Chuyện to tày đình mà lời nhẹ như không: “Nhà tôi có sáu người thì năm làm mồi cho Hà Bá. Năm ấy tôi mới chớm mười sáu...”

Chớm mười sáu, đùng một cái, không cha không mẹ không anh không em, lang thang đói khát đầu đường xó chợ!

May quá, “trước khi chết đói” “tôi” gặp chị Nhuần...

(Thu Tứ)



Đặng Văn Sinh, “Bến phù dung” (1)



Ðược tin ông Quỳnh ốm nặng, tôi vội thu xếp công việc về thăm. Nghề của tôi là lái ca-nô lai dắt xà-lan, chỉ những dịp nghỉ phép hoặc tết nhất mới được ở nhà lâu lâu, còn quanh năm rong ruổi trên khắp các dòng sông, đêm ngày làm bạn cùng mây trời sóng nước. Ông Quỳnh với tôi thật ra chẳng dây mơ rễ má gì, nhưng ông có ơn cứu tử.

Chuyện xảy ra từ khi tôi mới mười một tuổi, hàng ngày thường cùng đám bạn choai choai cởi truồng quấn quần đùi lên đầu cưỡi trâu bơi qua sông sang cồn Láng Chăn. Dạo ấy đã cuối mùa mưa, nhưng nước sông vẫn đục ngầu, vỗ oàm oạp vào bờ. Chúng tôi bất chấp những lời răn dạy của người lớn, cứ cho trâu ra bến. Lũ trâu hàng tháng trời bị buộc trong chuồng, toàn nhai rơm khô, xót ruột, nhìn thấy cỏ xanh bên kia sông, mắt sáng lên, vươn cổ kêu “Ọ! Ọ!” đầy vẻ phấn khích rồi thủng thẳng bước xuống nước. Chưa đầy một khắc, đàn trâu lần lượt tấp lên bờ cát, riêng con của nhà tôi chẳng hiểu làm sao cứ trôi xuôi dòng, hết nhô lên lại ngụp xuống như là sắp chìm đến nơi. Hoảng quá, tôi kêu toáng lên, thoáng nghĩ đến thằng Vọt chết đuối năm ngoái ở cống Ba Kèo. Phen này thì hết đời rồi. Vừa nghĩ được đến đấy nước đã xộc vào miệng, tôi chới với quờ quạng nhưng không còn chỗ nào bấu víu. Con trâu có lẽ đã bị vực xoáy cuốn đi...

Ðến gần tối tỉnh lại tôi mới biết mình được cứu sống. Người cứu tôi là ông Quỳnh, lúc ấy đang thả lưới trên sông. Sau nghe ông kể lại, khi thấy đứa trẻ đang nhấp nhô gần vực Thuồng Luồng, ông vội vơ tay lưới, nhảy ào xuống nước nhưng cũng phải mất khá nhiều thời gian mới túm được chân tôi dìu vào bờ cát phía Cồn Láng.

Vậy mà đã hai mươi sáu năm. Ông Quỳnh bây giờ đã là một cụ già. Thời gian qua nhanh thật. Vừa nhìn thấy tôi, ông bảo:

- Mệnh của tôi sắp hết nhưng chưa chết ngay được. Trước khi về với tổ tiên, tôi muốn cậu cho xuống thuyền xuôi về bến Phù Dung thăm lại dòng sông.

