Mấy ngày lênh đênh tầu biển vừa đưa một người từ Hà Nội đầy xe kéo qua Hồng Kông nhan nhản tắc-xi. Xe mà chạy nhanh “như một hòn chì đạn sau tiếng nổ bấm cò súng”, mà trong lòng cái hòn chì đang vùn vụt trên mặt đường nhựa “như lóe ra được hào quang” ấy lại là... Nguyễn Tuân! “Tôi (...) say sức nhanh (...) Tôi ngây ngất (...) tôi ngà ngà”. Đêm Hồng Kông còn dài, hứa hẹn lắm thứ chưa từng, nhà lãng tử sẽ được hơn hẳn ngà ngà... Bữa tiệc tẩy trần linh đình, “phút vinh” của “một chuyến đi” đây. “Nhừ” vì rượu ngon và sắp sửa hóa sứa bởi tiếng tỳ bà nghe ghé, khá lắm. Buổi sơ ngộ Cảng như thế này, hẳn coi như là được. (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Bữa tiệc tẩy trần”




Chưa bao giờ tôi được say sức nhanh đến thế, ở giữa những phố đông người sang ngang, trong làn ánh sáng xanh, đỏ, trắng, tím, vàng phát từ muôn nghìn thước ống thủy ngân, uốn theo hình chữ quảng cáo của một thành phố anh chị trong việc buôn bán ở Cực Ðông.

Tôi ngây ngất. Tốc lực tắc-xi đã làm cho tôi ngà ngà. Thế mà tài xế còn chưa cho là đủ. Hắn còn rú mãi ga. Chiếc xe vùn vụt. Như một hòn chì đạn sau tiếng nổ bấm cò súng. Ðôi đèn pha rọi đường cho xe, không là cần dùng nữa. Ðôi con mắt điện kia chỉ còn có tính cách trang điểm thôi. Vì ánh sáng của nó không trội được trên dải phố lát nhựa nó như lóe ra được hào quang chói mắt.

Ðêm nay là đêm đầu tiên của tôi tại Hồng Kông. Ánh sáng của Hồng Kông là ánh sáng một kinh thành tự cháy bùng lên theo điện học, làm mờ mắt và nóng mặt những lữ khách chưa quen với sức sáng gắt gỏng, lọc lõi và dữ dội này. Ngồi trong xe hơi, tôi có cảm giác chơi hú tim với ánh sáng rọi qua cửa kính. Xe chạy nhanh, chốc chốc lại hãm phanh dựng đứng xe lên được vì có một sính sáng Trung Hoa đang mải đọc một tờ báo Tầu đi từ lề đường bên này qua hè bên kia. Ấy ở Hồng Kông, nó có những cuộc gặp gỡ của cực đoan quái lạ như vậy.

- Tụi sốp-phơ ở đây tài hơn bọn ở Paris kia "lậng"! Tụi nó lái lắm cái mình thất hồn.

Ông thông ngôn người Nam kỳ giảng như vậy cho tôi nghe và cười vào giữa bộ mặt rất khâm phục của tôi. Tôi bỡ ngỡ với một sự sinh hoạt mới lạ.

Xe chạy đều và êm.

- Từ xóm Lợi Hý Viện mình ở, cho tới Sạch Sùng Chủi xa lắm. Có dở bản đồ ra mới biết. Vậy mà thường tụi sốp-phơ chỉ chạy hết có mươi phút.

- Sạch Sùng Chủi! cái tên xóm nghe ngộ đấy nhỉ!

Ông thông ngôn càng cười nhiều. Ông lấy làm hãnh diện tỏ rõ mình là một người nghe danh từ này đã quen tai. Tính đã đủ thưởng thức sự tò mò của tôi trước thanh âm của tên một xóm ăn chơi, ông mới nói tiếp:

- Chính chữ Hán, ta đọc nó là Thạch Ðường Tử. Người Quảng Ðông phát âm là Sạch Sùng Chủi. Xóm này đối với Hồng Kông không khác gì xóm Mông-mạc hay hộ La-tinh ở Ba-lê. Ở Sạch Sùng Chủi, người ta ăn chơi sáng đêm (...)

