“Đào Duy Từ theo Phạm Thế Ngũ”




Sinh năm 1572, mất năm 1634. Quê ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cha là Ðào Tá Hán làm nghề hát chèo, chết sớm. Năm 1592, Trịnh Tùng mở khoa thi ở Ðông Ðô, Ðào Duy Từ (ÐDT) nộp quyển ứng thí nhưng không được chấp nhận vì cha làm nghề xướng ca. Nghĩ thân không có tương lai ở Thăng Long, bèn tìm đường vào với chúa Nguyễn. Vào tới Bình Ðịnh, ở chăn trâu cho một nhà phú hộ ở phủ Hoài Nhơn (Bồng Sơn). Biết ÐDT có học, nhà giàu này báo với Trần Ðức Hòa, một người Bồng Sơn đang là trọng thần của chúa Nguyễn. Họ Trần vời đến nhà ở, mấy tháng sau gả con gái cho, rồi tiến cử lên nhà chúa. Chúa tin dùng, cho làm Nha úy Nội tán, phong tước Lộc Khê hầu. ÐDT thiết kế và chỉ huy việc xây dựng hai chiến lũy: lũy Trường Dục (lũy Thầy) và lũy Nhật Lệ (lũy Ðồng Hới). Lại tiến dẫn Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật cũng là người tài giỏi.

Tác phẩm Hán văn tương truyền có một tập binh thư nhan đề Hổ trướng khu cơ, nay không còn. Văn nôm để lại hai khúc vãn: Ngọa Long cương vãnTư Dung vãn. Bài thứ nhất gồm 136 câu thơ lục bát, đại ý thuật lại sự tích Khổng Minh đời Tam Quốc bên Tàu, ngụ ý tình hình chính trị bấy giờ là một thế chân vạc Trịnh-Mạc-Nguyễn mà mình là Gia Cát Lượng. Bài thứ hai gồm 332 câu lục bát có xen vào giữa vài bài đoản thi hoặc từ, đại ý ca tụng cảnh cửa bể Tư Dung (sau đổi ra Tư Hiền) ở Thuận Hóa và nói lên chí khí mình. Cả hai bài chắc đã được sáng tác trong khoảng 1613-1626, thời gian ÐDT đã vào nam mà chưa được dùng.

“Vãn” chỉ chung mấy lối văn vần bình dân. Trong hát tuồng có “điệu vãn”, tức là khi diễn viên đọc những câu văn lên một cách lâm ly, ngân giọng ra cho ảo não; những câu văn này bao giờ cũng đặt theo thể lục bát.

Về hai bài vãn của ÐDT, đáng chú ý là ở Bắc hà suốt thế kỷ 17 không có một tác phẩm lục bát trường thiên nào.


(Theo
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ)