Tết là đi thăm. Nhưng đến nhà ai đây, khi người ta đang ở quê người? Nhân “lòng trống trải” và “thịt đang đòi một sự cần dùng”, “tôi” chợt nhớ đến “dân”. “Ngựa quen lối cũ” (bao nhiêu lần rồi mà quen?) đưa “tiên sinh” thẳng vào trước “đấng tiên sư” có đôi mày trắng… Gái trong lòng khách, tay gái trong tóc khách, khách và gái mạnh ai nấy nói bằng thứ tiếng nói riêng của dân tộc mình và bằng cả thứ tiếng không nói chung của toàn thể nhân loại, thú lắm. Nhưng “mặt người đàn bà đỏ ửng như một hòn than luyện”? Đi “thăm” mà gặp được “dân” hào hứng như vậy, chả mấy khi đâu, số Nguyễn năm nay chắc chắn đỏ như son rồi! (Chuyện ấy bên ấy, các “bạn hiền” của Nguyễn nghe chừng ấy, không biết đã thỏa hay chưa?). (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Một chuyến thăm dân ngày Tết”




Ðêm mùng ba Tết, nằm ở từng gác thứ tư khách sạn Ðại Ðông, tôi thấy trong lòng tôi trống trải. Thịt tôi đang đòi một sự cần dùng.

......................................................................

Ngựa quen lối cũ, tôi lại lần mò đến khu Aberdeen Street.

Hăng hái bước vào nhà chứa, tôi vênh mặt lên để nhận lời chúc mừng năm mới của một “ả sẩm” gọi tôi là sính sáng.

Ðèn nến sáng như trong một buổi dạ hội. Một cành hồng mai to chặt sát gốc, một cành bạch đào có tết lụa điều cũng chặt sát gốc, chắn hết cả lối hành lang. Ở bàn giữa phòng tiếp khách, la liệt hoa quả, bánh mứt và rượu dán đủ các nhãn thương tiêu. Tôi nhìn kỹ bức tranh trung đường treo trên bàn thờ vẽ toàn thân một vị thần, lớp phấn trắng tô cặp lông mày đã mờ nhạt. Ðấng tiên sư đấy! Mấy ông sính sáng Tầu chân chính nhìn tôi cười. Ả sẩm kéo hai bạn tôi và tôi vào buồng. Tôi lật trang cuốn Việt Hoa thông thoại để tìm những chữ cần dùng nói chuyện.

Người ta bưng vào buồng một quả mứt đầy. Tôi mở quả mứt, mời các bạn và vui vẻ nói:

- “Cẩm” như xóm cô đầu bên mình. Bạc lẻ, hào lẻ đâu bỏ ra mà mừng tuổi!

Hai ông bạn tôi hình như chưa tập được lối ăn uống của người giang hồ, vẫn rụt rẻ chưa chịu bỏ quả táo tàu và những hột sen trần vào mồm. Nếu sẵn kính hiển vi trong tay, chắc các ông ấy không ngần ngại soi kỹ hạt mứt, ngõ hầu kiếm lấy ít con vi trùng hoa liễu.

Người ta cất quả mứt với những tiếng “cống hỉ” ầm ĩ khi đã thấy bọn tôi bỏ vào đấy những chiếc phong bì xinh đẹp, đỏ chói và cồm cộm hào.

......................................................................

Ả sẩm cười. Người đàn bà đứng ở giữa phòng cũng mỉm cười. Hơn họ, tôi cười to và đặt người đàn bà đó vào lòng, tai mơ hồ nghe ả sẩm khép cánh cửa buồng...

Rồi người đàn bà đó lồng năm đầu ngón tay nhọn sơn đỏ vào lớp tóc rối, vuốt ve và nói những câu gì mà âm thanh nghe cũng hay hay. Tôi vơ vẩn nghĩ chuyện nghìn xưa có ông Liễu Hạ Huệ mà thỉnh thoảng người của thế kỷ này vẫn lôi ra để làm gương cho những thiếu niên bị sa ngã trước sắc đẹp đàn bà. Tôi cho là sự xuyên tạc của nhà nho. Ông Liễu Hạ Huệ làm gì có trong lịch sử loài người. Hay nếu có nhà khảo cổ học nào mang ra được cái sọ và bộ xương với mọi tang chứng khoa học nhận thức đấy chính là đầu và người ông Liễu Hạ Huệ, thì ít ra tôi cũng chỉ tin rằng lúc bình sinh, ông chỉ là một đấng nam nhi...

