Cao Châu và Duy Tuyên, “Nhà sàn của người Mường”




Bao giờ, nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi (...)

Nhà sàn của người Mường thường phân ra ba mặt bằng: Mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; còn gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, gia cầm. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau.

Nguyên liệu cơ bản được bà con sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ (...) các loại tre, bương, hóp (...) làm đòn tay, đan vách... Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là tròn; chân cột thường được chôn xuống đất nhưng cũng có nơi dùng các hòn đá tảng để kê. Vì chân cột nhà sàn thường được chôn sâu xuống đất từ 80cm - 1m nên phải làm cột bằng thứ gỗ không bị mối ăn, không mục, không mọt.

Nhà sàn cổ truyền của người Mường thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái (...) Các cửa số, kể cả cửa voóng toong (cửa sổ chính) chỉ làm ở phía trước của ngôi nhà.

Giữa các gian thường không có cửa (...) chỉ có sự phân biệt có tính chất tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa nhưng có những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt về ai khi nào được vào và ai khi nào không được vào.

Đặc biệt (...) tối kỵ (...) phụ nữ ngồi lên cửa sổ. Cửa sổ (...) dùng để tiễn đưa những người thân trong gia đình sang thế giới bên kia (...)

Mái nhà sàn truyền thống thường được lợp bằng cỏ gianh, lá cọ nên nhà người Mường ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.
Người Mường xưa thể hiện sự giàu có, địa vị xã hội bằng cách làm nhà to, làm nhiều nhà. Nhà sàn của nhà lang bậc trung hồi đầu thế kỷ XX thường dài đến 100m. Với nhà lang nhỏ thường làm nhà dài 30 đến 40m, nhà dân thường có khả năng kinh tế thì thường khoảng 20m (...)

“Màn” hay còn gọi là cầu thang thường được làm bằng gỗ hoặc nguyên thân cây gỗ tròn và tạo bậc trên chính những thân cây đó hay cũng có thể được đẽo thành hình chữ nhật. Cầu thang không dựng thẳng vào cửa chính mà dựng vào mép một cái sảnh gỗ và đặt vuông góc với chiều đòn nóc của nhà.

Trong nhà sàn của người Mường, không gian được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Từ cầu thang chính bước vào phần giữa sàn nhà phía dưới bếp, phía ngoài là để tiếp khách, phía trong là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Trong nhà, theo chiều dọc, phía trên có các cửa sổ gọi là cửa voóng, chỗ ngồi gần cửa voóng thường dành cho người cao tuổi, còn phía dưới dành cho lớp trẻ. Theo chiều ngang, phía ngoài dành cho nam giới, phía trong dành cho nữ giới.

Theo phong tục của người Mường khi làm cầu thang thì số bậc thang nhất thiết phải là số lẻ (...) vào-ra-vào (...) của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình luôn được êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt (...)


(trang dantri.com.vn, 18-4-2011)



(ảnh thứ 3 từ trang vanhoamuong.info)