Đây là một câu chuyện tình. Chuyện xảy ra trong khung cảnh như sau:

“Những ngôi nhà nằm rải rác trong (…) thung lũng hẹp (…) Xung quanh núi cao chớn chở (…) Những thân cây bồ lời cao vút đứng rải rác trên con đường đi làm cho con đường vắng vẻ một cách man rợ (...) Những ngày (...) của tôi ở xóm Diêu Viên như đầy tiếng chim và đầy sự im lặng cao cả, man rợ”.

Ở cái nơi vắng vẻ, im lặng, cao cả, man rợ đó, có một cô gái:

“Nàng phản ứng chậm chạp, cử động khoan thai (…) tôi có cảm tưởng nàng chịu ảnh hưởng (…) của thiên nhiên hoang dã (…) Tôi yêu quý sự nghiêm cẩn trì trọng đó của loài đá tảng, của thân cây rừng hơn là sự bén nhậy linh hoạt của giống lau sậy”.

Chuyện tình của cây rừng trầm mặc, thế mà đọc rồi cứ vẩn vơ nhớ mãi, như nhớ tiếng róc rách của một “con suối mùa xuân”(1) chưa thấy bao giờ...
(Thu Tứ)

(1) Tên một tác phẩm của Võ Hồng.



Võ Hồng, “Trầm mặc cây rừng”




Trong suốt mười năm tham gia kháng chiến, tôi đã lang thang đi khắp mọi miền của tỉnh Phú Yên, in dấu chân ở gần khắp mọi xã mọi thôn, từ vùng rừng núi An Lĩnh Xuân Quang đến bãi cát vàng Ða Ngư Phú Hiệp. Những người tôi quen thuộc rất nhiều, từ anh cán bộ dân quân lưng gài lựu đạn đến nhà địa chủ hào phú vườn rộng nhà cao, từ người nông dân chất phác cần cù đến những công chức mũ ka-ki rộng vành vai đeo muy-zét. Nhưng vượt lên trên hết mọi khuôn mặt và mọi dáng người là khuôn mặt dịu dàng thùy mị của Thịnh, người con gái của thôn Diêu Viên quê mùa mà giờ đây mỗi lần âm thầm nghĩ đến là tâm hồn tôi chợt thấy man mác nhớ và buồn, như một bầu trời đang nắng rỡ ràng bỗng có một áng mây trôi qua tạo thành bóng râm âm u.

Năm đó tôi đang làm việc ở phân ban Cực nam thì có chủ trương biên chế tổ chức mới. Tôi bị để ra ngoài biên chế. Trong khi đợi chờ học một nghề lao động mới để làm kế sinh nhai, tôi được một gia đình học sinh cũ của tôi mời về tá túc. Trước khi làm việc ở phân ban Cực nam, tôi có đi dạy vài năm ở một trường trung học.

Thân phụ của người học sinh là một nhà hào phú trước kia làm chánh tổng nên người ta vẫn quen miệng gọi là ông Chánh. Phùng, người học trò cũ của tôi thì đã gia nhập bộ đội và hiện đang chiến đấu ở Ðông Mên, Hạ Lào gì đó. Quê hương của Phùng là một miền quê xa xôi hẻo lánh, cách con đường ô-tô độ mươi cây số theo đường chim bay nhưng muốn đi tới nơi thì phải lượn vòng theo những triền núi, vừa đi vừa chạy tụt xuống những khe suối rồi nhẫn nại vừa leo vừa thở hổn hển lên những bờ khe suối khác. Tôi chọn miền đó để ẩn cư vì một nơi sằn dã hẻo lánh như vậy ít có hi vọng bị máy bay oanh tạc chiếu cố hay bị một trận đổ bộ càn quét tràn qua. Lại nữa, tôi còn chọn ở miền đồng bằng thị tứ làm chi, tôi, một kẻ thất nghiệp mà mỗi ngày trôi qua mỗi gặm mẻ lần số tiền ít ỏi dành dụm được bấy lâu.

Xem cốt cách sinh hoạt và dinh cơ đồ sộ của ông Chánh, tôi đoán biết ông từng là lãnh chúa của vùng này, một thứ lãnh chúa cha truyền con nối. Nhà lớn, nhà ngang, nhà cầu, nhà việc, lẫm lúa, nhà sau... bao nhiêu ngôi nhà nằm chi chít bao vây nhiều vuông sân. Những cây cột tròn to, bóng loáng đứng vững chãi có treo những câu liễn cẩn xa cừ. Những bộ ván gõ đều dày hàng tấc, nhiều bộ dài có đến bốn thước. Bàn ghế, tràng kỷ chạm trổ tinh vi.

Ông Chánh tiếp đãi tôi tử tế vì tình sư đệ đối với con ông mà cũng vì ông coi tôi như người bạn đồng cảnh ngộ với ông. Tôi bị chính quyền gạt bỏ ra ngoài thì cũng như ông hiện bị cô lập, bị cán bộ thôn bao vây để triệt hạ ưu thế chính trị.

Ông để cho tôi ở trọn một căn nhà đông, căn nhà xưa kia dùng làm nơi tiếp các hương lý, nơi xử kiện và tính toán thuế khóa. Nhờ tính chất “công sở” đó mà căn nhà sáng sủa, bày biện ít đồ đạc. Cửa sổ mở dưới một cây nhàu cành sum sê và màu lá xanh mướt óng ánh như thoa mỡ gây cho tôi một niềm yêu đời can đảm.

Ông Chánh bảo tôi:

- Thầy ở đây chơi, bao lâu cũng được. Chỗ này quê mùa, ăn tiêu ít tốn kém. Chỉ cần có gạo. Và mắm.

- Tôi còn đủ sức để mua được gạo.

- Thầy ăn mỗi tháng cho mạnh nhất là bốn giạ lúa. Nhiều lắm thì sợ tôi không kham nổi chớ bốn giạ thì tôi có thể giúp thầy.