Rồi xe từ từ đỗ cạnh vỉa hè một phố rộng rất sáng. Nước sơn bóng, mới của một đoàn xe nối sát đầu và đít vào nhau có đến trăm chiếc, phản chiếu cái ánh sáng ấm áp mấy tửu điếm. Năm từng nhà lầu. Bảy tám từng nhà lầu.

Quay mặt ra phía trước là Kim Lăng tửu điếm, cao lênh nghênh sáu từng gác và mặt nhà cũng chằng chịt bóng đèn nhiều nến. Họ thi nhau mà thắp như giữa những buổi dạ hội khánh tiết lớn. Mắt tôi lại quáng mất rồi.

Theo lời đính ước với mấy viên đại diện hãng phim Nàm Duỵt thì 8 giờ tối nay, chúng tôi tề tựu đông đủ ở từng gác thứ tư khách sạn Quảng Châu.

Hãng phim Nàm Duỵt đặt tại tửu điếm rất lớn này một tiệc rượu rất long trọng. Họ sửa cái lễ tương kiến giữa đoàn tài tử Việt Nam và nhân viên hãng phim Tầu đấy.

Lên khỏi cầu thang máy, tôi đã thấy cảnh lộng lẫy khách sạn này hiện trong gian phòng rộng rãi có thể nhận được đến hàng trăm người ngồi dự tiệc. Anh em đã họp mặt gần đủ cả.

Bắt đầu cuộc giới thiệu. Chủ khách đều vui cười. Người ngồi, kẻ đi, kẻ đứng trong không khí đằm thắm. Tiếng vỏ hạt dưa kêu lạo xạo như tiếng đổ vỏ ốc. Khói thuốc giăng tỏa đầy phòng.

Nguyễn Doãn Vượng bấm sẽ tôi:

- Có hào lẻ đấy chứ? Anh nên nhớ đi tiểu ở đây phải cho tiền đầu sai đấy nhá. Cũng như đối với mọi cái người ta chiều chuộng mình. Ði tiểu ra, sang thì cho người ta bốn năm hào, ít cũng hai hào. Vì mình là khách sang. Có sang trọng thì mới ăn chơi ở đây. Bồi bàn nó đánh diêm châm cho mình điếu thuốc, thế là một hào. Nó chải quần áo qua loa cho mình, thế là một hào khác. Nó cất mũ và áo ngoài cho mình, thế là hai hay bốn hào...

- Cái gì mà nhiều thế? Chỉ nói nhảm.

- Ðùa sao? Tôi qua đây trước các anh không đầy một tuần lễ, mà túi gần cạn vì những phí khoản vụn vặt đó. Ở đây, họ có ước lệ ngầm đánh thuế xa xỉ vào người.

- Thế thì khổ quá.

- Chịu vậy chớ sao. Ðể giữ lấy giá người (!). Khách nó mời ăn tiệc, anh lại muốn hạ giá người xuống nhờ họ trả cả những khoản nhỏ nhặt mà một người lịch sự phải xử lấy hay sao?

- Nhưng mà chúng ta không quen như vậy.

- Thì tập lấy cái tính đó. Bắt đầu từ bây giờ đi. Cũng không khó gì. Ít ra trong những ngày ở đất khách, mình nên nhớ đã đút đầu vào những nơi phiền ba (!) như đây là phải tốn kém.

Tôi đang kính cẩn nghe lời Doãn Vượng dặn bảo, thì một anh bồi bàn đã tủm tỉm cầm một cây bàn chải lại cạnh tôi. Tôi hiểu ý sau cái nháy mắt của Doãn Vượng. Tôi ưỡn mình ra. Anh bồi khom khom chải lia lịa. Rồi khi anh dậy, anh lễ phép đưa ra một cái đĩa bạc xinh vô cùng. Tôi nhẹ nhàng để vào lòng đĩa nhỏ hai hào bạc và nhận lấy cái gật đầu cám ơn của y.

