Nhà lãng tử chuyên nghiệp của chúng ta “lảo đảo nhiều” rồi. Dĩ nhiên không phải Nguyễn say sóng, sắp mửa “đến mật xanh mật vàng”, mà say ĐI. Ngũ quan liên tiếp ghi nhận những cảm giác mới, rồi cảm giác làm nẩy sinh cảm xúc, bao nhiêu cảm xúc đua nhau ra đời, trách sao lòng người bỗng nôn nao cả lên! “Men” nồng đặc biệt, bởi đây chính là lần đầu Nguyễn được đi tầu biển qua một xứ sở khác. Viễn du làm vui “ngây ngất” nhưng cùng lúc, “tôi (…) nhắp rượu giang hồ (…) thấy thiếu nhiều lắm”. Cái gì hay ai đang vắng mặt thế nhỉ? À, “một linh hồn bầu bạn”. Hình như nỗi tiếc thiếu tri âm vẫn ưa xuất hiện giữa niềm vui du tử. Kể, cái vui cũng lạ: hễ có người thực sự chia sẻ nó với mình thì nó lại to hơn! Ờ, nhưng nếu người ấy là một bạn gái thì trong “một chuyến đi” xa như thế này, sự vắng mặt cũng là điều tiện vô cùng cho “tôi”, như ta sẽ thấy. (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Rượu giang hồ”




Buổi chiều mùa đông ấy, tầu Kinh Châu rút neo vào khoảng bốn giờ. Trời không sáng và cũng không tối. Mặt nước thương khẩu Hải Phòng lẫn lộn vừa nước ngọt vừa nước mặn, phản chiếu ánh sáng lạnh một vòm trời thấp tịt như cái vung nồi đè nặng trên lữ hành.

Từ ruột con tàu bể, nổi lên mấy tiếng phì! phì! làm rạo rực lũ người đứng trên boong muốn nói nốt chuyện với bọn người đứng dưới bến. Tiếng còi tràn qua sự buồn rầu của cuộc tiễn biệt và chạy dài đến giang thôn kia thì chết hẳn. Hồi chuông báo hiệu lắc mạnh. Con tầu dịch đít. Sườn tầu nhẵn nhụi còn gợn mẩu cầu chưa rút hết, lừ lừ nhả thành đá nơi bến. Cái quãng trống từ thành đá đến thân tầu sáng dần ra và rộng thêm mãi. Con tầu cựa mình làm mặt nước rạt rào vỗ mạnh vào chân đập bến lởm chởm gắn những mảnh hầu và vỏ sò. Luồng khói trắng, loãng, cao và dựng đứng trên nền mây chì đã nhường chỗ cho thứ khói đen và đặc. Con tầu tuôn mùi than đá nồng nặc làm người ta có thể mửa được đến mật xanh mật vàng. Gió bấc một buổi chiều khởi hành đè rạp luồng khói xuống mặt nước phù sa.

Tiếng chân vịt tầu đập nước đã làm át những tiếng reo hò dưới bến cố đuổi theo con tầu đang mở máy. Chỗ phụ đầu, mấy chiếc bóng lờ mờ, mỏi mệt phất những mảnh mùi-xoa kỷ niệm.

Tiếng rình rình của các động cơ tự trung tâm tầu phát ra nghe đều đều... Hải Phòng chỉ còn là một bức tranh thủy mặc mà cạnh và góc các lâu đài đều nhòe cả. Gió chiều của ngày lụn và sức nhanh của tầu nhắc cho ít nhiều hành khách trên boong cái cảm giác lạnh. Những cổ áo tơi len bắt đầu dựng, trùm kín gáy những đầu bù tóc.

Boong tầu vãn người. Rồi ngoài bọn thủy thủ phải lăng xăng chạy theo mệnh lệnh của thuyền trưởng phân phát công việc, trên boong tầu, chỉ còn có một mình tôi đang mê đắm với cảnh sông dài giời rộng.