- Cám ơn ông, nhưng xin để tôi tự lo liệu phần gạo mắm.

- Trước ngày Cách mạng thì tha hồ, nhà tôi có thể cung phụng cho vài mươi người một lúc cũng không nao núng. Nhưng bây giờ thì phần lúa giảm tô, phần ruộng bỏ hoang vì nông dân ly khai gia nhập bộ đội thiếu người canh tác. Mắm thì không tốn bao nhiêu. Chúng tôi ở đây cứ mỗi năm vào mùa tháng ba thì mua mắm của dân biển gánh lên bán. Cho đầy vào mọi tỉn mọi vò rồi để dành đó ăn lần, ăn quanh năm. Rau cỏ thì dễ. Miền này nhiều mít nhiều thơm, nhiều nhà xắt trái mít non trộn với gạo để nấu cơm cho đỡ tốn gạo.

- Ðó cũng là một cách ăn trở bữa.

- Nhưng ăn mau đói. Người ta thường dùng củ mì hay khoai lang nấu ghé với cơm. Có ăn ghé như vậy một thời gian rồi được ăn bữa cơm mùa - nghĩa là cơm nấu toàn gạo, - mới thấy ngon.

- Tôi đã ở Quảng Ngãi một thời gian và tôi đã từng ăn cơm ghé liên miên suốt tháng này sang tháng nọ.

Thật vậy, gian khổ tôi đã từng nên tôi không còn sợ nữa. Không có thứ gian khổ nào đóng vai giọt nước chót làm tràn cái ly. Tôi gởi tiền nhờ ông Chánh mua giùm hai mươi giạ lúa và mặc dầu ông nằng nặc từ chối không nhận tiền, tôi cũng nài cho ông phải cầm. Ông đành nói:

- Thôi, cũng như tôi cất giùm tiền cho thầy. Khi nào thầy cần thì tôi sẽ hoàn lại.

Lợi dụng những ngày nghỉ ngơi tôi lôi những quyển sách ra đọc. Buổi trưa được ngủ một giấc ngon lành và chiều lại tôi đi thơ thẩn vào trong xóm.

Những ngôi nhà nằm rải rác trong cái thung lũng hẹp này. Xung quanh núi cao chớn chở đứng bao vây, những ngọn núi màu xanh chàm sừng sững bất động. Những thân cây bồ lời cao vút đứng rải rác trên con đường đi làm cho con đường vắng vẻ một cách man rợ nhất là thỉnh thoảng trên những tàng cây cao chót vót đó có những tổ quạ tổ ác là to lót sơ sài bằng những chà cây lòi xòi. Những buổi chiều đi cô đơn như vậy thật buồn. Nhớ quê hương xa cách, nhớ những kỷ niệm của tuổi thơ và âu lo vì tương lai không biết mình sẽ như thế nào. Nhiều hôm tôi cảm thấy đôi chân mỏi rã cơ hồ như không còn mang nổi nỗi buồn quá nặng của tôi, tôi chọn ngồi lên một tảng đá ở vệ đường rồi chăm chăm nhìn về một lùm cây, một bụi cỏ, một con đường mòn vắt vẻo lưng đèo hay chỉ nhìn vu vơ một nền trời óng ánh tựa xa cừ.

Một hôm tôi đang ngồi im lìm bất động như vậy trên tảng đá mặt phẳng và rộng dưới gốc một cây bồ lời cao, tâm tư phiêu diêu bay bổng thì chợt một tiếng gọi “thầy” làm tôi giật nảy mình. Tôi quay lại.

- Thầy ngồi một mình làm gì ở đây?

Thấy tôi ngơ ngác không nhận ra, người con gái nói tiếp:

- Em là con của bà Chức Bảy.

Tôi “à” lên một tiếng mừng rỡ:

- Thịnh đấy hả? Bây giờ em lớn trông khác. Má em vẫn mạnh?

- Dạ, cám ơn thầy. Sao lâu thầy không lại chơi?

Ðáng lẽ Thịnh gọi tôi bằng “anh” như những người bạn gái của nàng hay gọi, nhưng bởi năm trước tôi có dạy kèm giùm cho một người em trai kề của nàng học hè nên nàng xưng hô với tôi lễ độ như vậy.

Thịnh có khuôn mặt thùy mị. Lông mày dài và mọc đều như được vẽ bằng nét bút. Màu da trắng ngà. Tôi không hiểu tại sao nàng lại có một vẻ đẹp đài các như vậy, khác xa với vẻ cục mịch của mẹ nàng và những nét thô trên khuôn mặt của người em trai. Những sợi tóc mai, những sợi tóc mọc sau ót được vuốt lên, chân tóc làm cho màu ngà của da êm mát như mơn trớn. Tôi nhớ đến những bức họa mỹ nhân Nhật Bản, Trung Hoa. Chân tóc mai và cái ót khêu gợi dịu dàng. Tôi trả lời:

- Ðịnh lại mà chưa có dịp.

- Chắc thầy chê nhà em nghèo không muốn tới.

- Ðâu có. Nếu xét tài sản thì tôi nghèo hơn cô nhiều, nghèo hơn bất cứ một người nào trong thôn xóm này. Bởi vì ở đây người nào cũng có ít nhất một ngôi nhà dù bằng tranh rạ, một khu vườn nhỏ trong có mọc bụi ớt bụi hành, những cây bồ lời đứng dọc theo con đường đi rẽ vào sân.

- Vậy thì tại sao thầy lại không tới?

- Ðể hôm nào tôi tới.

Hôm tới thăm Thịnh thì nhằm lúc mẹ nàng ra đồng vắng. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn trồng đầy những cây xoài, cây mít, cây bưởi. Có cây xoài quì ở trước sân, trái thòng xuống ngang tầm tay hái. Tôi nói:

- Cô ở giữa một khung cảnh êm ái hiền hòa như thế này nên tâm hồn cô lúc nào cũng dịu dàng.