Sự tình cờ của chút duyên bèo nước chỗ phụ đầu Hương Cảng đã cho tôi làm chồng người đàn bà ấy trong một đêm giá lạnh, xa phần hương. Tôi đã thành thực cảm động với một con đĩ. Tôi xin lỗi hết thảy những người thân yêu trong đời tôi, muốn toàn những sự thuần túy trong sạch cho tôi.

Lá màn rủ thấp... Người đàn bà ấy nói nhiều lắm. Tôi không hiểu nghĩa nhưng nhận thấy âm thanh “câu chuyện” có duyên tệ. Tôi cũng nói chuyện với người đàn bà ấy... bằng tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi cười, cười như người suốt đời được sung sướng; chúng tôi cười như người hiểu được thâm tâm của nhau. Bỗng tôi nín tiếng. Tôi nhìn tận mặt người đàn bà ấy đang đỏ ửng như một hòn than luyện. Và khi đó tôi nhận thấy tôi là một bó cỏ khô.

Sự gì sẽ xảy đến cho một bó cỏ khô bị vứt vào bên hòn lửa đỏ, sự ấy đã xảy đến cho người đàn bà đó và tôi. Sự tai biến đó, chúng tôi đã ngầm dự đoán được từ lâu, không cần phải hiểu tiếng nói của nhau và nói ra lấy nửa lời. Như thế này, thì ra cái ông tổ sinh ra khoa Espéranto đã làm một việc thừa cho nhân loại khi dạy mọi người của trái đất học thế giới ngữ.

Ðấng sinh ra muôn loài, phú bẩm cho người ta nhiều linh tính quý hóa vậy thay!

Ðêm thổn thức đi. Chúng tôi uể oải bắt tay từ biệt nhau trong cảnh khuya khoắt. Người đàn bà ấy trao cho tôi một lá thiếp phấn hồng.

Tôi làm ra vẻ lịch sự, đỡ lấy tấm măng-tô lông gấu đen xứ Tây Tạng, khoác lên vai người kỹ nữ. Nàng rảo bước, để lại trong phòng một con đường nước hoa thơm gắt.

Tôi mân mê lá thiếp, đọc rất kỹ lưỡng:

TÚ CHÂN
Số... - đường Ca Vũ Cái - Hongkong
(từng thứ nhì - buồng giữa)

Rồi tôi vụt có tư tưởng đem nàng Tú Chân về nước - nàng, một con đĩ hạng trung bình. Tôi tưởng tượng sẽ bắt nàng phục thiện, tòng lương và khi nàng đã cùng tôi xuống tàu, nàng sẽ hắt trả lại cho Hương Cảng cái quá khứ mãi dâm của nàng. Về bên xứ sở, tôi sẽ cho nàng để đại tang và bịa cho nàng là con một ông đốc biện binh lương ở mặt trận Hoa Nam bị tử thương, không có thân thích, lánh giặc ở Hương Cảng, gặp tôi trước ống thu thanh và yêu tôi tại xưởng quay phim hát bóng nói mà nàng cũng có chân sắm trò. Nàng đã có vẻ đài các ấy, với cái miệng nhí nhảnh và cử chỉ dễ thương ấy, với cái vẻ sầu lãng mạn mỗi khi nàng dứt tiếng cười, khi về nước, tôi có thể nói láo không thò chuôi.

Chiều hôm mùng bốn Tết, tôi đã tìm đến nhà Tú Chân với cái ý định dẫn nàng đi chơi phố như người ta sóng đôi với một vị hôn thê rất đứng đắn, rất lương thiện.

.....................................................................

Tôi đã hiểu qua sự kinh nghiệm phiêu lãng của tôi rằng, thôi! chẳng qua đó cũng chỉ là một lối phóng túng hình hài chốc lát của một tâm hồn giang hồ chốc ở đấy, rồi chốc lại đi đấy.


(Trích từ chương “Duyên bèo” trong tập
Một chuyến đi (1941). Nhan đề phần trích tạm đặt.)