Tất nhiên là phải chiều ý ông. Tôi mượn được chiếc thuyền gỗ có mui, mang theo ít đồ ăn, và thế là hai bác cháu lênh đênh trên dòng sông Lăng theo một hành trình hoàn toàn tùy hứng. Lúc này đã là cuối tháng tám mà thời tiết bất thường. Dòng sông đang nhập nhòa trong màn mưa bụi giăng giăng bỗng như lóe lên thứ màu ngọc lục khi ánh mặt trời vàng óng xuyên qua lớp mây trắng nõn đang lởn vởn trên chóp cao nhất của dãy Yên Tử xa mờ. Thuyền đi được một quãng khá xa. Ông Quỳnh ngồi ngay cửa khoang, lưng dựa vào cái chăn cuộn lại, mắt đăm đăm nhìn dòng sông. Tôi gần như để mặc con thuyền xuôi dòng, thỉnh thoảng khuấy nhẹ mái chèo cho nó trôi đúng hướng, còn phần lớn thời gian là ngắm trời ngắm đất, nhất là ngắm những vạt ngô non trên bãi sa bồi đang lao xao trong những đợt heo may đầu mùa. Một cặp cò trắng muốt từ bên kia cồn Láng, thả dần độ cao, nhịp nhàng vỗ cánh lướt trên mặt sông như là muốn soi gương trang điểm trước khi đáp xuống cánh bãi bên đầm Vực. Qua bến Ðụn, những con sóng óc ách vỗ vào kè đá bờ bên lở. Thấp thoáng dưới hạ lưu vài ba chiếc thuyền đánh lưới bén mỏng manh với nhịp gõ đều đều, khô khốc chẳng khác gì tiếng cành cạch của loài cà cộ lúc trời đổ bóng. Ngay trước mũi thuyền, mấy chú le le mỏ xám dập dềnh trên mặt nước màu gạch cua, thỉnh thoảng lại chúi đầu xuống, cái đuôi dựng đứng, ngoáy một vòng như là muốn khoe những chiếc lông màu cườm xanh biếc lóng lánh dưới ánh mặt trời. Còn lâu mới đến bến Phù Dung nhưng đoạn sông này có vẻ rộng. Một con đò dọc chở khách trảy hội đền Vàng cắm lá cờ thần to như cái chiếu bay phần phật. Từ trong khoang thuyền văng vẳng tiếng đàn chầu văn long bong. Ông Quỳnh lặng lẽ ngắm con đò, bất giác chép miệng bảo:

- Ngày trước tôi cũng có hơn chục năm làm nghề này.

- Sau đó bác mới về làng Cùa?

Ông thẫn thờ nhìn quanh như muốn tìm một người nào đó trong ký ức rồi thở dài gật đầu:

- Phải, nhưng mãi sau này cơ. Mà thôi, cậu không phải hỏi nữa, để tôi kể...

Vào khoảng giữa năm năm mươi, làng Gành quê tôi vỡ đê, nước ngập trắng cả vùng Tam Xá, chết nhiều người lắm. Sau khi nước rút, đồng điền xơ xác. Ðói quá, dân bỏ làng kéo nhau từng đoàn đi ăn mày. Nhà tôi có sáu người thì năm làm mồi cho Hà Bá. Năm ấy tôi mới chớm mười sáu, đang tuổi ăn tuổi lớn, gặp cảnh cơ hàn, khổ lắm. Theo đoàn hành khất, ngày đêm vật vờ như những bóng ma, thỉnh thoảng tôi lại chứng kiến cảnh một vài người gục xuống đường quan. Họ ngã xuống để rồi không bao giờ đứng dậy nữa. Ði rạc cẳng, độ già nửa tháng thì đoàn khất thực tan tác mỗi người một nơi. Kẻ chết đói, người chết bệnh, số khác dạt vào các làng vùng Ba Tổng làm thuê, chỉ mình tôi lang thang dọc theo triền sông Lăng chẳng có mục đích gì rõ ràng. Ngày thứ ba, vẫn thất thểu ở bến Phù Dung, vô kế khả thi, tôi đói, cứ chiều chiều lại ra các bãi ven sông mót những bắp ngô kẹ còn sót lại sau vụ thu hoạch nướng ăn. Dưới bến có chiếc đò dọc neo đã mấy ngày chờ hàng. Ðó là loại thuyền gỗ không lớn lắm, buồm cánh dơi, chuyên chở hàng nông sản đi khắp các bến thuộc hạ nguồn sông Lăng. Chủ thuyền là anh Trác, mới khoảng ba chục tuổi mà trông chẳng khác gì ông già năm mươi bởi cái dáng người lòng khòng và mái tóc sớm muối tiêu đầy vẻ phong trần. Cùng đi với anh Trác còn có chị Nhuần và cái Nhụy chừng mười một mười hai tuổi, tóc đỏ như râu ngô. Chị Nhuần chưa đầy hai tám, người dong dỏng, thắt đáy lưng ong nhưng chẳng hiểu sao chỉ có mỗi mụn con gái. Mọi công việc từ bốc dỡ hàng đến chống sào bẻ lái chị làm băng băng, khác hẳn ông chồng hom hem, lúc nào cũng lừ khừ như ông từ vào đền. Anh Trác bị bệnh suyễn kinh niên. Nghề chạy đò dọc là quá sức nhưng chị vợ ham làm giàu chẳng mẩy để ý đến sức khỏe của chồng.