Thịnh cười:

- Thầy tưởng vậy. Em phải đi cuốc cỏ và khi lưỡi cuốc cắt đứt rễ cỏ, bụi cỏ được vun thành từng đống bỏ chết khô ở bờ ruộng thì lúc ấy chắc chắn là bàn tay em không còn dịu dàng nữa và tâm hồn em cũng không còn hiền hòa nữa.

Tôi hơi lúng túng vì bị lý luận của Thịnh bao vây một cách bất ngờ như vậy. Nhưng quả tình là tôi cảm thấy dễ chịu khi được đối diện với sự thông minh của nàng. Tôi nói:

- Cây cỏ làm hại lúa thì nó xứng đáng phải chịu sự đối xử tàn bạo của lưỡi cuốc.

- Thầy lý luận như người Hoa Kỳ khi họ đem súng ống tiêu diệt dân da đỏ.

- Tôi không hung bạo như vậy.

- Em xin lỗi, em cũng không định nói thầy như vậy.

Tôi ngồi ở cái bàn nước và Thịnh xin phép chạy ra vườn.

Căn nhà ngăn nắp và sạch sẽ. Hơn tám năm tôi xa cách nếp sống thị thành, đôi mắt quen nhìn những bức tường vàng màu đất trét nên tôi thấy nó có vẻ đẹp của nó. Nền nhà cũng một màu vàng xám của đất nện. Không có tranh ảnh treo trên tường.

Thịnh đi vào với ba quả cam chín trên tay. Tôi đón nàng bằng một nụ cười:

- Vì tôi mà cô thành người tàn bạo.

Nàng cắt cam mời tôi:

- Cả vườn nhà em có cây cam này ngọt nhất.

- Xin cảm tạ lòng ân cần của cô... Hòa năm nay học lớp mấy?

- Dạ, lên lớp tám. Mẹ em nói thôi học bấy nhiêu đó cũng đủ, nhưng em muốn cho nó học thêm. Ra Bình Ðịnh học, tốn kém lắm mà nhà mẹ em không giàu.

Tôi được biết là cả tỉnh Phú Yên có được ba trường trung học và chỉ dạy đến lớp bảy. Muốn học lên lớp tám, lớp chín thì phải ra Bình Ðịnh và sau khi học hết lớp chín rồi thì đành ngồi đó nghỉ đợi đã. Ít ai có đủ tham vọng và tinh thần mạo hiểm và sức khỏe để trèo đèo lội suối ra mãi liên khu Tư để học tiếp thêm.

- Phần em học dở dang cũng được bởi em là phụ nữ. Chớ nó là con trai thì không thể bằng lòng với trình độ lớp bảy.

- Cô học tới đâu rồi nghỉ?

- Em mới học hết lớp bảy.

- Ngang với bằng trung học rồi. Cô có thể xin bổ làm cô giáo tiểu học.

- Em thấy mình còn dốt lắm. Muốn học thêm mà không đủ phương tiện, muốn tự học mà không có sách. Làm cô giáo không được đâu. Cuốc cỏ và gặt lúa thì được hơn, bởi điều đó không đòi hỏi kiến thức.

- Tôi không tin là cô có thể gặt lúa như một người thôn nữ chính hiệu khác. Cuốc cỏ thì được. Người ta cầm cái cuốc nhỏ, cán dài, đứng thẳng lưng gãi nhè nhẹ lưỡi cuốc lên mặt đất là những bụi cỏ đủ đứt rễ rồi.

Thịnh cười:

- Rõ ràng thầy là một người thị thành nên mới có những ý nghĩ thần tiên như vậy. Gặp bụi cỏ gấu, thầy cứ thử “gãi nhè nhẹ” coi nó có “đủ đứt rễ” không. Vả lại, dù có “gãi nhè nhẹ” mà phải gãi hoài từ sáng sớm tới trưa rồi từ trưa tới chiều, gãi dưới ánh mặt trời gay gắt, thì liệu thầy có thấy việc ấy nhẹ nhàng nữa không? có còn “đứng thẳng lưng” nổi nữa không?

Tôi vừa cắn vào miếng cam vừa nói:

- Tôi chưa thí nghiệm nên chưa trả lời được. Ít nhất cũng cho tôi thí nghiệm một lần.

- Hôm nào thầy thí nghiệm xem thử.

Sau đó chừng nửa tháng, một hôm tôi có việc phải xuống trụ sở xã kê khai giấy tờ lý lịch. Trên đường về trời nắng chang chang, tôi bất ngờ gặp Thịnh từ xa đang gánh một gánh đọt mía nặng. Thoáng thấy tôi, nàng lúng túng cúi nhìn xuống đất, thoăn thoắt bước đi. Nhưng tôi gọi giật lại : “Cô Thịnh”. Nàng đặt gánh đọt mía xuống đợi tôi.

- Mùa này sắp trồng mía rồi sao? tôi hỏi.

- Dạ không. Em đi này ngọn để dặm vào vạt mía bị rầy áp.

Da mặt nàng ướt đẫm mồ hôi, những giọt mồ hôi đậu chi chít trên mũi và trên môi. Quần đen xăn lên để lộ nửa ống chân. Cái áo cánh cụt tay có một đường rách nơi vai để lộ mảnh da trắng. Thịnh bắt gặp tôi đang nhìn vào chỗ vai áo rách của nàng và nàng ngượng đỏ đôi má. Tôi nói:

- Tôi không ngờ cô giỏi giang tháo vát như vậy. Thật khó mà tưởng tượng một cô giáo có thể gánh nặng dường đó.

- Em đâu phải là cô giáo?

- Ý tôi muốn nói đến cái kiến thức của cô.

- Làm việc lâu rồi quen đi.