Tôi muốn hưởng cái khoan khoái của khách phong lưu được người ta săn sóc nhiều, đi tới bàn giữa, rút một điếu thuốc yên hương, hút. Vừa đặt đầu điếu thuốc dính vào môi, tôi đã giật mình vì tia lửa một que diêm quẹt ngay trước mặt. Thì ra đã có một cậu bồi rình tôi hút thuốc để đánh diêm hầu, "cẩm" như bên mình chú lính lệ hầu quan một điếu thuốc lào. Tôi lại khoan thai đặt một đồng hào vào lòng đĩa của anh bồi châm thuốc. Các bạn tôi tủm tỉm cười nhìn tôi thở khói. Các bạn tôi nói chuyện rằng không khí ăn chơi ở đây ra chẳng kém bên Paris chút nào hết. Rồi họ bàn tán nhiều. Những đĩa hạt dưa cứ vơi dần. Những ấm trà Thiết Quan Âm, Long Tỉnh, Bạch Mao Hầu đã nồng cả hương. Mà tiệc rượu vẫn chưa khai. Ðàm Quân và nhân viên hãng Nàm Duỵt còn đương thương lượng với nhau về mọi điều kiện hợp tác làm phim.

Bỗng một anh em trong đoàn nhăn mặt kêu khẽ:

- Thôi, bỏ mẹ rồi. Tôi mất bốn hào đến nơi rồi, anh em ạ!

- Buồn đi tiểu phải không? Cái thế phải mất tiền thì cứ đi đi. Ðừng kêu ồn lên nữa.

Chúng tôi trông theo người bạn hiền ra khỏi buồng ăn và không thể nào nhịn cười. Tôi cười nhiều vì thấy cái bộ mặt bí đái và nghe câu nói đáng thương của ông bạn mà không khỏi nghĩ đến phận tôi - tôi, có một chân thận rất kém. Tôi đứng trấn ở ngay cửa vào, đợi ông bạn hiền trở ra nói lại cho nghe nỗi sung sướng hoặc khổ sở của một người đi tiểu mất tiền. Không đợi cầu khẩn nửa nhời, ông bạn vừa kéo xếch cạp quần một cách kín đáo, vừa tường thuật:

- Mất tiền cũng đáng, anh ạ, Này nhé, sát ngay chuồng xí rất sạch sẽ, trắng tinh, không có mùi hôi, là buồng của mấy con nữ tỳ trông kháu đáo để. Họ bưng mỗi người một cái khay sứ hay khay bạc đựng những tấm khăn bông trắng, tẩm nước ấm sặc mùi nước hoa. Khi mình ở buồng tiểu tiện ra, họ nhảy xồ đến, dâng mình cái khay đựng khăn lau tay đó... với một nụ cười. Tôi nhận thấy keo bẩn mấy hào chỉ, trong lúc này là một lỗi lớn. Ðối với phong nhã! Tuy tôi không chùi ngón tay vào tấm khăn thoang thoảng mùi nước hoa kia, nhưng cũng đặt vào khay đúng bốn hào - mình ở bẩn thỉu quen rồi. Có lẽ chút nữa, tôi lại phải đi tiểu nữa. Hì! Hì!

Tiếng mời nhau khai tiệc rượu nổi lên và chủ khách đã chia nhau ngồi đủ ba bàn. Những sáo ngữ đã được những miệng xinh tươi dùng với bao nhiêu thành thực đặt vào giọng nói.

Cứ kể ra một tiệc rượu như thế này cũng là vào hạng khá. Vì có món quan yến. Cứ nhời một người thông thạo trong việc đặt tiệc rỉ vào tai, tôi được biết nó trị giá trên dưới ba trăm đồng bạc Anh.

Trong bọn tài tử Việt Nam, ít người có tửu lượng khá và vì mới đổ bộ nên nhiều bạn đã đem tới bàn tiệc yến một cái bụng không tốt. Họ ăn uống uể oải. Và trên các bộ mặt chưa sạch màu muối bể, người ta còn thấy lộ liễu hết cả mệt nhọc của cuộc vượt biển vừa rồi. Ông bạn bên trái tôi, khảy từng món ăn, nói:

- Giá hãng phim lùi đến ngày mai hãy làm tiệc yến thì phải. Vì mệt lắm, hôm nay còn ai muốn ăn uống.

