Chà, bà con nông dân ở Châu Ðốc được thiên nhiên ưu đãi dữ! Cây lúa sạ mọc trên đất phù sa, lại được bón phân tro rạ, hèn gì cao quá xá!



Phạm Thăng, “Làm ruộng ở Châu Ðốc”



Ðầu thập niên 1940, Châu Ðốc là một tỉnh ở biên giới Việt Miên của miền tây Nam Việt chưa đông dân cư. Ðồng ruộng bao la trồng lúa sạ, canh tác dễ dàng, sông rạch lại nhiều cá tôm. Mỗi năm vào khoảng tháng hai âm lịch, nắng hạn, người dân nào lo chận đăng, đắp đập hoặc tát đìa bắt cá tôm cứ vui với các ghe thương hồ đến mua cá như ngày hội, còn người dân nào lo làm ruộng thì đi sau hai con bò kéo cày ngoài cánh đồng. Chỉ cần cày qua một lượt rồi chờ trời “sa mưa giông”, vài ba người ôm thúng lúa ra đồng, đi giăng hàng ngang vừa rải lúa đều tay vừa nhìn mây trắng như bông gòn khổng lồ bay lơ lửng trên trời xanh. Sau mấy ngày mưa xuống làm nẩy mầm và cứ thế lúa mọc lên khỏi cần lo nước lo phân, vì sau mùa gặt cánh đồng đã được đốt gốc rạ thành tro, để chính tro này sẽ là loại phân tốt cho ruộng. Cây rạ thế hệ nầy nuôi lại cây lúa của thế hệ nối tiếp.

Vào mùa đốt đồng, người dân vùng nầy (...) cơm nước buổi chiều xong, ngồi trước sân đón gió mát sẽ thấy quang cảnh quen mắt mỗi năm mà người dân vùng khác không thấy: Một khoảng đồng đang cuồn cuộn lửa cháy bốc khói. Ngọn lửa cao phừng phừng chỉ là những lưỡi lửa liếm mau các gốc rạ. Cả một biển lửa đang tràn chậm chậm, khói xám tỏa lan quyện vào không khí mùi rạ thơm nồng, cay cay. Mùi của quê hương. Không ai sợ lửa gây thiệt hại., vì cả cánh đồng mênh mông cò bay thẳng cánh nầy chỉ toàn gốc rạ, không nhà cửa, vườn tược. Gốc rạ không tạo ra tàn lửa bay xa gây nguy hiểm, nên họ mặc tình cho nó cháy... đến một kinh rạch nào chắn ngang thì tự tàn lụi.

Phân cho lúa đã có tro, nước thì có cả một mùa mưa, đúng là người dân ở đây làm ruộng dễ dàng nhưng họ không khai phá hết, vì họ sợ... nước lụt. Ðến tháng bảy, tháng tám, nước sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về như thác lũ tràn vào các đồng ruộng thấp của miền Tây nầy. Nước dâng lên thật mau. Cả vùng rộng lớn gồm mấy tỉnh An Giang, Kiến Phong, Ðồng Tháp, nước tràn vào mỗi ngày có khi tới 7, 8 phân. Người dân ở đây gọi mùa nầy là mùa nước nổi.

Lúa sạ thích ứng với nước nổi, nó tăng trưởng theo con nước. Nước lên bao nhiêu, lúa vượt theo bấy nhiêu, chỉ cần ló ngọn lên khỏi mặt nước một tấc là sống. Năm nào nước đổ về quá nhiều, nước dâng quá mau, lúa sạ theo không kịp, năm đó mất mùa.

Nước tràn trong các cánh đồng trũng thấp nầy, từ mặt đất lên đến mặt nước năm nào cũng cao đến ba, bốn thước, đến tháng mười nước rút, cây lúa ngã rạp từ từ nằm dài trên đất. Bù lại sự dễ dàng của mùa trồng, nông dân phải cực nhọc khi cắt lúa. Mùa nước nổi, sông Cửu Long đem phù sa bồi đắp cho ruộng và cá tôm cho dân vùng nầy.


(Trích
Xuôi dòng Cửu Long. Nhan đề phần trích tạm đặt.)