Tôi không muốn giữ nàng nói chuyện lâu hơn bởi chỗ chúng tôi đứng không có một bóng cây. Vả lại rõ ràng là nàng không được thoải mái, khi tôi thấy những ngón tay cứ mân mê tìm cách che giấu chỗ rách nơi vai áo. Tôi chào giã từ và hẹn sẽ đến nhà thăm.

Một hôm mẹ nàng hỏi tôi:

- Lâu nay thầy có tin tức gì trong gia đình không?

Tôi đáp:

- Dạ thỉnh thoảng năm, bảy tháng thì có liên lạc được một lần. Kỳ này lâu được tin, cả năm rồi mà không nhận được tin và đồ tiếp tế.

- Vậy thầy ở không lấy gì mà tiêu?

- Cháu mới bán cái đồng hồ đeo tay hiệu Printania. Cái đồng hồ đó vợ cháu gởi ra cho kỳ trước.

- Ở đây ai có tiền mà mua nổi?

- Dạ phải gởi nhờ bạn quen đem xuống Tuy Hòa bán.

- Ðược bao nhiêu?

- Dạ hai trăm năm mươi ngàn đồng.

- Như vậy cũng còn sướng. Nhà nông bán hết hoa lợi một năm chưa có được số tiền đó.

- Nhưng miệng ăn núi lở, ngồi ăn không thì chẳng mấy chốc mà hết veo. Ðể cháu phải kiếm một nghề lao động.

- Thầy không quen kham khổ, chịu đựng lao động cực nhọc không nổi đâu.

Im lặng giây lâu chợt bà nói:

- Mà sao thầy không làm đơn xin phép hồi cư?

- Cháu cũng đang vận động xin.

Hôm sau gặp tôi, Thịnh không tươi cười chào như thường lệ. Tôi hỏi gì nàng cũng chỉ trả lời vừa đủ. Tôi nói:

- Hôm nay cô có điều gì buồn?

- Dạ không.

- Không buồn sao cô ít nói hơn thường ngày?

- Dạ không.

Tiếng bước chân của chúng tôi sào sạo trên mặt đường sỏi đá gồ ghề. Khi đến ngã rẽ vào nhà nàng, Thịnh chợt đứng lại quay nhìn tôi:

- Chừng nào thầy hồi cư?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Ai bảo với cô?

- Hôm qua thầy nói với mẹ em.

- Ðó là tôi mới dự định.

- Thầy nói thầy đã vận động xin hồi cư rồi mà.

- Tôi chỉ mới vận động. Còn được phép hay không thì chưa chắc.

Thịnh dùng mũi dép mân mê một hòn sỏi dưới chân. Nàng không nhìn lên tôi.

- Chắc thầy trông đợi cho mau đến ngày hồi cư...

- Ơ... vâng... Không... nhưng mà...

Quả tình là tôi đã rất lúng túng.Tôi không biết nói dối và thái độ của Thịnh bất ngờ đối với tôi lúc đó, tôi không kịp chuẩn bị. Tôi như một tên đại đội trưởng bị lọt vào ổ phục kích và thụ địch hai đầu.

Tết năm đó Pháp mở chiến dịch lớn tấn công tỉnh Phú Yên cả hai mặt, mặt đèo Cả và mặt Tây nguyên. Quê hương của Thịnh náo loạn chạy giặc bởi tiếng đại bác của địch ở miệt Suối Cối nổ ì ầm cả ngày đêm. Tôi gùi ba-lô lên vai chạy theo đoàn cán bộ xã tìm đường lọt ra ngã Phước Lãnh để tránh con đường liên tỉnh số Sáu. Ai cũng lo xa rằng địch có thể chọt một mũi dùi thứ ba từ cửa bể Tiên Châu tiến lên chiếm liên tỉnh lộ số Sáu, bao vây bộ đội và cơ quan hành chánh của ta. Nhiều ức đoán còn cho rằng cánh đồng Phú Long rộng và phẳng có thể là nơi bộ đội Pháp sẽ chọn để nhảy dù. Tất cả mọi dự phỏng đều a tòng với nhau để thúc đẩy chúng tôi chạy, càng mau càng tốt. Tôi không kịp giã từ Thịnh và mẹ nàng. Tôi còn lý luận rằng cho dẫu có mạo hiểm phí thì giờ đi tới tìm thì cũng không chắc đã gặp. Những người dân trong xóm đều lật đật tản cư vào những khe núi hốc núi, những xóm rải rác năm ba nóc gia nằm kẹt trong những thung lũng hẹp.

Từ lần ra đi vội vã đó, tôi cứ từng bước từng bước lầm lũi đi tới, bỏ xa lần sau lưng cái xóm nhỏ hiền hòa của Thịnh. Tôi hồi cư về thành khi chiến dịch Atlante vừa chấm dứt. Tôi gặp lại vợ con. Ðứa con ngày mới ra đi còn nằm trong nôi, bây giờ đã học lớp nhì và nó bỡ ngỡ không muốn gọi tôi bằng ba bởi nó không tưởng tượng nổi rằng bằng cách nào mà một người quần áo xốc xếch, dáng dấp thiểu não hơn tài xế ở nhà lại có thể là ba nó được. Sau vài tháng nghỉ ngơi và chữa dứt bệnh sốt rét kinh niên, tôi gia nhập vào cuộc sống ồ ạt của miền quốc gia. Những hưởng thụ vật chất và những bận rộn tinh thần đã choán hết thì giờ của tôi khiến tôi ít có dịp để ngoái nhìn lại quá khứ, để tưởng tượng xem cái xóm nhỏ của Thịnh hiện sinh hoạt thế nào. Chỉ thỉnh thoảng những lúc đi ra ngoại ô, đôi mắt chợt gặp một chòm cây cao có tàng um tùm trên đầu là tôi bồi hồi nhớ tới cảnh cũ. Nhất là khi đôi tai chợt nghe một tiếng chim vang lanh lảnh từ tàng lá cây đó. Những ngày quá khứ của tôi ở xóm Diêu Viên như đầy những tiếng chim và đầy sự im lặng cao cả, man rợ.

