Ðại sự gì mà đến nỗi nếu kể thiếu thì bao nhiêu tuyết trắng trên núi Phú Sĩ đều hóa tro và muội, thì “mầu mây trời La-mã (...) trở nên buồn như tang”, thì hết thảy mọi sự lớn nhỏ khác đã kiên nhẫn kể cho “bạn hiền” nghe suốt tiệc tẩy trần đều bị coi như “vứt”? Hóa ra là cái sự... tình, như trong “thăm dân cho biết sự tình”. Hễ đi xa (Hà Nội vào Huế, chẳng hạn, là có đủ xa), muốn thăm thú núi non sông nước gì đấy cứ tha hồ, nhưng chớ quên thăm “người đàn bà bản xứ” để khi về còn “tả” cho anh em nghe lúc tửu hậu, cà-phê dư. Nếu quên, coi như đã tự biến mình thành “một du tử, một khách giang hồ không biết tự trọng”! Nguyễn hình như thường nhớ tốt. Và lại rất nền nếp. Nên trước khi kể chuyện ấy ở bên ấy, Nguyễn bắt ta nghe hẳn một khúc... e hèm! (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “... bên ấy có hay không?”




Người ta, một khi ở phương trời xa lạ được trở lại quê nhà, thường phải cái nạn kể chuyện cho bạn, cho bà con, cho tất cả mọi người đến thăm mình vừa đi vắng về. Tả cái ngộ nghĩnh, quái gở của hòn đất, dải sông, tảng núi; tả cái kỳ dị của phong tục, cái đẹp của tính tình dân tộc.

Tự nhiên, mình thành ra cái đĩa nhựa máy hát. Và phải quay cả hai mặt đĩa, mỗi lúc gặp bạn cũ bắt nói chuyện.

Nhưng nguy hiểm hơn hết, là câu hỏi của người bạn hiền, lúc đã lả lơi:

- Ðàn bà bên ấy có hay không?

Trong một bầu không khí thân mật, sau một bữa ăn thịnh soạn mà mình là vị thực khách danh dự đến nhờ chén rượu ngon bữa tiệc rửa những hạt bụi đường xa bám nơi manh áo, người ta lặng lẽ chờ miếng đường tan đều trong chén cà-phê đặc, thỉnh thoảng thúc giục bạn kể cho nghe cái chuyện “người đàn bà bên ấy”. Người ta giục bạn bằng giọng âu yếm, nằn nì của người nhân tình cũ. Bạn cảm thấy công việc tiêu hóa đang đều đều trong con tì. Mẩu tro trắng ở đầu điếu sì-gà đã dài lắm rồi. Người ta bị vò rượu ngon hành hạ xác và hồn; người đàn bà xứ xa lạ vẫn ám ảnh không tha họ là người tò mò. Bạn gỡ cho họ khỏi ám ảnh ấy một khi đã tả hết hương vị của một đêm “chung tình” với “người đàn bà bên ấy”. Bạn sẽ làm cho họ mất hết dư vị một bữa cơm ngon, bạn sẽ làm cho họ thất vọng dài, nếu bạn không đem được ra người đàn bà của xứ xa lạ mà từ nãy tới giờ người ta đòi hỏi hết nhời.

Và từ hôm ấy, người ta khinh thị bạn ra mặt. Ồ, có thể như thế được chăng? Có thể được lắm, vì hành trình của bạn đã thiếu mất một người đàn bà. Chỉ thiếu có bóng một người đàn bà, bạn đã trở nên một du tử, một khách giang hồ không biết tự trọng.

Ngẫm cho kỹ, bạn sẽ nhường lẽ phải cho người ta và qui lỗi vào mình thiếu nghệ thuật của lãng tử khi chịu dầm mưa tẩm nắng ở đất xa. Thí dụ ra mà xem, dễ hiểu lắm.

Nếu bạn ở Nhật về, mà không điểm vào câu chuyện một vài nụ cười linh động của một vài nghệ dã (geisha), thì muôn dặm Phù Tang của bạn cũng là vứt, và cảnh tuyết trắng núi Phú Sĩ ẩn hiện qua rừng hoa hạnh mãn khai cũng tiêu hết thi vị và trở nên buồn tẻ như cảnh tro và muội khói nhà máy rắc lên một thành phố kỹ nghệ.

Bạn tự phụ là một tên lính thủy không thấy lạnh mắt trước ngọn gió lốc trên các mặt biển rộng, và thành tích mười năm hàng hải đã cho bạn để dấu giày trên khắp các cảng lớn và, thí dụ, có người nằn nì bạn tả cho nghe cái đẹp cổ điển nước Ý Ðại Lợi - tổ quốc của Mơ Mộng, và Thơ, và Rượu Nho và Lãng Mạn. Bạn nói hết, nói nhiều lắm, nói như một học giả bị ngờ vực đến sự hiểu biết của mình. Nhưng bạn bỏ sót mất người giai nhân. Mầu mây trời La Mã vốn đẹp hầu thành ngạn ngữ, chỉ vì khuyết điểm đó, trở nên buồn như tang. Quên mất người đàn bà “bản xứ” - dù người đàn ba ấy là một kỹ nữ hạ cấp - bạn đã làm chết mất cảnh lộng lẫy xứ xa xôi và làm hỏng hết giá trị cuộc du lịch đem ra tường thuật.

Cần chi nói đến những khí hậu xa thẳm ở ngoài vùng tử tái.

Bạn thử đặt cuộc du lịch ngắn trong phạm vi bờ cõi xứ sở.

Ði vô Huế mới về chẳng hạn. Trong mười người quen biết, thì có đến chín người nhao nhao hỏi bạn với một nét cười hóm hỉnh:

- Gái Huế có ngộ không?

Chữ “ngộ” này khó giảng lắm. Bạn và tôi đều lúng túng, nếu phải ký thác hết ý nghĩ lên tờ giấy sau khi hiểu chữ “ngộ” theo đúng nghĩa của câu hỏi. Tôi xin phép mở một dấu ngoặc để không tiếc lời, xin lỗi hết thảy tiểu thư, thiếu phụ của xã hội phụ nữ lương thiện Huế.

Chúng ta trở lại câu chuyện chúng ta. Vậy thì bạn đang cao hứng tả cảnh “xứ” Huế cho nhiều người nghe. Tả vua, tả quan, tả thành quách, lăng điện, mặt nước sông Hương không sóng, sương và gió trên núi Ngự Bình không độc, cái rừng thông rậm rạp, xanh um ở trên đàn Nam Giao là do tay các quan từ ngũ phẩm trở lên, mỗi vị trồng một cây, và vân vân... Mộng lắm! Ðẹp hết chỗ chê! không đem tiền, theo bạn vô “xứ” Huế mà chơi thì cũng uổng! Nhưng đến khi họ dồn cho bạn một hồi về chỗ “ngộ” của “gái” Huế thì bạn hiện nguyên hình là một người du khách không đủ tư cách để thuật chuyện. Chỉ vì khi ở Huế, bạn đã lơ đểnh, hờ hững với con “thoàn” sông Hương Giang, với người đẹp của con thuyền trên sông, dù người đẹp đó chỉ là người của bến Ðập Ðá hay của xóm Ao Hồ.

.........................................................


(Trích từ chương “Duyên bèo” trong tập
Một chuyến đi (1941). Nhan đề phần trích tạm đặt.)