Tôi ngạo nghễ, mỉm cười nhìn ô cửa vuông cầu thang cứ nuốt lần hành khách. Họ xuống dùng bữa cơm đầu tiên trên bể. Nhưng tôi không thấy đói. Ngả lưng vào lan can, tôi ngoẹo cổ ra ngoài nhổ chơi một bãi nước bọt xuống mặt nước hỗn độn. Trong muôn nghìn tiếng sóng vỗ ì ầm vào thân tầu, tôi tưởng chừng như thính tai đến có thể nghe tách riêng ra cái tiếng bẹt một bãi nước bọt mình rơi từ một bề cao chín mười thước. Trong muôn nghìn con sóng bạc đầu, trong ức triệu cái bọt nước bể đang xèo xèo tan, tôi còn dám nghĩ có thể thấy rõ được cái khối nước dãi của mình vẫn giữ được nguyên chất và không chịu hòa hợp với triền nước sông đục.

Buổi hoàng hôn Bắc kỳ xuống chậm chạp và nhuộm sẫm dần mặt sông nhờ nhờ đỏ. Nó gieo vào lòng khách cô độc đứng trên boong một mớ nhớ thương lãng mạn chỉ chờ giây phút cảm hứng là hiện nên một khúc nhạc độc tấu hay một bài thơ tương tư dài.

Khí âm nổi lên một lúc một tăng. Hai bên sườn tầu, le lói sắc đèn báo hiệu màu xanh và màu đỏ.

Giữa khoảng âm u nơi hà khẩu, ánh sáng khoa học ngọn đèn bể quét sạch một góc mặt biển, dọn đường cho tầu Kinh Châu.

Không cần phải nhận rõ thấy lâu đài, biệt thự ở chỗ duyên hải, người ta cũng biết dẫy đèn điện như một xâu con đom đóm nằm im kia là Ðồ Sơn.

Rồi giữa sự điên cuồng của nước mặn, của gió muối, con tầu lắc lư nhiều hơn và mạnh gấp bội.

Biển lớn bắt đầu.

Sóng gió và tiếng máy hòa nên một bản đàn mà trong đó nhiều nhất là những tiếng nắn vào một cung hồ. Nghe mãi cái điệu buồn, tẻ, trầm trầm này, trên một boong tầu, tôi tưởng như hồi còn tấm bé, được đặt mình trong chiếc võng đưa và có người vú già nịnh ru tôi dở giấc với một giọng ngái ngủ.

Tôi tập tễnh đi tới đằng lái tầu. Chiếc tẩu thuốc lá vẫn không rời miệng tôi và nhận có đến bốn năm mồi thuốc đầy rồi. Nó đã bắt đầu nóng đến bỏng tay. Tôi cúi gầm mặt đi đi lại lại và khom lưng lắng tiếng giầy mình gõ lên sàn tầu nghe rõ mồn một. Tôi thấy như có người đánh đai sắt lên đầu và cặp chân vững chãi của tôi đã đến lúc đặt nhầm chỗ và có lúc lại không nhận thấy chỗ mà đặt nữa. Tôi thấy choáng váng tâm óc và say sưa vô cùng (...) Thứ rượu mạnh chưa có tên mà tôi đang uống một cách không tưởng ở trên boong tầu, tôi gọi là rượu giang hồ.

(...)

Tôi càng thấy ngây ngất nhiều, lảo đảo nhiều. Tôi cảm thấy từ lúc bồng bềnh trôi nổi đến giờ, đã lâu lắm mới lại được nhắp rượu giang hồ đến "dĩ tận vi độ". Nhưng còn gì buồn hơn là độc ẩm. Uống bữa rượu ngon không gặp tri kỷ, ta thấy thiếu nhiều lắm. Cái nghĩa thiếu nhiều, ở phút này, ngụ cái ý tìm lấy một linh hồn bầu bạn. Thế mà chung quanh tôi, giữa một chiếc tầu đầy hoạt động, thừa sinh khí, tôi chỉ thấy cái rộng rãi và yên lặng của một boong tầu sạch sẽ, sáng sủa. Tôi ngửa mặt lên trời. Rồi cười sằng sặc. Tiếng cười này chỉ có thể có được trong một nhà hát uống rượu đã đâm biến, lúc canh đã tàn.

Trời đen như một đêm ba mươi tết, đen kịt đến không trông thấy một tí gì, ngoài những ngôi sao nhấp nhánh (...)


(Trích từ chương “Một con tầu say rượu” trong tập
Một chuyến đi (1941). Nhan đề phần trích tạm đặt.)