Có một lần ông Chánh đi vào Sài Gòn đưa một người bà con bên vợ vào chữa bệnh ở nhà thương Grall. Ông tìm ghé lại thăm tôi. Tôi mừng quá bắt ông ở lại nhà tôi. Qua đi những câu chuyện hàn huyên, tôi vội vàng hỏi thăm tin tức về gia đình Thịnh.

- Thằng Hòa đi tập kết.

- Nó không phải là cán bộ mà.

- Tôi không được rõ. Không thấy nó về và trong xóm xầm xì là nó theo ra Bắc luôn.

- Còn bà già!

- Cũng còn sức khỏe. Làm ruộng làm nương như hồi xưa, cũng một nắng hai sương, có điều khỏi chạy tàu bay như hồi kháng chiến.

Tôi không dám hỏi về Thịnh. Tôi đang hồi hộp đợi chờ. Tôi sợ rằng nếu tôi cất tiếng hỏi thì giọng nói của tôi không còn bình thường nữa. Tim tôi đang đập rộn ràng và nhất định là nó ảnh hưởng đến nhịp thở và giọng nói. Sự hồi hộp của tôi xuất phát từ những nghi vấn: Không biết Thịnh có còn ở chỗ cũ không? có còn như xưa không? có sự thay đổi gì không? Một tháng cách xa đủ để mang lại cho ta một tin bất ngờ. Một tin buồn. Thế mà Thịnh thì đang ở cái tuổi có nhiều biến cố.

Ông Chánh nhấp chén trà rồi nhìn ra ngoài đường. Nói nhanh đi! Ðừng bắt tôi đợi nữa! Cả tâm hồn tôi đang xoay quanh một người, một khuôn mặt, ông không biết sao? Hay là ông đã đoán biết hết rồi? Ừ nhỉ, ông đã sống một thời thanh niên như tôi, ông cũng đã đam mê, đã yêu, đã mơ mộng. Ông định đùa nghịch với tôi chăng? Tôi van xin ông đó.

- À, còn con Thịnh...

Tôi giật mình. Cầu cho những tin tức đều tốt lành. Tôi không đủ sức chong mắt nhìn lên mặt ông Chánh nữa. Ðôi mắt mỏi mệt.

- Năm ngoái thằng con xã Lựu đi hỏi nó...

Tôi nín thở.

- ... nhưng nó không chịu.

Cảm tạ Thượng Ðế. Thằng con xã Lựu thì tôi biết. Nó xấu xí như một con dơi.

- Nhà xã Lựu giàu mà nó là con độc đinh. Má con Thịnh thì đã khứng rồi nhưng con nhỏ nhất định không chịu.

- Ép quá rồi cũng phải chịu.

Ông Chánh lắc đầu:

- Dứt khoát rồi. Thằng con xã Lựu đã xuống Háo Danh cưới con gái hương kiểm Xân rồi.

Cảm tạ Thượng Ðế! Tôi không chịu đựng nổi ý nghĩ Thịnh phải sống cạnh một con dơi xấu xí như vậy. Tôi ghê rợn như nhìn một con sâu rọm bò trên những cánh hoa hồng.

Sau hai ngày ở chơi, ông Chánh cáo biệt chúng tôi. Tôi mua quà biếu ông, biếu bà Chánh và nhờ ông mang giùm một gói quà cho mẹ Thịnh và Thịnh. Tôi không viết thư mà chỉ nhắn miệng mời có dịp nào tiện xin vào ghé chơi với chúng tôi. Vợ tôi hỏi số tuổi của Thịnh và gởi thêm một hộp lớn trong đựng những xấp hàng may áo dài, gương lược đắt tiền và nhiều lọ nước hoa.

- Ông trao giùm cho cô Thịnh. Nói đây là phần của riêng tôi biếu cô.

Tôi thầm trách sự thật thà của ông Chánh. Ðáng lẽ ra ông thông minh nói sụt bớt năm ba tuổi để vợ tôi nhẩm tính thấy rằng khi tôi gặp Thịnh thì nàng mới chỉ là một cô bé. Ðằng này rõ ràng là vợ tôi có điều để có thể suy nghĩ. Một cô gái quê có học và bắt tôi phải nhớ, có đủ bản lĩnh để chê thằng con một ông xã nhà giàu, thì dù chưa gặp mặt lần nào vợ tôi cũng không thể nghĩ rằng nàng xấu xí và đần độn.

Mùa hè năm sau, vợ tôi bị chứng hoại huyết phải vào nằm ở dưỡng đường Saint Paul. Nàng từ trần sau ba tháng chống chọi với bệnh. Khoa học chịu bất lực và sự cầu nguyện chỉ là liều thuốc dành cho người sống. Tôi trở lại cuộc đời cô đơn, lần này còn cực nhọc gấp mấy lần kháng chiến bởi tôi không còn mơ mộng vô tư như xưa nữa. Cố nhiên là sau ngày đoạn tang vợ tôi, các bạn bè và họ hàng giới thiệu cho tôi những người thiếu nữ, những người đàn bà. Riêng phần tôi, những cuộc gặp gở ngẫu nhiên cũng nhiều nhưng quả tình là tôi không gặp được người nào có thể thương yêu một cách an ổn. Người phụ nữ thời nay sống vội vàng như những chiếc đồng hồ. Tình cảm xoay chiều, cử chỉ hối hả, tâm trạng bực dọc. Xoay chiều theo màu áo dài của họ thay đổi hàng ngày. Có những người mà sắc đẹp và tính tình làm tôi tin cậy, nhưng hầu như họ đều đã có chồng rồi. Tôi bao giờ cũng là kẻ đến quá chậm hoặc quá sớm. Sớm đối với những cô còn trẻ.

