Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng thời với Thục Phán, nhưng trong ba chàng trai muốn làm rể Hùng Vương thứ 18 chỉ có Thục Phán là người thật, là nhân vật lịch sử...

Sơn Tinh là thần, nên chỉ “ủng hộ tinh thần” chứ không thực sự ra tay giúp bố vợ đánh đuổi Thục Phán được, nên tuy đã kén được rể "có kỳ tài" mà Hùng Vương vẫn thua...

Lạc hầu khuyên vua “thiết lập kỵ binh”... Hẳn kỵ binh thời ấy được xem là lợi hại lắm...(1)

Cổ tích này Lý Tế Xuyên chép khoảng đầu thế kỷ 14, cuối thế kỷ 14 Trần Thế Pháp chép lại, với ít nhiều thay đổi.

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Ngựa Ðâu Mà Cưỡi của Trần Quốc Vượng.



Việt điện u linh tập, “Sơn Tinh, Thủy Tinh”




Xét Giao Châu ký của Tăng Công chép rằng: Vương là Sơn Tinh cùng với Thuỷ Tinh làm bạn rất thân thiết, ở ẩn tại động Gia Ninh, châu Phong.

Hùng Vương có người con gái tên là Mỵ Nương, dung mạo tuyệt luân, nhan sắc khuynh thành. Thục Vương Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Đại thần là Lạc hầu cản rằng:

- Ông ấy muốn dòm dỏ nước ta đó.

Hùng Vương sợ sinh ra hiềm khích.

Lạc hầu tâu:

- Đại Vương đất rộng dân đông, tìm kẻ nào có kỳ tài dị thuật mà gả cho làm rể rồi thiết lập kỵ binh cho sẵn thì có sợ gì?

Vua nghe phải mới tuyệt giao với Thục Vương rồi tìm khắp trong nước những người có dị thuật. Vương cùng với Thuỷ Tinh đều đến ứng tuyển. Hùng Vương bảo đem ra thi tài; Vương có thuật xem suốt ngọc đá; Thuỷ Tinh có thuật nhập vào nước lửa; người nào cũng có tài linh thông.

Hùng Vương cả mừng, bảo Lạc hầu rằng:

- Xem tài của hai chàng thì ta thầy đều nên gả con cho cả hai, duy ta chỉ có một người con gái mà đến hai người thì tính làm sao?

Lạc hầu tâu:

- Vua nên hẹn với hai chàng hễ ai cưới trước thời được.

Hùng Vương cho là phải, bảo hai chàng về chuẩn bị lễ vật. Vương về bản bộ, suốt đêm biện gấp thổ vật như là: vàng, bạc, ngọc báu, sừng tê giác, ngà voi, với lại chim quý, thú lạ, mỗi thứ một trăm. Hôm sau, sáng tinh sương, Vương đệ đến dâng hiến Hùng Vương. Hùng Vương mừng lắm, gả Mỵ Nương cho Vương; Vương rước vợ về đem lên ở núi Lôi Sơn.

Đến chiều tối, Thuỷ Tinh cũng đem thuỷ vật đến, như là trân châu, đồi mồi, san hô, hổ phách, với lại cá kình, cá nghê, các thứ cá ngon mỗi thứ một trăm, đem đến bày ra để dâng vua, nhưng Mỵ Nương, Vương đã đem về mất rồi!

Thủy Tinh đại nộ đem quân đuổi theo, toan muốn nghiền nát núi Lôi Sơn. Vương dời lên ở trên chóp núi Tản Viên, đời đời cùng với Thuỷ Tinh là kẻ thù. Cứ mỗi năm đến mùa thu, Thuỷ Tinh dâng nước lên đánh núi Tản Viên, dân chúng đem nhau đắp đê để giúp Vương. Thuỷ Tinh không thể phạm đến được.

Linh tích của Vương rất nhiều, kể không xiết.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hựu Thánh Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Khuông Quốc, lại gia phong hai chữ Hiển Ứng.


(Lý Tế Xuyên,
Việt điện u linh tập, bản dịch Lê Hữu Mục)