nguy hiểm. - Chị Nhuần xua tay.

- Còn hơn là chết cả nhà. - Anh Trác vừa quát vừa phẩy tay. - Cậu lấy sào thăm độ sâu, nếu chạm đất phải cố ghì để mũi thuyền hướng vào bờ.

- Ðể em xuống kéo dây. Anh yếu không bơi được vào bờ đâu.

- Ðừng có coi thường tôi. - Anh Trác khoát tay bảo. - Cậu lo phần việc của mình đi.

Anh Trác lao khỏi mạn thuyền lập tức bị dòng lũ nuốt chửng, càng cố vùng vẫy càng bị đẩy ra giữa sông. Nhìn kiểu bơi của anh tôi biết thế là gay rồi, vội nhảy xuống, nắm sợi chão, nhắm mắt lặn một hơi bơi ngược nước. Con thuyền vẫn lắc lư giống hệt một gã đàn ông cao lênh khênh, quần áo tả tôi, say rượu, nhưng tốc độ có phần chậm lại vì tôi đã kéo được mũi vào vùng nước nông, sau đó ra hiệu cho mẹ con chị Nhuần giong vào Cồn Vành. Gần một giờ lặn ngụp mệt nhoài, tôi bị trôi xuống tận cổng Cổ Tân mà vẫn không tìm thấy người chủ thuyền. Cơn bão hoành hành suốt đêm hôm ấy, mãi gần sáng mới dịu đi. Một trận mưa trắng trời đổ xuống ngã ba sông.

Mãi ba ngày sau mới tìm được anh Trác. Anh bị nước lũ cuốn xuống mãi bến đò Vạn Ðiền. Mẹ con chị Nhuần để anh ở nghĩa địa vạn chài Cổ Cháy. Nhờ kinh nghiệm của anh, thuyền không bị lật mà vẫn giữ được mấy chục sọt dưa. Nhiều nhà mất cả người lẫn của vì quẳng hàng xuống sông.

Anh Trác mất đi, chị Nhuần xọp hẳn chẳng khác gì người mắc chứng hậu sản sài mòn. Thấy gia cảnh như vậy, nghĩ ở lại không tiện, tôi nói với bà chủ xin đi nơi khác. Chị Nhuần cười nhạt bảo:

- Năm sáu năm qua, chúng tôi vẫn coi cậu như người nhà, giờ chẳng may gặp vận hạn chả nhẽ lại nhẫn tâm bỏ đi.


(còn tiếp)