- Thế nào gọi là tiệc tẩy trần! Tôi chắc hãng phim yêu bọn mình quá, thành tâm làm lễ tương kiến tối nau, sợ qua đến ngày mai, bọn mình nhạt hết mùi viễn phương chăng? Và quần áo mình đã giũ hết bụi đất đem từ xứ xa lại, thì còn gì mà tẩy trần. Thôi họ đã xử như vậy mình cũng phải có một cỗ lòng sốt để đáp lại. Ăn uống hùng vào.

Kế đến ông bạn bên phải, ăn nhồm nhoàm, nói bằng giọng tiếc rẻ:

- Những tiệc to như thế này, bao giờ cũng có tỳ bà tử chuốc rượu và đàn ca. Tôi thấy tụi họ ngồi đầy buồng bên cạnh. Những con hát Tầu sao đẹp đến thế? Hình như, tụi khách sắp cho bầy cái trò đại náo, gọi các vũ nữ vào tấu nhạc và bồi tửu thì anh Th... từ chối, lấy cớ rằng anh em mệt xin giảm bớt những náo kịch như vậy và rút ngắn bữa tiệc lại để còn về lữ điếm nghỉ ngơi. Tiếc quá. Thật là một hận dài.

Tiếng vang của cuộc hòa nhạc ở các buồng bên cạnh dội đưa lại. Và trên những tiếng cười khê, nặc, dâm, ngấy trùm phủ lấy dê béo, rượu nồng, gái tơ, tôi vẫn lắng thấy thanh âm một thứ nhạc khí. Sau nhạc điệu vui vẻ của tiếng đàn tam thập lục, tôi đã hùng dũng uống luôn một lúc ba cốc Văn Khôi Lộ vì tiếng trầm đục của cây đàn tam đã gây cho tôi mấy phút mộng trượng phu. Tôi tưởng chừng đây không phải là một tiệc rượu. Chỉ thấy tưởng tượng vẽ cho tôi một cảnh anh hùng mạt lộ... mây hoàng hôn nặng nề đi trên làn nước buồn bã. Lòng tôi dười dượi.

Cây đàn tam mà đặt tên chữ là trượng phu cầm thì thật là hay.

Nghe một cung đàn tam, người hèn đớn đến đâu cũng thấy tâm hồn phấn khởi. Và ngồi bên bàn tiệc, riêng tôi, tôi cũng cố tạo lấy một tấm lòng tráng sĩ và nhất định tin rằng mình là đấng trượng phu có tâm sự đang mượn chén làm tiêu một cái sầu vạn cổ gì đây. Chắc nghìn xưa, Hạng Vũ lúc cử đỉnh, dưới trướng, có một đội quân toàn đánh đàn tam hầu rượu như thế này.

Nhưng, ai lại bấm tiếp một khúc trường tương tư. Giai nhân nào xử cây tỳ bà mà buồn thấm thía đến dường ấy? Lòng tôi nghe tiếp đến đàn tỳ thì hoàn toàn là một bánh xe ô-tô bơm căng đã xì hết hơi. Người tôi đã gần nhừ vì rượu ngon, và tôi tưởng vì tiếng đàn tỳ bà mà nó sắp biến thể thành hẳn ra một con sứa sóng giạt lên bờ cát, nhũn ra và se lại, dưới sức nắng ở ngoài khối nước.

Vơ vẩn nhìn ra xa, trong khung cửa sổ phía ngoài bao lơn trước mắt, tôi thấy cái chói lọi của mấy trăm ngọn đèn điện kết thành hình chữ Kim Lăng tửu gia. Và qua lớp kính mờ của từng gác cao khách sạn lớn kia, tôi nhận thấy hình bóng và nghe thấy tiếng những cặp trai gái ăn, đùa, múa. Tiếng vang kia và bóng mờ nọ, vẽ phác cho tôi thấy cái quyến rũ của xóm Sạch Sùng Chủi.


(Trích từ chương “Hoa, ánh sáng và nước” trong tập
Một chuyến đi (1941). Nhan đề phần trích tạm đặt.)