Khuyết danh, “Người Tày - Tổng quan” (2)




Dân tộc Tày là một cộng đồng người nói ngôn ngữ Tày-Thái, có dân số 1.196.342 người, đông nhất trong số các dân tộc thiểu số ở nước ta.

Địa bàn cư trú chính của họ (...) các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Ninh...

Từ năm 1954 và nhất là sau năm 1975, có một bộ phận người Tày di cư vào các tỉnh phía Nam, trong đó có trên 6.605 người Tày vào Lâm Đồng. Đến nay (10-1997) số đó đã lên tới 8.913 người. Địa bàn cư trú tập trung nhất tại xã Tùng Nghĩa, huyện Đức Trọng và một số huyện khác...

Nguồn sống chính của người Tày là nông nghiệp, ruộng nước. Nền nông nghiệp Tày đã phát triển tương đối cao. Ngoài lúa nước là cây lương thực chính, đồng bào còn trồng thêm ngô, khoai, sắn và các loại cây thực phẩm khác và thuốc lá trên những nương định canh...

Việc trồng bông dệt vải và nuôi tằm từ lâu đã phát triển, không những đáp ứng nhu cầu của từng gia đình, mà còn được bán ở những chợ tại địa phương. Ngoài ra, đồng bào còn chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, heo, gà, dê...

Các nghề thủ công gia đình (...) đan lát đồ dùng gia đình bằng mây, tre, lá; rèn công cụ, nghề mộc và nghề gốm...

Đồng bào Tày thường sống quần tụ thành từng bản. Mỗi bản có từ hai mươi đến một trăm nóc nhà. Nhiều bản hợp lại thành một mường tương đương với một xã.

Bản (làng) của người Tày được xây dựng ở những chân núi hoặc những nơi đất đai bằng phẳng ven sông, suối, trên các cánh đồng. Nhiều bản có lũy tre xanh bao bọc xung quanh.

Nhà truyền thống của dân tộc Tày là nhà sàn (...) bên trong gồm hai phần: phần trong và phần ngoài (...) ở những gia đình khá giả, nhà sàn được xây bằng gỗ tết có ván bưng xung quanh (...) mái lợp ngói, trông rất khang trang (...)

Về trang phục truyền thống, nam cũng như nữ chủ yếu mặc quần áo màu chàm. Quần lá tọa, áo năm thân. Nữ thường chít khăn mỏ quạ, buộc thắt lưng, đeo vòng cổ, vòng tay, vòng chân bằng bạc và khuyên tai bằng vàng. Một số phụ nữ Tày khi ra chợ thường mang túi vải có thêu hoa. Hiện nay, cách trang phục như thế chỉ còn thấy trong những ngày tết hoặc các ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc.

Thường ngày, đồng bào Tày ăn cơm tẻ, nếp chỉ dùng làm bánh dày hoặc đồ xôi vào dịp lễ, tết. Rượu và chè (trà) là hai thứ uống tương đối phổ biến (...)


(Theo trang
dalat.gov.vn)