Chiến tranh Nam Bắc bùng nổ trở lại mỗi ngày mỗi ác liệt trong những năm hoang mang dao động đó của tôi. Ấp chiến lược dồn dân, dồn làng, phục kích, biểu tình tranh đấu, đàn áp, xử tử, treo bản án, trại tập trung, trại cải huấn, trại học tập... liên miên, dồn dập, thường xuyên. Dân quê chạy tán loạn vào thành phố. Không thẻ căn cước, không thẻ gia đình, hành quân cảnh sát hốt chất đầy xe. Bao nhiêu biến cố dồn dập đó có kết quả là xóa mờ đi trong óc tôi những hình ảnh của vật của người mà tôi đã gặp, đã quen nơi những miền thôn dã xa xôi của tỉnh Phú Yên. Khi óc tôi dựng lên một cảnh thì y như liền đó nó bị bẻ gãy làm đôi làm ba. Con đường cái không thể chạy dài được đúng theo phận sự của nó. Nó phải bị chặt bị đào, bị khoét thành hố thành vũng bởi mìn bởi bom. Vườn tược không còn xanh màu lá, trắng màu hoa và hồng màu trái chín mà chỉ có màu vàng thê lương của cành cây chết khô, màu đen của thân cây bị cháy sém. Những ngôi nhà ngã sập xuống hay cháy tan hoang chỉ còn trơ lại những nền cao. Xóm nhỏ của Thịnh chắc cùng chung một số phận. Không biết hai mẹ con hiện xiêu lạc về phương nào.

Trong những hồi cô đơn, tôi hay nghĩ đến Thịnh. Tôi còn nhớ tâm hồn tươi mát của nàng, yêu lao động và không đòi hỏi quá nhiều ở cuộc đời. Nàng sống hiền hòa thanh thản và tôi muốn đem những tiện nghi hiện tôi có được để chia sớt cùng nàng. Tôi cảm thấy cuộc đời của tôi được bình ổn hơn. Tâm hồn trong sáng yêu đời mang lại cho nàng một năng lực tự tại khó lay chuyển. Tôi chưa hề thấy nàng nuôi thành kiến, chạy hùa theo một phong trào hay vội vã đối phó một dư luận. Nàng phản ứng chậm chạp, cử động khoan thai như lúc nào cũng phải nghĩ chín chắn rồi mới làm. Sống giữa một vùng rừng núi xa xôi, tôi có cảm tưởng nàng chịu ảnh hưởng cái vóc dáng uy nghi của thiên nhiên hoang dã và nét uy nghi đó in dấu trên mọi cử chỉ nhỏ của nàng. Tôi yêu quý sự nghiêm cẩn trì trọng đó của loài đá tảng, của thân cây rừng hơn là sự bén nhậy linh hoạt của giống lau sậy. Thịnh có cốt cách của một người chị, của một người mẹ, của một người em. Tôi muốn được hưởng thụ một tình yêu loại đó hơn thứ tình nóng bỏng của một người yêu đơn thuần.

Giữa lúc tâm hồn tôi hướng về Thịnh như con tàu trong cơn bão táp hướng về ánh sáng của ngọn hải đăng xa xôi thì chợt tôi gặp một người đàn bà ở cùng xóm với nàng, bà Mừng. Tôi hỏi:

- Ông Chánh hiện tản cư về đâu?

- Dạ, dọn vô Tuy Hòa.

- Mẹ con cô Thịnh?

- Dạ,tập trung về quận.

- Bà có chắc không?

- Dạ chắc chớ.

Tôi tặng bà một số tiền và nhờ bà đem về trao cho Thịnh một gói quà và một bức thư. Tôi căn dặn phải đưa thư đó tận tay Thịnh, bằng mọi cách. Trong thư tôi buồn rầu báo tin cho nàng biết là vợ tôi đã từ trần hơn bốn năm rồi và cuối thư là mời mẹ nàng và nàng tìm dịp vào thăm tôi. Thư viết với lời lẽ nghiêm trang bởi tôi biết nó sẽ được nhiều người khác đọc trước nàng. Nhưng một tháng rồi hai tháng lặng lẽ trôi qua. Tôi viết tiếp hai cái thư nữa. Vẫn không thấy hồi âm. Trong khi đó thì tôi không còn gặp ai quen để hỏi xem hiện nàng ở đâu, hiện nàng như thế nào. Cho đến một sáng chủ nhật.

Tôi đang ngồi một mình trong phòng thì nghe tiếng chuông reo ở cổng. Nhìn qua cửa sổ thấy một người mặc quân phục đứng thập thò sau cánh cửa. Tôi đi ra mở cổng. Người quân nhân chào tôi:

- Thưa thầy.

Tôi bỡ ngỡ.

- Thầy không còn nhớ em? Em là Nhẫn, học trò cũ của thầy.

Ký ức của tôi lờ mờ trước cái tên và khuôn mặt đó nhưng tôi tươi cười:

- Xin mời anh vào chơi. Lâu ngày quá.

Người quân nhân đứng nhích sang một bước rồi quay lại giới thiệu người đi với anh ta.

- Dạ, còn đây là vợ em.

Tôi nhìn sang người đàn bà mà lúc nãy ngồi trong phòng nhìn ra tôi không thấy. Có lẽ lúc đó nàng đứng lấp sau trụ cổng.

Chợt cơ thể tôi phút chốc như rã rời từng mảnh vụn, Thịnh. Nàng đăm đăm nhìn tôi. Ðôi con mắt màu đen.

- Mời anh chị vào.

Chân tôi run run và giọng nói cũng run theo. Tôi hướng dẫn hai người vào xa-lông. Mời ngồi. Người ở mang nước. Tiếng xe chạy trên con đường trước nhà, những Suzuki, Yamaha, Jeep, GMC... ào ạt, rầm rộ, nhét đầy vào óc tôi, tràn nghẹt đến mang tai. Tôi như người mất cảm giác. Mất thăng bằng.

