Chương 1.10




載營魄抱一, 能無離乎? 專氣致柔, 能嬰兒乎? 滌除玄覽, 能無疵乎? 愛國治民, 能無爲乎? 天門開闔, 能爲雌乎? 明白四達, 能無知乎?

生之畜之, 生而不有, 爲而不恃, 長而不宰, 是謂玄德.

*

Tải doanh phách bão nhất, năng vô li hồ? Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ? Địch trừ huyền lãm, năng vô tì hồ? Ái quốc trị dân, năng vô vi hồ? Thiên môn khai hạp, năng vi thư hồ? Minh bạch tứ đạt, năng vô tri hồ?

Sinh nhi súc chi, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trường nhi bất tể, thị vị huyền đức.

*

Cho hồn, phách thuần nhất, không rời đạo được không? Cho cái khí tụ lại, mềm mại như đứa trẻ sơ sinh được không? Gột rửa tâm linh cho nó không còn chút bợn được không? Yêu dân trị nước bằng chính sách vô vi được không? Vận dụng cảm quan để giữ hư tĩnh được không? Chân tri sáng rỡ hiểu biết được tất cả mà không dùng tới trí lực được không?

Sinh và dưỡng vạn vật. Sinh mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự lớn lên mà mình không làm chủ, như vậy gọi là huyền đức - đức cao nhất, huyền diệu.


*

Chương này có vài chỗ mỗi người dịch một khác.

Câu đầu: chữ tải dùng cũng như chữ phù 夫, để mở đầu chứ không có nghĩa. Chữ doanh nghĩa là: hồn. Hồn thuộc về phần khí “linh”, phách thuộc về phần huyết, cho nên có nhà cho doanh phách là tâm, thân. Bão nhất có nhà dịch là giữ lấy đạo, và vô li là doanh và phách không rời nhau.

Câu thứ nhì, đa số hiểu chữ khí là hơi thở, và cho chuyên khí là một phép dưỡng sinh; nhưng có nhà lại hiểu là “bảo toàn thiên chân”.

Câu thứ ba, chữ lãm, có thể hiểu như chữ giám 鑑 là tấm gương.

Câu thứ năm, thiên môn khai hạ nghĩa đen là cửa trời mở đóng: cửa trời tức là mắt, tai, mũi... nói chung là cảm quan; thư là con mái, tượng trưng sự nhu nhược, yên tĩnh.

Câu cuối: từ sinh nhi bất hữu... tới huyền đức, có nhà cho là ở chương 51 đặt lộn lên đây, vì nghĩa không gắn với phần ở trên. Chúng tôi cũng nghĩ 16 chữ đó đặt ở cuối chương 51 hợp hơn ở đây.

Đại khái thì ba câu đầu nói về phép dưỡng sinh, trị thân. Ba câu kế nói về phép trị thế. Hai phép đó giống nhau ở chỗ đều phải thuận theo tự nhiên.