Sơn Vương, “Dã tràng biết múa”




Dã tràng xe cát biển đông,
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.


(...) lúc tôi còn cặp sách đi trường (vào khoảng 1919-1923) ông thân tôi có khai thác một số ruộng rừng bên cạnh Vàm kinh ông Lớn. Kinh này bắt nguồn từ làng Tân Thành chạy dài ra tới sông Cửa Tiều thuộc Gò Công. Vì gần biển ở vùng nước mặn (qua mùa mưa mới có nước lợ) nơi ấy có loại còng đặc biệt này, nhưng lúc nhỏ vô tình có biết đấy là đâu, sau này truy ra lý lịch mới nhận ra nó là con dã tràng.

Ðó là một trong các loại còng mình thon chân nhỏ, thuộc loại thập túc (...) tám que hai càng như các loại còng khác. Chỉ đặc biệt về sự chênh lệch giữa hai cái càng: cái bên trái thì nhỏ tí ti, cái bên mặt to hơn gấp bội, to hơn cả cái mình nó nữa. Toàn thân xanh, riêng chiếc càng lớn thì đỏ.

Ðó là con đực, con cái hai càng xấp xỉ nhau.

Khi nước triều lên, không ai thấy chúng, khi nước triều xuống chúng mới xuất hiện để bắt tay vào việc kiến thiết. Con nào cũng nỗ lực xây nhà theo kiểu ống khói chọc trời (...) Ðào hang lấy được bao nhiêu đất, nó đắp vòng tròn chung quanh miệng hang, và cứ thế xây cao lên mãi cùng một kiểu ống khói như nhau.

Ðứng trước công trình kiến thiết của một làng còng dã tràng ta có cảm tưởng như nhìn vào một khu vực kỹ nghệ, có nhiều nhà máy vì như trên đã nói, đền đài của chúng dựng lên chỉ có một kiểu ống khói chọc trời như nhau. Có khác nhau chăng về chỗ cái lớn cái nhỏ hoặc cái cao cái thấp (...)

Xong công tác xây dựng nhà cửa, không thấy chúng lo việc kiếm ăn, chừng như chúng đã no mồi trong khoảng thời gian nước lớn.

Có thể nói dã tràng là một loài sinh vật biết khiêu vũbiết chơi âm nhạc cũng chưa biết chừng.

Chả thế mà sau khi nhà cửa làm xong, chúng liền tập trung ý chỉ vào cuộc vui chung tập thể bằng một thứ vũ điệu hết sức nhịp nhàng (...)

Bọn chúng ở có chòm, dĩ nhiên cũng có kẻ lớn người nhỏ. Sự sống của chúng đã có qui mô nề nếp, nên thằng lớn nhất có lẽ nó được đề cử làm nhạc trưởng hay sao, nên nó mới được đứng trên mô cao để điều khiển cuộc hòa tấu bằng cách đưa cái càng lớn lên trước, đồng thời bao nhiêu con khác cũng đưa lên một lượt, và khi nhạc trưởng hạ tay xuống, cả đoàn cũng làm theo như vậy.

Trong khi chiếc càng lớn của mỗi con đưa lên hạ xuống đều đều theo sự điều khiển của người chỉ huy, thì tám chiếc chân nhỏ của cả tập thể đều cử động một cách rập ràng ăn khớp đúng theo tiết tấu hòa âm trông thật đẹp mắt.

Trong khi đó, một thứ âm thanh kỳ diệu nghe ri rỉ như những làn gió nhẹ thoáng qua, dường như lâng lâng lên bổng xuống trầm để điều hòa với những vũ khúc mê li đang biểu diễn. Phải chăng đấy là một thứ âm nhạc u huyền của một loài sinh vật đặc biệt sống có tổ chức.

Cuộc vui cứ thế kéo dài, nếu không chuyện gì xảy ra, chúng cứ tiếp tục vui chơi cho đến khi nào có bóng người xuất hiện hay một con vật gì khác loài to hơn, thì chúng vội vàng giải tán, ai về nhà nấy. Khi ngọn triều dâng, nước ngập sóng xao làm sụp đổ cả đền đài dinh thự của chúng mới vừa xây dựng ban nãy. Thế là bao nhiêu công trình xe cát biển đông bỗng chốc đã cuốn theo dòng nước (...)

Con còng dại lắm còng ơi,
Luống công xe cát, sóng dồi lại tan.


(...) biết đâu (...) để đổi lấy niềm vui cho cuộc sống.

Nếu có một loại máy quay phim điện tử, đem đặt bên cạnh một khóm dã tràng nào đó để vừa thu hình vừa thu âm (...)

Ở Côn Sơn cũng có loại còng này, nhưng rất ít. Dường như loại cát trắng không phù hợp với lối xây cất nhà cửa theo kiểu ống khói chọc trời hay sao ấy. Phải có một ít chất bùn lẫn lộn thì khi xây lên mới không sợ gió cát bay (...)

dân cư ở các vùng duyên hải (nhất là Gò Công) (...) quen gọi là con còng nhịp (...)

Người ta bắt nó chỉ cần bẻ lấy chiếc càng lớn (...) nướng ăn (...) kể cũng ngon ngon.


(Sơn Vương,
Hồi ký, tập II, Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, nxb. Văn Học, tr. 249-252. Nhan đề phần trích tạm đặt.)