Áo của Thịnh phơn phớt màu hoa tím. Ðôi bàn tay no tròn đặt lên vạt áo. Ngày xưa đôi bàn tay này cắt quả cam. Không phải cho người quân nhân ngồi bên cạnh.

- Em đang dạy ở trường tiểu học Mỹ phú thì có lệnh động viên từng phần. Em học lớp hạ sĩ quan bên Ðồng Ðế.

- Vâng.

- Còn một tháng nữa thì mãn khóa. Khóa sinh sẽ được phân phối về các đơn vị. Em muốn được về tiểu khu Phú Yên nhưng sợ bộ chỉ huy đưa đến đơn vị khác.

- Chắc họ cố gắng phân phối hợp lý, ai tới từ tỉnh nào thì cho về tỉnh nấy.

- Dạ, nguyên tắc là vậy nhưng mà phải tùy nhu cầu. Em nghe thầy quen lớn nhiều nên em nhờ thầy xin dùm. Miễn họ cho em được về tiểu khu Phú Yên, ở đó em có người quen.

- Tôi sẽ cố gắng xin giùm anh nhưng kết quả thì tôi không dám bảo đảm.

- Dạ, miễn thầy nói giùm cho em một tiếng.

Mục đích chính của cuộc hội kiến đã được rồi, Nhẫn quay sang giới thiệu vợ:

- Thịnh, chắc thầy còn nhớ?

- Vâng.

- Hồi trước Thịnh cũng có học thầy.

- Hình như không.

Nhẫn uống cạn tách nước.

- Em hỏi mãi mới tìm được địa chỉ của thầy. Xa thầy hàng mười mấy năm mà trông thầy không thay đổi bao nhiêu.

- Tôi chắc phải già đi...

- Dạ không bao nhiêu. Gặp thầy em nhận ra được ngay.

Những câu trao đổi đều vô vị. Tâm hồn tôi mục ruỗng, hoang vắng, tiêu điều. Tôi đang sống hai thế giới: thế giới xã giao nhạt nhẽo với Nhẫn và thế giới tâm tình u uất nghẹn ngào với Thịnh. Nàng vẫn ngồi đó bất động. Tôi cắt đứt sự im lặng.

- Má cô vẫn khỏe?

- Cám ơn thầy. Bây giờ có tuổi cũng siêng đau vặt.

- Vào ở chung với cô hay ở nhà quê?

- Dạ vào ở với chúng em.

- Cô ở nhà lo việc gia đình hay đi làm?

Nhẫn đỡ lời:

- Dạ nhà em được bổ dụng làm giáo viên ấp, niên khóa này. Dạ, dạy lớp tư. Chúng em mới cưới nhau năm ngoái.

Tôi thẫn thờ nhắc lại trong óc tôi: “Mới cưới nhau năm ngoái.”

- Chị cũng dạy ở trường Mỹ Phú.

- Dạ.

Im lặng một giây. Bỗng Thịnh rụt rè hỏi tôi:

- Cô đi đâu vắng?

Có phải là tôi nghe lầm? “Cô” là ai? Tôi đợi Thịnh hỏi tiếp hoặc nhắc lại câu hỏi.

- Thầy cho phép em vào chào cô.

Tôi bàng hoàng. Câu hỏi đi thẳng vào trái tim tôi như một mũi tên. Té ra Thịnh vẫn chưa biết. Cái thư gởi nhờ bà Mừng trao lại? Những bức thư tôi gởi tiếp theo? Thịnh vẫn tưởng rằng...

Nhẫn cầm tách nước trên tay không uống vội, đợi tôi trả lời. Tôi cúi nhìn xuống tấm thảm trải chân.

- Nhà tôi mất cách đây sáu năm.

Thịnh đang lơ đãng đưa mắt trên những gáy bìa sách óng ánh màu chữ vàng, chợt quay phắt lại nhìn tôi. Ðôi con mắt ngạc nhiên mở rộng.

- Rồi thầy vẫn ở vậy? Nhẫn hỏi.

- Vâng. Hãy cứ ở vậy đã.

- Chắc thầy không muốn chứ ở vào hoàn cảnh thầy thì thiếu gì người.

- Anh có lòng tốt nói vậy chứ thực tế không dễ có nhiều người như anh nghĩ đâu.

- Thầy ở một mình như thế này tự do hơn.

- Có nhiều thứ tự do. Ở với một người mình yêu thì tuy có thiệt thòi đôi chút về mặt tự do nhưng ngược lại mình có những tiện nghi khác bù đắp. Cố nhiên là phải được ở với một người yêu mình và mình yêu.

- Thầy chưa gặp được một người như vậy sao?

Tôi nghẹn ngào:

- Hình như tôi có gặp được một người.

- Sao thầy không cưới?

Tôi lắc đầu:

- Nhưng... rốt cuộc không thành.

Nhẫn đứng dậy xin phép đi lại đầu phố mua một xấp giấy quyến để vấn thuốc.

- Thuốc lá thơm, lạt quá em hút không được. Ði đâu cũng mang theo thuốc lá ở nhà trồng. Mỗi lần đi hội nghị ở lâu là phải xắt đem theo cả ký-lô.

- Tiêu thụ nhiều vậy?

Nhẫn cười:

- Em hút thuốc lá như đồng bào thượng. Vô trong này có hồi hết thuốc, bí quá em phải mua thuốc Cẩm Lệ hút đỡ. Ðắng, nặng chứ không ngọt giọng như thuốc ngoài em. Vợ em vô thăm kỳ này mới đem cho một ký thuốc xắt nữa đó. À mà quên, xin lỗi thầy, sáng nay thầy có bận phải đi đâu không? Bọn em tới quấy rầy làm tốn thì giờ thầy.

Tôi vừa đứng dậy đưa Nhẫn ra cổng vừa nói:

- Tôi rảnh cả buổi sáng.

