“Sự ngóng trông bất tận”




Từ Thượng Đế và Thiên Đường Trên Cao

Người Tây phương vốn tin có một Thượng Ðế vĩnh cửu, toàn năng.

Sống là hành trình lên Thiên Đường, nơi Thượng Đế ở.

Vì chỗ đang ở là chỗ tạm nên cố gắng cải thiện điều kiện vật chất là vô nghĩa. Hơn nữa, vốn cũng không có cách gì để cải thiện cho thật đáng kể.

Khoảng cuối thế kỷ 16, khoa học ra đời, giúp con người cải thiện điều kiện vật chất vô giới hạn.

Vật chất càng cải thiện, con người càng chú ý tới nơi đang ở. Thiên Ðường bắt đầu mờ...

Nhưng cho đến tận cuối thế kỷ 19, Thiên Đường vẫn còn khá rực rỡ.

Ðến Luật Tối Hậu và Thiên Ðường Dưới Đất

Đầu thế kỷ 20, Albert Einstein có lần tâm sự: “Nếu có điều gì có thể gọi được là tôn giáo ở tôi, thì đấy là sự vô cùng ngưỡng mộ cái cấu trúc (kỳ diệu) của vũ trụ mà khoa học đang khám phá...”.(1) Lần khác, hồi đáp chất vấn của một chức sắc Do-thái giáo, Einstein viết rõ hơn: “Tôi tin vào Thượng Ðế (...) như là đấng tự biểu hiện qua cái vũ trụ hài hòa trật tự này, chứ không tin vào thứ Thượng Ðế quan tâm đến số phận và hành động của loài người”.(2)

Đầu thế kỷ 21. Quan điểm của Einstein đã thành chủ đạo. Đạo Chúa gần như di tích văn hóa, Ánh Sáng Trên Cao chỉ còn le lói. Bây giờ nhân loại phương Tây điển hình tin vào Luật Tự Nhiên Tối Hậu và hướng về cái “Thiên Ðường Dưới Đất” mà khoa học đang ngày đêm xây dựng.

Vẫn là sự ngóng trông bất tận

Tây nay như vậy có khác Tây xưa chăng?

Về cơ bản, không.

Xưa họ sống chờ lên Thiên Đường. Nay họ sống chờ xây xong Thiên Đường.

*

Người phương Tây quen ngóng trông nên chẳng thấy sao cả, nhưng có người ở phương khác không quen, lấy làm ngẫm nghĩ, rồi thấy trong thái độ sống kia “có điều gì bi thảm”.(3)

Vật chất thiếu quá, khó hạnh phúc. Nhưng không phải càng nhiều thì càng hạnh phúc.

Có đủ rồi thì đừng ao ước có thêm nữa, mà hãy tập trung cảm thụ đời sống.



Thu Tứ
Viết năm 2004
Sửa tháng 9-2023














_____________
(1) Michio Kaku,
Einstein”s Cosmos, nxb. Norton, Mỹ, 2004.
(2) Ronald W. Clark,
Einstein: The Life and Times, nxb. Harper-Collins, Mỹ, 1999.
(3) Xem bài “Hy vọng là trở lực” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.