Dịp ấy đã qua mùa lũ, sắp đến tết bạch lộ. Cồn Vành phơi màu vàng nhạt giữa ngã ba sông. Ðứng trên bến Phù Dung có thể nhìn rõ những vồng khoai mới trồng trên bãi phù sa giữa những thảm cỏ xanh thẫm. Hoa cứt lợn và hoa vòi voi lốm đốm giữa những đám tầm bóp sai trĩu quả. Quả tầm bóp mọc thành từng chùm đang độ chín, thỉnh thoảng gặp ngọn heo may khẽ đung đưa như những chiếc đèn lồng bọc lụa vàng óng. Hoa bồ công anh hăng hắc như mùi bạc hà nở rộ trên khắp các bãi hoang. Một cây bàng ba tầng tán đứng chơ vơ trên gò đất hình con voi quỳ cao hơn hẳn mặt cồn. Dưới gốc bàng là mấy gian quán cật đá, lợp ngói âm dương, để vào thời vụ, dân làm đồng nghỉ ngơi tránh nắng. Trên cao tít, một con diều đang chao lượn. Con diều khá lớn, được neo bằng dây gai to như sợi thừng, thả vào không gian những thanh âm du dương của chùm sáo kép.

Nằm trên cỏ, gối đầu lên tay nải, bụng đang lép kẹp nhưng tôi vẫn mải mê lắng nghe tiếng sáo vô cùng quyến rũ từ trên trời vọng xuống. Tôi vừa lim dim mắt nghe sáo vừa thầm ước lượng kích cỡ chiếc diều thì người thiếu phụ, vợ anh Trác, đến bên hỏi:

- Cậu đi đâu mà nằm ườn ra thế này?

Tôi trả lời nhát gừng:

- Chẳng đi đâu cả.

- Cậu này nói lạ. - Chị ta nguýt tôi, giọng hơi chua - Bị bố mẹ tống ra khỏi nhà phải không?

Tôi khịt mũi nhỏm dậy:

- Thích thì nằm đây. Chị đừng có ăn ốc nói mò.

Chị Nhuần cười nửa miệng:

- Trông bộ dạng cậu kìa, chắc là đang đói phải không?

Ðiều ấy thì chẳng phải bàn nữa. Bây giờ mà có nồi bảy cơm tôi cũng đánh bằng hết. Nhưng tôi không thích cái kiểu bắt thóp của người đàn bà xinh đẹp có đôi mắt đầy vẻ giễu cợt nên tức mình văng tục:

- Việc đếch gì đến nhà chị mà chõ mồm vào.

Người đàn bà đã toan bỏ đi, chẳng biết nghĩ ngợi thế nào quay lại bảo:

- Hỏi thế vì tôi đang cần người làm. Cậu có muốn đi dò dọc không?

Tôi nghĩ chị ta chế nhạo mình, liền hỏi cộc lốc:

- Làm gì?

- Chống sào.

Nhìn vào mắt người thiếu phụ tôi có cảm tưởng chị ta không đùa nên chớp ngay lấy thời cơ trước khi chết đói:

- Chị thuê thật à?

- Tôi không nói chơi. - Người đàn bà hất hàm - Thuyền đậu dưới bến kia. Ðã hai hôm nay để ý thấy cậu hay lang thang dọc bờ sông, tôi đoán cậu từ xa đến đây.

- Chị nói đúng. Tôi người Kẻ Gành vùng Ba Xá mới vỡ đê...

Coi như hôm ấy tôi gặp may. Có lẽ lúc ra khỏi làng Gành tôi bước chân phải trước. Công việc khá vất vả. Ngoài chống thuyền những khi ngược nước, tôi còn đảm nhận chức năng cửu vạn, nghĩa là cùng với chị Nhuần, cái Nhụy bốc hàng lên xuống mỗi khi thuyền cập bến. Ðược ăn uống no đủ, sức vóc tôi lại rất nhanh. Chưa đầy nửa tháng tôi đã bê những sọt dưa hấu nặng bốn năm chục cân chạy huỳnh huỵch suốt buổi mà không thấy mệt. Chị Nhuần thích lắm, bảo:

- Cậu làm ăn tốt lắm, cứ ở đây với anh chị, đừng đi đâu nữa.


(còn tiếp)