Sau khi chỉ đường cho Nhẫn đi tới tiệm thuốc lá gần nhất, tôi trở vào phòng khách. Thịnh không còn ngồi ở ghế mà đứng ở bàn viết của tôi. Tôi bước nhẹ lại gần nàng.

- Thịnh, tôi gọi nhỏ.

Nàng quay lại nhìn tôi. Hai hàng nước mắt chảy dài trên má.

- Cô có nhận một bức thư của tôi nhờ bà Mừng chuyển?

Nàng lắc đầu.

- Sau đó tôi có viết cho cô hai bức thư nữa. Cô cũng không nhận được?

Nàng lắc đầu.

- Lâu lắm, hồi xưa, ông Chánh có trao cho cô hộp quà do nhà tôi gửi biếu cô? Tôi nhớ dường như đó là hàng áo dài, lọ nước hoa...

Nàng gật đầu.

Sự im lặng bao vây lấy chúng tôi. Những giọt nước mắt kế tiếp nhau chảy, rơi trên mặt bàn. Thịnh mím môi như cố giữ chẹn những tiếng khóc.

- Tôi đã nghĩ đến cô trong những hồi đơn chiếc. Tôi không quên được nét dịu dàng trên gương mặt, trong cử chỉ và nơi tâm hồn cô. Tôi mong thư cô từng ngày từng giờ, tôi mong sự hiện diện của cô, nơi đây. Một năm. Rồi hai năm. Cuối cùng, tôi đã tuyệt vọng trong sự mong chờ. Cô không hề biết tin rằng nhà tôi đã mất?

Nàng lắc đầu.

- Nếu biết tin nhà tôi đã mất thì dù không nhận được thư tôi, cô cũng tìm vào thăm tôi, phải không? Bởi cô hiểu rằng tôi có nhiều cảm tình với cô. Có phải là cô sẽ vào thăm tôi không?

Nàng lặng lẽ nhìn tôi.

- Có phải vậy không?

Nàng lắc đầu.

- Sao vậy? Cô có điều gì giận tôi chăng? Cô ghét tôi sao? Trong khi tôi vẫn yêu cô âm thầm, yêu cô âm thầm. Tôi nghĩ đến cô như một người đi đường trường giữa trưa nắng nghĩ đến một dòng suối mát. Cô là dòng suối của tôi. Thế mà cô quên tôi, cô... Tại sao cô ghét tôi? Tại sao?

Thịnh ngẩng mặt lên đăm đăm nhìn tôi. Nước mắt đầy cả hai khóe mắt.

- Cô có ghét tôi không?

Nàng im lặng nhìn tôi không nói.

- Thế sao cô không vào?

Nàng lắc đầu và giọng nói nghẹn ngào, đứt quãng:

- Bởi em không có hi vọng... Em nghèo.

Nàng bật lên tiếng khóc.

Vừa lúc ấy tiếng giày của Nhẫn gõ vang ở hè đường trước nhà. Tôi đưa Thịnh vào phòng rửa mặt.




Tôi thù hằn sự giàu kể từ ngày đó. Tôi sai tháo hết những rèm cửa, cuốn dẹp tấm thảm ở phòng khách, khiêng cất cái tủ gương trong chưng những cổ ngoạn quí giá đắt tiền. Tôi thù ghét bộ xa-lông đồ sộ bọc nỉ đỏ, thù ghét cái giường gọng vàng, thù ghét mọi tiện nghi mà khoa học Tây phương đang ra sức cung phụng tôi. Trong nỗi niềm cô đơn vắng lặng của tâm hồn tôi, chúng không mang lại cho tôi chút an ủi nào mà hiển nhiên chính chúng là nguyên nhân gây ra nỗi cô đơn hiện tại. Tôi muốn đổi hết tất cả để lấy một căn nhà tranh sơ sài có bức tường bằng đất trét màu vàng, có vuông sân nơi đó có mọc một cây xoài quí, có người yêu dịu dàng là Thịnh, dòng suối mát của tôi, niềm an ủi của tôi, bàn tay thiên thần nơi tôi gục vầng trán nhàu nát ưu tư.

Tôi đưa ngón tay vặn chiếc máy thu thanh. Nhạc rơi thánh thót và tiếp theo là giọng hát Giao Linh:

“Em biết thân em phận gái nghèo hèn

Mà lỡ yêu thương ai rồi...”

Ðiệu nhạc và lời ca tầm thường nhưng phù hợp với hoàn cảnh của chúng tôi. Giọng hát u trầm của Giao Linh hay là tiếng nức nở của Thịnh?

Em không có hy vọng... Em nghèo.

“Em biết thân em phận gái nghèo hèn”.

Giọng hát nức nở hay tiếng kêu tuyệt vọng của Thịnh bên cạnh nấm mộ của tình yêu lỡ làng? Tiếng ca Giao Linh khắc khoải trổi lên, mỗi đêm ở từ phòng trà, từ rạp chiếu bóng, từ chiếc pick-up gia đình, tôi nghe đã nhiều nhưng xúc cảm u hoài theo thì chỉ từ ngày Thịnh cùng chồng tìm đến thăm tôi. Và cũng từ ngày đó, cuộn băng nhựa có giọng hát của Giao Linh lúc nào cũng thường trực ở đầu giường. Những buổi chiều cô đơn, những giấc khuya vắng lặng, tôi ngồi hồi tưởng đến những ngày kháng chiến xa xôi, đến một khuôn mặt, đến một dáng người, đến miếng rách nơi vai áo, đến dòng nước mắt lã chã rơi trên mặt bàn, trong khi ngón tay tôi vặn nhẹ để từ từ âm thanh của nhạc rơi nhẹ vào không khí, để tiếng hát Giao Linh lại nỉ non thổn thức:

“Cho kẻ yêu anh không tủi phận mình

Còn lóe trên môi nụ cười... dù rằng trong giấc mơ thôi.”